Không còn lo ngại tiền ngoại?

09:31 | 08/07/2024
Khối ngoại đang ở pha rút ròng mạnh nhất trong gần 25 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Giá trị bán lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng hai tháng gần đây, nhưng khối ngoại chỉ đang chiếm khoảng 10% trong cấu trúc thanh khoản thị trường.

Khối ngoại rút ròng kỷ lục, dòng vốn chu kỳ 2011 - 2024 đảo chiều

Theo dõi những tháng gần đây, nhà đầu tư nước ngoài duy trì cường độ bán mạnh và có dấu hiệu gia tăng. Nếu như trong giai đoạn trước đó (từ tháng 2/2020 đến tháng 3/2022), thị trường chỉ ghi nhận hai tháng có giá trị chênh lệnh mua bán vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng (tháng 3 và 5 năm 2021).

Trong khi nửa đầu của 2024, nhà đầu tư nước ngoài đã có 3 tháng rút ròng trên 10.000 tỷ đồng. Riêng trong tháng 5/2024, khối này bán ròng kỷ lục hơn 19.000 tỷ đồng. Sang tháng 6, áp lực bán có phần suy giảm, nhưng vẫn neo cao với 16.740 tỷ đồng.

Lũy kế nửa đầu 2024, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tổng cộng 52.657 tỷ đồng, bằng 84,2% cả năm 2021. Nếu dòng tiền ngoại không có xu hướng đảo chiều trong những tháng còn lại của năm, khả năng cao thị trường sẽ ghi nhận kỷ lục mới.

Quan sát cho thấy, sàn HOSE chịu áp lực bán mạnh nhất với 52.073 tỷ đồng, theo sau đó là thị trường UPCoM với 1.223 tỷ đồng. Trạng thái đối lập, sàn HNX được vào ròng gần 640 tỷ đồng nhờ giao dịch mua đột biến IDC với quy mô hơn 1.200 tỷ đồng kể từ đầu năm.

Ghi nhận trên sàn HOSE, cả hai sản phẩm chủ lực đều chịu áp lực bán ra từ khối ngoại. Trong đó, quy mô bán ròng cổ phiếu là 42.186 tỷ đồng, chứng chỉ quỹ ETF nội bị bán 9.850 tỷ đồng. Theo dõi diễn biến cho thấy, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng sản phẩm ETF nội trong 12 tháng liên tiếp kể từ tháng 7/2023.

Với việc thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực bán mạnh trong nửa đầu năm 2024, dòng tiền ngoại đã có sự đảo chiều nếu theo dõi chu kỳ kể từ năm 2011. Hay nói cách khác, thị trường đã mất đi toàn bộ thành quả tích lũy trước đó. Lũy kế từ đầu năm 2011 đến cuối tháng 6/2024, khối ngoại đã bán ròng gần 41.000 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Nguyên nhân dòng tiền ngoại rút khỏi thị trường

Từ chỗ đánh giá đầy tiềm năng, việc nhà đầu tư ngoại đảo chiều rút vốn là tín hiệu được số đông nhà đầu tư quan tâm. Song, cần phải nói rằng, đây là xu hướng đồng nhất xuất phát từ hoạt động tái cấu trúc tài sản của các quỹ đầu tư, diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy, không riêng Việt Nam, nhiều thị trường khác trong khu vực và trên thế giới ở trong trạng thái rút ròng trong nửa đầu năm nay như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Brazil, Canada hay Đức. Dòng tiền luân chuyển sang một số thị trường phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Luxembourg, Hà Lan.

Trong đó, Mỹ, Châu Âu nói chung và khu vực Đông Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan) là tâm điểm giải ngân với giá trị hàng chục tỷ USD.

Bình luận về diễn biến dòng vốn ngoại trên thị trường, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, lãi suất đồng USD duy trì cao, VND và nhiều đồng tiền trong khu vực mất giá. Do đó, một số quỹ thay đổi kế hoạch, chiến lược để đầu tư vào thị trường có cơ hội lớn hơn trong ngắn hạn.

