Thách thức mới trong thu hút vốn FDI vào Việt Nam

00:58 | 05/09/2022
Trong suốt 35 năm thực hiện đổi mới, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn là một trong những động lực đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dòng vốn FDI toàn cầu nói chung và FDI vào Việt Nam nói riêng đã và đang bị tác động mạnh mẽ bởi đại dịch COVID-19 và các biến động lớn của nền kinh tế thế giới. Việc nghiên cứu, đánh giá về những tác động của bối cảnh mới đối với dòng vốn FDI là cần thiết nhằm giúp đưa ra những hàm ý chính sách cho Việt Nam để thu hút FDI bền vững.

Yếu tố tác động trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Thế giới đã và đang trải qua nhiều biến động lớn có tác động sâu rộng đến mọi mặt trong đời sống kinh tế và xã hội. Đại dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã gây ra những tác động chưa từng có từ trước tới nay. Dưới tác động của đại dịch COVID-19 nền kinh tế thế giới rơi vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Mặc dù, các quốc gia đã tích cực và nhanh chóng thực hiện nhiều biện pháp phòng chống COVID-19 nhưng cho đến nay dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của các biến thể mới. Tác động tiêu cực của dịch bệnh do đó còn tiếp tục kéo dài và chưa thể đánh giá toàn diện.

Bên cạnh đó, mức độ và cách thức mà các nền kinh tế tương tác với nhau còn chịu ảnh hưởng từ một loạt các yếu tố khác như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn nhằm giữ vững và củng cố vị thế toàn cầu, quá trình chuyển đổi số được thúc đẩy trong bối cảnh đại dịch và Cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng xanh hóa nền kinh tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới phát triển bền vững, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và xu hướng bảo hộ mới ở một số quốc gia…

Những biến động trên đã tác động mạnh mẽ, nhiều chiều đến tăng trưởng kinh tế, thương mại và đặc biệt là dòng vốn FDI toàn cầu. Theo báo cáo của UNCTAD (2021), trong năm 2020 dòng vốn đầu tư toàn cầu giảm tới 35%, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2005 và thấp hơn gần 20% so với mức đáy năm 2009 dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Mức giảm này cũng cao hơn nhiều so với mức giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 (ước giảm 3,3%) và tổng kim ngạch thương mại toàn cầu (ước giảm 8,5%) (IMF, 2021).

Thách thức mới trong thu hút vốn FDI vào Việt Nam - Ảnh 1

Bên cạnh đó, làn sóng dịch chuyển đầu tư các dự án FDI xuất hiện để đối phó với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu và quan trọng cho thị trường các nước phát triển.

Nhiều công ty đa quốc gia tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ứng, dịch chuyển dòng vốn đầu tư về chính quốc, dịch chuyển toàn bộ hoặc một phần FDI từ Trung Quốc sang các quốc gia khác nhằm giảm thiểu sự đứt gãy chuỗi cung ứng và phân tán rủi ro. Các nước đang phát triển ở khu vực châu Á ngày càng trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn, là nhóm duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng dương (tăng 4%) về FDI và trở thành khu vực thu hút FDI nhiều nhất thế giới (thu hút 54% tổng số FDI toàn cầu) trong năm 2020.

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng cũng không nằm ngoài xu thế chung của nền kinh tế thế giới, đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng từ bối cảnh chung toàn cầu. Tuy nhiên, với việc kiểm soát tương đối tốt dịch COVID-19, Việt Nam đã và đang tạo niềm tin, là điểm đến an toàn cho các tập đoàn đa quốc gia. Có thể nói đây là cơ hội vàng để Việt Nam đón các doanh nghiệp của Nhật, Mỹ, Hàn Quốc muốn dịch chuyển một phần năng lực sản xuất từ Trung Quốc.

Bối cảnh mới tuy mang đến nhiều thách thức, song cũng hứa hẹn nhiều cơ hội cho Việt Nam. Sau đại dịch COVID-19, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Triển vọng thu hút vốn FDI vào Việt Nam là rất sáng sủa trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư lớn, vừa và nhỏ từ các quốc gia phát triển dần chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản xem Việt Nam là thị trường tiềm năng và điểm đến thuận lợi cho hoạt động đầu tư nhờ tình hình chính trị ổn định, thủ tục hành chính được đơn giản hóa, cơ sở hạ tầng cải thiện, nguồn nhân lực tay nghề cao, dồi dào…

