Ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) nhìn nhận, câu chuyện doanh nghiệp tăng trưởng sẽ là động lực chính của chứng khoán Việt Nam trong năm 2025.
Năm của các quỹ đầu tư
2024 chứng kiến thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng khá tốt, với mức tăng trưởng 12%. Không ít quỹ đầu tư cũng ghi nhận tăng trưởng ngoạn mục với mức tăng trên 30%. Tuy nhiên, nghịch lý là dường như nhà đầu tư cá nhân lại khó có lãi. Theo ông, đâu là điểm nổi bật tạo nên sự khác biệt trên thị trường chứng khoán năm qua?
Ông Nguyễn Duy Anh: Năm 2024 thực sự đánh dấu một sự khác biệt lớn trong bối cảnh đầu tư so với những năm trước.
Trước đây, sự chênh lệch về hiệu suất giữa nhà đầu tư cá nhân và quỹ đầu tư không lớn, thậm chí có thể nói rằng nhà đầu tư cá nhân thường thắng thế.
Tuy nhiên trong năm qua, chúng ta lại chứng kiến một sự đảo chiều với các quỹ đầu tư thể hiện hiệu suất tốt hơn, trong khi nhà đầu tư cá nhân lại không đạt được kết quả như mong đợi.
Có một số yếu tố ảnh hưởng đến sự thay đổi này. Theo tôi, một điểm mạnh lớn của các quỹ đầu tư là khả năng đa dạng hóa danh mục.
Nhà đầu tư cá nhân thường chỉ có khả năng đầu tư vào 4 - 5 mã cổ phiếu với số vốn thường chỉ từ 1 - 2 tỷ đồng. Trong khi đó, các quỹ đầu tư luôn duy trì từ 20 - 25 cổ phiếu trong danh mục với quy mô lớn hơn nhiều.
Sự đa dạng hóa này chính là chìa khóa giúp họ có được lợi nhuận tích cực trong năm nay. Chẳng hạn, chỉ cần một vài mã cổ phiếu như FPT hay Viettel trong danh mục tăng trưởng là có thể mang lại hiệu quả vượt trội.
Vậy làm thế nào để các quỹ đầu tư tìm thấy các cổ phiếu tăng giá mạnh như FPT hay nhóm Viettel? Và khi giá đã tăng mạnh, các quỹ đầu tư có tiếp tục mua vào, hay sẽ bán ra để chốt lời?
Ông Nguyễn Duy Anh: Điều cũng là một điểm khác biệt quan trọng giữa đa phần nhà đầu tư cá nhân và quỹ đầu tư. Đó là sự nhất quán trong phương pháp.
Các quỹ đầu tư còn có chiến lược dài hạn kiên định. Bản thân các quỹ đầu tư cũng không thể chắc chắn về thời điểm hay mức độ tăng giá của một cổ phiếu.
Vì vậy, thay vì dự đoán khi nào giá cổ phiếu sẽ tăng, chúng tôi tập trung vào việc xác định giá trị thật sự của doanh nghiệp dựa trên khả năng tăng trưởng lợi nhuận và hoạt động kinh doanh.
Chúng tôi tìm hiểu doanh nghiệp đó tạo ra bao nhiêu lợi nhuận hiện tại và dự kiến lợi nhuận trong tương lai. Nếu cổ phiếu đó tiềm năng tăng trưởng cao và giá phù hợp, quỹ sẽ trích một phần tiền ra mua và để đó, chờ thời điểm giá tăng
Chúng ta có thể so sánh với việc mua sắm thông thường. Khi mua táo, bạn sẽ so sánh giá giữa hai cửa hàng.
Tương tự, trong đầu tư chứng khoán, việc phân tích và so sánh giá cũng rất quan trọng. Rất nhiều nhà đầu tư cá nhân bỏ qua quy tắc này và mua cổ phiếu chỉ vì bạn bè họ cũng đầu tư, điều này là sai lầm lớn.
Với những cổ phiếu đã tăng giá mạnh, các quỹ sẽ lựa chọn nắm giữ hoặc bán ra tùy thuộc vào khả năng tăng trưởng của cổ phiếu có còn tương xứng với mức giá hiện tại hay không.
