Trong năm 2025, không chỉ sẵn sàng cung cấp nguồn vốn giá rẻ, các ngân hàng còn triển khai nhiều giải pháp tài chính toàn diện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp.
Thêm nhiều “động lực” tăng trưởng
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết năm 2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 15,08%, đạt quy mô dư nợ toàn hệ thống là 15,6 triệu tỷ đồng. Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng tăng 16%. Nếu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng này, hệ thống các ngân hàng sẽ bơm thêm khoảng 2,5 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế, nâng tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống có thể sẽ đạt khoảng 18,1 triệu tỷ đồng vào cuối năm nay.
Nói về những con số này, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú - nhấn mạnh, con số tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 16% chỉ là định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước chứ không phải con số pháp lệnh. Tùy vào tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh cao hơn hoặc thấp hơn.
“Chúng tôi khuyến khích tăng trưởng tín dụng với lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tín dụng xanh; và vẫn có những lĩnh vực cần kiểm soát chặt chẽ, tránh các ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng nóng mất kiểm soát. Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng mở thêm “room” nếu doanh nghiệp tiếp cận và hấp thụ được vốn tốt hơn” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống có thể sẽ đạt khoảng 18,1 triệu tỷ đồng vào cuối năm nay. Ảnh: Duy Minh
Bên cạnh những định hướng mở về tăng trưởng tín dụng, từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến hoạt động tín dụng và được kỳ vọng tạo ra thay đổi lớn trong thời gian tới như: Từ nay đến năm 2030, tín dụng nhà ở xã hội sẽ không tính vào dư nợ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng. Cơ chế này sẽ tạo ra dư địa nhất định để các ngân hàng có thể triển khai hiệu quả chương trình này; đồng thời cũng tạo dự địa để các nhà băng tập trung cho vay các lĩnh vực, chương trình tín dụng khác mà không gặp phải vướng mắc. Bên cạnh đó, với mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở trong năm 2025 mà nhà điều hành mới công bố là 4,7%/năm, thấp hơn 0,1% so với mức 4,8% trong năm 2024 cũng là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trong năm nay.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời ban hành thông tư quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão Yagi cũng tạo thêm nguồn lực cho các tổ chức tín dụng.
Theo các chuyên gia, động lực tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 đến từ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Đáng chú ý, các lĩnh vực có khả năng hấp thụ vốn nhiều nhất là: Bất động sản, năng lượng, bán lẻ, tiêu dùng, đầu tư công...
Ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng giám đốc FiinRatings - cho rằng, năm 2025, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ dựa trên xếp hạng tín nhiệm và giám sát các hệ số an toàn vốn... mà không cần đề nghị xin duyệt từ cơ quan quản lý. Chính sách này không chỉ tăng tính linh hoạt cho các ngân hàng mà còn giúp dòng vốn chảy nhanh hơn đến các lĩnh vực cần thiết, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp và người dân.
Theo ông Thuân, cầu về tín dụng và huy động vốn sẽ tiếp tục tăng từ một số ngành chủ chốt của Việt Nam như: Bất động sản khu công nghiệp được “ăn theo” tăng trưởng FDI; bất động sản dân cư, nhờ sự cải thiện về tiến trình tháo gỡ pháp lý dự án; và đặc biệt là ngành năng lượng tái tạo, nhờ việc quyết liệt khôi phục tiến trình triển khai Quy hoạch điện VIII.
Sẵn sàng tiếp sức doanh nghiệp
Với định hướng điều hành từ Ngân hàng Nhà nước, ngay từ những ngày đầu năm, tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng nhanh chóng bắt tay triển khai thực hiện kế hoạch tín dụng của năm 2025. Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - cho hay, năm 2025 nhà băng này có thể tăng trưởng tín dụng lên đến 13%. Với quy mô dư nợ hiện tại của ngân hàng là hơn 1,7 triệu tỷ đồng, năm 2025, ngân hàng có thể tăng quy mô cho vay thêm khoảng 230 nghìn tỷ đồng so với năm 2024.
“Với dự báo xu hướng và tình hình kinh tế hiện tại, Agribank nhận định năm 2025 có nhiều thuận lợi đối với hoạt động cho vay, đặc biệt khi Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng trưởng khoảng 8%, phấn đấu đạt trên 10%” - bà Bình nhấn mạnh; đồng thời khẳng định, Agribank sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn vay và giảm lãi suất cho các khách hàng doanh nghiệp thông qua các chương trình cho vay phù hợp.