Mới đây, Nhật Bản đã công bố chính sách hỗ trợ những doanh nghiệp nước này dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước ASEAN. Xu hướng đa dạng hóa thị trường đầu tư của nhà đầu tư Nhật cũng giúp dòng vốn FDI này vào Việt Nam. Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản đều đã và đang xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Tập đoàn Hanwha của Hàn Quốc, một trong 500 tập đoàn lớn nhất thế giới, đã khánh thành nhà máy sản xuất phụ tùng máy bay tại Hà Nội. Tập đoàn Yokowo của Nhật Bản chuyên sản xuất thiết bị trên xe có động cơ đã di dời sang tỉnh Hà Nam. Đáng chú ý, Apple cũng đang dần hình thành chuỗi cung ứng các nhà sản xuất chuyên về lĩnh vực âm thanh tại Việt Nam. Đáng chú ý, hai hãng công nghệ lớn Nhật Bản là Sharp và Kyocera vừa tuyên bố đã hủy kế hoạch sản xuất LCD, laptop, máy photocopy, màn hình đa năng... cho thị trường Mỹ tại Trung Quốc và sẽ xây dựng nhà máy tại Việt Nam.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác cũng đã vào thị trường Việt Nam thông qua hình thức mua bán và sáp nhập, mua lại những doanh nghiệp Việt vốn đã có thị phần lớn tại thị trường nội địa. Gần đây, đại diện Tập đoàn Stark (Thái Lan) phát đi thông báo cho biết đã mua thành công 100% cổ phần của Công ty cổ phần Cáp điện Thịnh Phát và Công ty cổ phần Kim loại màu và nhựa đồng Việt Nam. Thương vụ mua bán và sáp nhập này có tổng giá trị lên đến 240 triệu USD.

Những con số trên cho thấy, những nỗ lực của Chính phủ trong công cuộc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế đã phát huy được hiệu quả và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đó còn là việc Việt Nam tận dụng được các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới đã ký kết để thu hút FDI.

Ngoài ra, những điều chỉnh chính sách trong thu hút FDI một cách chọn lọc và tích cực cải thiện môi trường kinh doanh cũng là một yếu tố quan trọng giúp dần cải thiện chất lượng của dòng vốn FDI. Là đối tượng trực tiếp chịu tác động cũng như nhận thức được cả các cơ hội lẫn thách thức từ bối cảnh mới, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã có những điều chỉnh chiến lược để đương đầu, khôi phục trong và sau đại dịch…

Nhờ vậy, kết quả thu hút FDI năm 2021 kết quả rất đáng khích lệ. Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng số vốn FDI đăng ký vào Việt năm 2021 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt 19,74 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm 2020. Tuy nhiên, khi so sánh trong tương quan với các nền kinh tế khác, đây là thành quả quan trọng. Vốn FDI thực hiện chỉ giảm 1,2%, là mức giảm thấp nhất trong khu vực ASEAN và Việt Nam lần đầu tiên lọt vào Top 20 quốc gia thu hút FDI nhiều nhất thế giới (UNCTAD, 2021).

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 18,1 tỷ USD, chiếm 58% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Giải pháp thắng thế trong cuộc đua thu hút vốn FDI trong bối cảnh mới

Mặc dù, được các công ty đa quốc gia đánh giá là một trong các điểm đến an toàn để xây dựng lại chuỗi cung ứng toàn cầu, tránh phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc nhưng Việt Nam hiện nay đang phải cạnh tranh với rất nhiều quốc gia khác cũng tham gia cuộc đua đón dòng vốn từ các công ty đa quốc gia muốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc để xây dựng lại chuỗi cung ứng toàn cầu, tránh phụ thuộc nguồn cung duy nhất gây rủi ro như thời gian vừa qua.

Để nắm bắt cơ hội tiếp nhận dòng vốn FDI dịch chuyến này, đồng thời, để có những bước đột phá trong phát triển, giải quyết những thách thức nội tại và thu hút hiệu quả dòng vốn FDI thế hệ mới trong giai đoạn tới, thời gian tới, Việt Nam cần sớm điều chỉnh định hướng chiến lược về thu hút FDI, đi kèm với đó là có kế hoạch hành động gắn liền với việc cải cách môi trường đầu tư, chính sách và thể chế cụ thể, có như vậy mới khai thác tối đa những tiềm năng mà FDI thế hệ mới mang lại. Cùng với đó, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đổi mới khung chính sách về ưu đãi đầu tư với các chính sách ưu đãi vượt trội, mang tính cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm đầu tư và phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam với các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao, ít tác động tiêu cực tới môi trường... Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những tác động của dịch bệnh COVID-19; Tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistic và các dịch vụ hiện đại khác.

Thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về FDI; Tăng cường và đổi mới công tác kiểm tra, giám sát theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả; Tăng cường hậu kiểm với các dự án FDI sau khi được cấp phép; Tăng cường liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam. Chủ động quảng bá, mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các công ty và thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là từ các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý như: Mỹ, EU, Nhật Bản.

Thứ ba, chủ động theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI và công nghệ vào Việt Nam để có thể lựa chọn và thu hút được những dự án đầu tư phù hợp; Xây dựng “môi trường đầu tư 4.0” phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số; hướng tới dỡ bỏ những ưu tiên ngầm cho các dự án FDI đầu tư mới và hướng đến xuất khẩu vì các dự án liên doanh và 100% FDI trong các chuỗi cung ứng trong nước có xu hướng tác động mạnh hơn lên việc gia tăng giá trị sản xuất trong nước và chuyển giao công nghệ.