Bức tranh vĩ mô thuận lợi
Ông đề cập nhiều tới phương pháp đầu tư vào giá trị doanh nghiệp. Vậy năm 2025, đâu sẽ là những yếu tố tác động tới giá trị doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Duy Anh: Thực tế, đầu tư là một quá trình kéo dài, mang tính chu kỳ tăng trưởng của doanh nghiệp chứ không bị giới hạn theo năm.
Mặc dù vậy, cũng có một số yếu tố vĩ mô ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư như báo cáo tài chính doanh nghiệp và kế hoạch tăng trưởng của Chính phủ.
Theo tôi, nền kinh tế Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng tốt trong năm 2025. Lãi suất có thể tăng nhẹ khoảng 0,5% so với năm 2024 do áp lực từ tỷ giá.
Mặc dù vậy, tác động sẽ không quá lớn do định hướng của Chính phủ vẫn là duy trì lãi suất thấp để thúc đẩy nền kinh tế.
Tôi tin rằng cơ hội mà nền kinh tế Việt Nam đang chào đón rất lớn, sau nhiều lần bỏ lỡ cơ hội để trở thành "con rồng" hay "con hổ" của châu Á.
Động lực đến từ bối cảnh kinh tế toàn cầu. Với sự trở lại của Donald Trump, có khả năng làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sẽ tiếp tục mạnh mẽ hơn. Nếu có thể thu hút được chỉ 1% dòng vốn này chảy về Việt Nam, chúng ta đã có thể thấy sự thay đổi lớn trong nền kinh tế.
Điểm khác với giai đoạn trước, đó là chúng ta cần có sự chọn lọc. Dòng vốn FDI vào Việt Nam cần phải hướng tới việc nâng cao công nghệ sản xuất và thu hút các lĩnh vực FDI có giá trị cao.
Trong làn sóng dịch chuyển này, Việt Nam cần tập trung vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao như sản xuất chip và chất bán dẫn.
Chúng ta không thể dựa vào các ngành truyền thống như dệt may hay da giày trong một tương lai dài, bởi chúng chủ yếu dựa vào lợi thế về giá nhân công. Thay vào đó, những ngành công nghiệp công nghệ và sản xuất cao cấp sẽ là hướng đi cần thiết để đáp ứng nhu cầu tương lai.
Đó là câu chuyện vĩ mô, còn với thị trường chứng khoán, năm 2025 chúng ta còn có một thông tin tích cực và quan trọng khác là nâng hạng theo tiêu chuẩn của Russell, điều này có thể thu hút dòng vốn ngoại đáng kể vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chúng ta đã nói quá nhiều về nâng hạng thị trường chứng khoán trong những năm qua. Ở góc độ quỹ đầu tư, ông đánh giá thế nào tác động của việc nâng hạng tới thị trường trong năm tới?
Ông Nguyễn Duy Anh: Nâng hạng thị trường theo tiêu chuẩn Russell là một tín hiệu tích cực, cho thấy sự trưởng thành và phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Mặc dù vậy, cũng phải nhìn nhận thực tế là theo chuẩn Russell, dòng vốn dự kiến đổ vào sẽ không lớn. Ước tính, khi thị trường được nâng hạng, sẽ có khoảng 1 tỷ USD được các quỹ đầu tư thụ động rót vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Con số này khá nhỏ bé khi so với quy mô các dòng vốn trước đó, thậm chí thua xa so với mức bán ròng hơn 3 tỷ USD của khối ngoại trong năm 2024.
Tuy nhiên, việc nâng hạng sẽ mở ra những cơ hội lớn hơn trong tương lai. Sau đó chúng ta có thể hướng tới chuẩn cao hơn là MSCI, nơi có thể thu hút từ 4-5 tỷ USD vốn đầu tư thụ động. Đây sẽ là cú hích cần thiết cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm tới.