Ngoài ra, việc thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh thời gian qua có thể kích hoạt quyết định chốt lời của nhà đầu tư ngoại. Một nguyên nhân khác là nhiều quỹ đã hiện diện ở Việt Nam hàng chục năm nay và đến thời hạn đóng quỹ.

Phía cơ quan quản lý đang theo dõi hoạt động bán ròng, rút vốn của khối ngoại nhưng cho rằng chưa thấy đáng lo ngại. Đây là thông tin được đại diện UBCKNN đưa ra tại một sự kiện được tổ chức đầu tháng 7.

Quan điểm này có cơ sở khi tỷ trọng của khối ngoại trong cấu trúc thanh khoản thị trường có phần suy giảm theo dõi 4 năm trở lại đây. Từ chỗ là dòng tiền lớn, khối ngoại hiện chiếm khoảng 10% thanh khoản. Đây là hệ quả khi nội khối đẩy mạnh giao dịch, tập trung ở nhóm nhà đầu tư cá nhân. Có thời điểm, tỷ trọng trên giảm còn 5 – 7%, dòng tiền ngoại không còn vị thế dẫn dắt, thay vào đó là ảnh hưởng tâm lý thị trường.

Ở một góc nhìn khác, tại toạ đàm trực tuyến với chủ đề "Đầu tư vào vàng, chứng khoán hay bất động sản nửa cuối năm?", ông Huỳnh Hoàng Phương - Chuyên gia Tài chính, Cố vấn Quản lý gia sản CTCP FIDT cho rằng hoạt động rút quỹ trong năm 2024 có phần khác với 2021. Một số tổ chức có chiến lược dài hạn có động thái rút quỹ, không phải những quỹ ngắn hạn như giai đoạn trước đó.

Một ví dụ điển hình là quỹ SK từ Hàn Quốc, họ đang có kế hoạch rút tiền ở Việt Nam. Song, ông Phương cho rằng, nhóm quỹ này sẽ trở lại sớm nếu kinh tế Việt Nam phục hồi.

Kỳ vọng từ câu chuyện nâng hạng

Song hành với triển vọng kinh tế, một câu chuyện không mới nhưng có thể khiến dòng tiền ngoại đảo chiều giải ngân trở lại Việt Nam là nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.

Hiện thị trường Việt Nam đang được hai tổ chức FTSE Russell và MSCI xem xét. Thị trường Việt Nam đang tương đối gần đạt tiêu chí của FTSE. UBCKNN đang đặt mục tiêu sẽ thực hiện chốt pre-funding (ký quỹ trước giao dịch) trước tháng 9 năm nay. Nếu thị trường Việt Nam đảm bảo thoả mãn tiêu chí về pre-funding sẽ đạt khoảng 95% điều kiện để nâng hạng.

Theo ước tính của chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có thể hút ròng 25 tỷ USD nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Nhưng, nếu chỉ được nâng hạng theo FTSE, dòng tiền giải ngân vào Việt Nam chỉ khoảng 10% trong con số 25 tỷ USD trên. Do đó, Việt Nam cần phải đáp ứng cả tiêu chí nâng hạng theo MSCI.

Ngoài việc, hoàn thiện tiêu chí đáp ứng theo hướng khắt khe hơn rất nhiều. Một vấn đề cũng được nhà phân tích thị trường bàn tới đó là khả năng “trụ hạng”.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Vietnam cho biết, áp lực lo lắng hơn là trong 3 năm gần đây có những thị trường mới được nâng hạng theo tiêu chí của FTSE hay MSCI trong 1 năm, gần như 1 năm sau đó bị hạ bậc trở lại hoặc tách ra thành một thị trường chuyên biệt. Sau giai đoạn dịch COVID, một vài quốc gia rơi vào tình trạng vỡ nợ như Argentina, Pakistan, … sau đó bị loại ra khỏi nhóm thị trường mới nổi. Do đó ranh giới giữa việc vào – ra cũng rất mong manh.