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tiếp nhận FDI thế hệ mới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với thành tựu về công nghệ số, robot thông minh, in 3D, dữ liệu lớn và internet vạn vật đã thúc đẩy chuyển đổi mô hình sản xuất, hợp tác kinh doanh, chuỗi giá trị toàn cầu. Ở quy mô doanh nghiệp, công nghệ nền tảng 4.0 đang ảnh hưởng lớn đến phương thức điều hành, tổ chức và huy động nguồn lực của doanh nghiệp, chuyển đổi doanh nghiệp từ số hóa đơn giản sang hình thức đổi mới sáng tạo dựa trên sự kết hợp nhiều loại công nghệ. Điều này càng làm cho nguồn nhân lực có ý nghĩa quan trọng mang tính quyết định đến thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực cả về số lượng và chất lượng…

Tài liệu tham khảo:

Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030;

Chính phủ (2018), Chiến lược và định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2018-2030;

Nguyễn Đức (2021), Định hình FDI thế hệ mới, https://baodautu.vn/dinh-hinh-fdi-the-he-moi-d102170.html.

* TS. Phạm Minh Anh - Khoa Kinh tế, Học viện Ngân hàng

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 5/2022

Nguồn Tạp chí Tài chính

Tin cùng chuyên mục

Tính đến ngày 20/3, Kho bạc Nhà nước huy động được 72.774 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, đạt khoảng 57,3% kế hoạch của quý I/2024.
09:09 | 29/03/2024
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố quyết định xử phạt 2 doanh nghiệp vì sai phạm trong công bố thông tin liên quan đến phát hành trái phiếu.
09:08 | 29/03/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai ngay các biện pháp cần thiết để nâng..
09:58 | 28/03/2024
Số liệu thống kê cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, đến cuối tháng 1/2024, tổng vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng..
09:36 | 28/03/2024
Các ngân hàng Việt đã đầu tư nguồn lực, công nghệ, chính sách phù hợp cho phân khúc FDI nhằm đồng hành lâu dài cùng sự phát triển của các doanh nghiệp..
00:23 | 27/03/2024
Cổ đông các ngân hàng: Techcombank, MB, ACB, VIB, VPBank… dự kiến sẽ nhận ''cơn mưa'' cổ tức bằng tiền mặt lên đến 20% lợi nhuân ngân hàng.
10:11 | 26/03/2024
Năm 2022, sau những cú sập khiến nhiều ''chứng sĩ'' bay mất phần lớn tài khoản, từ đầu quý III/2023 đã có ý kiến lạc quan về một giai đoạn uptrend.
09:27 | 26/03/2024
Hàng loạt chỉ tiêu quan trọng về kinh tế - xã hội năm 2024 đã được Quốc hội thống nhất khi bấm nút thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế..
10:15 | 25/03/2024
Theo dự thảo Thông tư mới, Ngân hàng Nhà nước sẽ bãi bỏ quy định cấm tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong vòng 1 năm sau khi bá..
10:09 | 25/03/2024
Việc mở mới, cho thuê, mượn tài khoản chứng khoán... nếu không quản lý chặt chẽ có thể dẫn đến tình trạng các đối tượng sử dụng để thao túng giá cổ ph..
09:25 | 25/03/2024

 

Giấy phép hoạt động Số 03 /GP - TTĐT
Sở TTTT Hải Phòng cấp ngày 06/ 5/2021
Trụ sở: 47 /384 Lạch Tray, P. Đằng Giang
Quận Ngô Quyền - Thành phố Hải Phòng
marketnews.vn@gmail.com *0905414241

BAN BIÊN TẬP - HÀNH CHÍNH & TRỊ SỰ
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Việt Thắng

VPĐD BẢN TIN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
N.Khách La Thành - Văn phòng Chính phủ
226 Phố Vạn Phúc, Q. Ba Đình, TP Hà Nội
VPHN: Trưởng Ban Thời sự Giang Thị Hoa
Tel: 024 39 195 195 * Fax: 024 39 196 196

icon facebook  icon-zalo  icon youtube  www.tiktok.com/@thitruongvietnam.vn   Chung nhan Tin Nhiem Mang

VĂN PHÒNG: KHU VỰC ĐÔNG NAM BỘ
VP Đồng Nai: 137/N4 KDCTM Phước Thái
Trưởng VP Đồng Nai Nguyễn Duy Khương

* * * * *
® Bản tin Thị trường Việt Nam
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức

Đường dây nóng Toàn quốc 0905082014
Tra cứu Thành viên | Trang chủ Bản tin

Vận hành bởi Công ty TNHH Bản tin Thị trường Việt Nam
icon up