Tìm kiếm cơ hội tăng trưởng
Có thể thấy ông khá lạc quan vào các yếu tố thúc đẩy đầu tư tăng trưởng trong năm 2025. Vậy để bắt nhịp theo xu hướng đó, các quỹ đầu tư đang sàng lọc, tìm kiếm những cổ phiếu tăng trưởng như thế nào?
Ông Nguyễn Duy Anh: Đúng vậy, mặc dù chứng khoán có những giai đoạn giảm, nhưng về lâu dài vẫn tăng trưởng.
Điều quan trọng là khi nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu của doanh nghiệp để đầu tư, họ phải nhìn nhận tổng quan về sự phát triển của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.
Chẳng hạn, nếu nền kinh tế dự kiến tăng trưởng 6-7% trong những năm tới, thì rất nhiều doanh nghiệp niêm yết sẽ có tiềm năng tương tự.
Trong đó, sẽ có những cổ phiếu thực sự tiềm năng, nhà đầu tư cần chú ý đến những doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng lợi nhuận vượt trội, có thể gấp đôi hoặc gấp ba so với mức tăng trưởng GDP, tức khoảng 15-20% mỗi năm.
Những doanh nghiệp này không chỉ có sức cạnh tranh mạnh mẽ trong nước mà còn có khả năng mở rộng ra thị trường quốc tế.
Cụ thể trong giai đoạn tới, những nhóm doanh nghiệp nào sẽ đáp ứng được tiêu chí tăng trưởng mạnh mẽ đó?
Ông Nguyễn Duy Anh: Có một số nhóm ngành sẽ hưởng lợi từ sự phát triển hiện nay của nền kinh tế Việt Nam.
Đầu tiên là nhóm ngành bất động sản, đặc biệt là bất động sản công nghiệp. Đây là ngành hưởng lợi rất lớn từ làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tiếp theo là nhóm ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu hàng hóa, mà đặc biệt là các ngành công nghiệp phụ trợ sẽ có cơ hội lớn từ việc gia tăng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, ngành tiêu dùng cũng sẽ tiếp tục phát triển do thu nhập bình quân đầu người tăng lên. Ngành công nghệ thông tin và truyền thông trở thành điểm sáng, với tốc độ phát triển nhanh chóng và nhu cầu ngày càng cao về công nghệ.
Cuối cùng, ngành logistics đóng vai trò then chốt trong việc giao thương và phân phối hàng hóa cũng sẽ phát triển mạnh mẽ đồng hành cùng sự tăng trưởng của thương mại điện tử.
Câu hỏi cuối cùng, chúng ta nhìn nhận cơ hội lớn, nhưng rủi ro cũng sẽ tồn tại. Theo ông, nhà đầu tư nên chú ý điều gì để hạn chế rủi ro?
Ông Nguyễn Duy Anh: Rủi ro luôn đi kèm với cơ hội, đó là quy luật bất biến của thị trường. Nhà đầu tư cần phải nhận thức rõ điều này và có chiến lược quản lý rủi ro hiệu quả.
Trong đó, theo tôi quan trọng nhất là phải hiểu rõ phương pháp đầu tư của mình. Nhất quán với phương pháp đó. Những nhà đầu tư kiên định với phương pháp đúng sẽ luôn thu về lợi nhuận trong dài hạn.
Chẳng hạn, từ đầu đến cuối chúng ta nói về đầu tư vào doanh nghiệp tăng trưởng, vậy rủi ro của phương pháp này thường nằm ở định giá cao.
Những doanh nghiệp này thường có mức định giá rất cao, vì vậy chỉ cần tăng trưởng chậm lại, chưa cần tới giảm lợi nhuận, giá cổ phiếu đã có thể ngay lập tức giảm mạnh.
Vì vậy, nhà đầu tư cần phải thận trọng và chỉ nên đầu tư một số khu vực thích hợp. Với tôi, thời điểm tốt nhất để đầu tư vào các cổ phiếu tăng trưởng là khi lợi nhuận của doanh nghiệp bị ảnh hưởng tạm thời trong vài quý.
Xin cảm ơn ông!
Trần Anh /Nhà Quản trị