Agribank tiếp sức doanh nghiệp với 5 chương trình tín dụng ưu đãi đặc biệt năm 2025. Ảnh: Agribank
Theo lãnh đạo Agribank, năm 2025, ngân hàng dành khoảng hơn 210.000 tỷ đồng vốn ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp, cùng nhiều ưu đãi về lãi suất tiền gửi, phí dịch vụ và tỷ giá mua bán ngoại tệ, áp dụng đến hết ngày 31/12/2025.
Cụ thể, Agribank triển khai gói tín dụng ưu đãi ngắn hạn, quy mô 5.000 tỷ đồng và 100 triệu USD tài trợ nhu cầu vay vốn ngắn hạn phục vụ hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp FDI với lãi suất cho vay VND giảm đến 1,8%/năm, lãi suất cho vay USD giảm đến 1,0%/năm so với thông thường. Đặc biệt, doanh nghiệp duy trì số dư tiền gửi bằng USD sẽ được hưởng mức lãi suất cho vay VND chỉ từ 2,4%/năm.
Tiếp đến, năm 2025, Agribank dành quy mô gần gấp đôi năm 2024 tài trợ hoạt động xuất nhập khẩu, kết nối toàn cầu với 35.000 tỷ đồng vốn ưu đãi ngắn hạn bằng VND. Lãi suất thấp hơn sàn lãi suất cho vay thông thường đến 1,6%/năm cùng nhiều ưu đãi về tiền gửi, phí dịch vụ và tỷ giá mua bán ngoại tệ.
Doanh nghiệp duy trì số dư tiền gửi bằng USD sẽ được hưởng mức lãi suất cho vay VND chỉ từ 2,4%/năm. Chương trình dành cho khách hàng pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Agribank cũng dành 80.000 tỷ đồng vốn ưu đãi ngắn hạn tài trợ hoạt động của các doanh nghiệp lớn, lãi suất thấp hơn sàn lãi suất cho vay thông thường đến 1,5%/năm. Ngoài việc được hưởng lãi suất vay ưu đãi, doanh nghiệp tham gia chương trình còn được sử dụng các tiện ích và sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại, toàn diện từ Agribank…
Tiếp nối cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa, năm 2025, Agribank tài trợ 60.000 tỷ đồng vốn ưu đãi ngắn hạn với lãi suất thấp hơn so với sàn lãi suất cho vay thông thường đến 1,2%/năm. Doanh nghiệp nhỏ và vừa lần đầu tiên giao dịch tại Agribank cũng được hưởng những chính sách ưu đãi hấp dẫn, giúp doanh nghiệp có nguồn vốn ổn định, giá rẻ phục vụ tổ chức sản xuất kinh doanh.
Agribank cũng dành 30.000 tỷ đồng vốn trung, dài hạn tài trợ doanh nghiệp thực hiện dự án, mua lại dự án, bù đắp chi phí đầu tư của dự án đang triển khai, dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,0%/năm, thời gian được hưởng lãi suất ưu đãi đến 24 tháng.
Chương trình tài trợ vốn cho các dự án thuộc lĩnh vực, ngành nghề trọng điểm, ưu tiên phát triển bao gồm: Chế biến chế tạo; sản xuất và phân phối điện, khí đốt (các dự án nguồn điện); vận tải kho bãi; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh, xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp/cụm công nghiệp, xây dựng nhà xưởng, văn phòng, kho bãi cho thuê, cho vay đầu tư trang trại cho thuê; nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động; y tế, giáo dục; dự án ngành nước và dự án thuộc các lĩnh vực xanh,…
Tương tự, ông Võ Hoàng Hải, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank), cho biết, ngay từ đầu năm, ngân hàng đã bắt tay vào các kế hoạch kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Theo đó, NamABank hiện đang đẩy mạnh dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo cho các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng. Bên cạnh đó, mảng tín dụng xanh tiếp tục được ngân hàng chú trọng và duy trì mục tiêu mức độ giải ngân khoảng 8 - 10% tổng tín dụng.
“Chúng tôi cũng dành nguồn lực cho vay hộ kinh doanh cá thể, cho vay mua nhà, mua xe. Đặc biệt, với các doanh nghiệp vận tải chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện cũng sẽ được hưởng chính sách lãi suất ưu đãi. Tôi cho rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng của năm 2025 sẽ tốt hơn so với năm 2024” - ông Hải khẳng định.
Năm 2025, ngành ngân hàng dự kiến sẽ bơm thêm khoảng 2,5 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế, nâng tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống có thể đạt khoảng 18,1 triệu tỷ đồng vào cuối năm nay.
Ngân Thương /Báo Công Thương