“Tôi cho rằng chúng ta không nên đặt sự quan tâm vào việc nâng hạng thị trường quá mà cần chú ý đến chất lượng của hàng hóa và sản phẩm tài chính mà chúng ta có thể tạo ra trong thời gian tới. Đó sẽ là những điều chúng ta cần làm tốt hơn”, ông Minh nói.

Hoàng Linh /Doanh Nhân Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Trong ngắn hạn, khối phân tích MASVN kỳ vọng VN-Index sẽ tìm được vùng hỗ trợ tại 1.280 điểm và tiếp tục hướng về vùng cản tâm lý 1.300 điểm. Tuy nhiê..
10:12 | 06/10/2024
Trong phiên cuối tuần 4/10/2024, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng tổng cộng 706 tỷ đồng trên toàn thị trường.
09:48 | 05/10/2024
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng ủy quyền, ký hợp đồng đại lý với doanh nghiệp có bàn thu đổi ngoại tệ, t..
08:41 | 04/10/2024
Đèo Cả (HHV), Tập đoàn Cao su, Vinatex công bố ước tính kết quả kinh doanh quý III với nhiều thông tin tích cực, trong khi Lọc hóa dầu Bình Sơn, Bidip..
11:47 | 03/10/2024
Bất chấp xu hướng điều chỉnh của thị trường chứng khoán, NĐT nước ngoài có phiên mua ròng thứ hai liên tục với quy mô hơn 240 tỷ đồng trên toàn thị tr..
07:17 | 03/10/2024
Các nhà băng Việt Nam có lợi nhuận và vốn hóa cao hơn tương đối so với các doanh nghiệp trong khu vực nhưng doanh thu và quy mô tài sản thấp hơn. Hiện..
09:34 | 02/10/2024
Tại Talkshow ''Thị trường chứng khoán tháng 10 trước các kịch bản bầu cử tổng thống Mỹ'' do VietnamBiz tổ chức ngày 30/9, các chuyên gia phân tích dự ..
09:40 | 01/10/2024
Hôm qua (30/9), phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9, chỉ số VN-Index giảm tiếp gần 3 điểm; thanh khoản giảm khá mạnh.
00:12 | 01/10/2024
Hôm nay (30/9), giá USD được các ngân hàng điều chỉnh giảm đáng kể còn giá vàng ''neo'' ở mức đỉnh.
17:05 | 30/09/2024
Hàng trăm nghìn tỷ đồng hỗ trợ phục hồi sau bão lũ đã được các ngân hàng cam kết đưa ra. Cùng với đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm cũng hứa hẹ..
09:28 | 30/09/2024

 

Giấy phép hoạt động Số 03 /GP - TTĐT
Sở TTTT Hải Phòng cấp ngày 06 /5 /2021
Trụ sở: 47 /384 Lạch Tray, P. Đằng Giang
Quận Ngô Quyền - Thành phố Hải Phòng
marketnews.vn@gmail.com /0905414241

BAN BIÊN TẬP - HÀNH CHÍNH & TRỊ SỰ
Chịu trách nhiệm: TBT. Nguyễn Việt Thắng

VPĐD BẢN TIN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
N.Khách La Thành - Văn phòng Chính phủ
226 Phố Vạn Phúc, Q. Ba Đình, TP Hà Nội
Phó Trưởng VP  TP. Hà Nội Giang Thị Hoa
Tel: 024 39 195 195 * Fax: 024 39 196 196

icon facebook  icon-zalo  icon youtube  www.tiktok.com/@thitruongvietnam.vn   Chung nhan Tin Nhiem Mang

VĂN PHÒNG - KHU VỰC ĐÔNG NAM BỘ
Trưởng VP Đồng Nai Nguyễn Duy Khương

VP HCM: 138 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3
Trưởng VP TP. HCM Nhà báo Đinh Gia Cư
Tel: (028) 39181920 * Fax: (028) 39181920

(*)Không sao chép dưới mọi hình thức
Tra cứu  | Đường Dây nóng: 09 05 08 2014

Vận hành bởi Công ty TNHH Bản tin Thị trường Việt Nam
icon up