Khi đã rõ Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất dù mức độ không nhiều, Việt Nam có thể chắc chắn về việc có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ. Đồng thời, thặng dư thương mại nhờ xuất khẩu tăng trưởng tốt cũng tạo thêm không gian cho việc nới lỏng.
Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 (Vietnam Investment Forum 2024) diễn ra vào tháng 11 năm ngoái, các chuyên gia đã đưa ra những dự báo chuẩn xác về kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ. Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright từng dự báo năm 2024 có rất nhiều bất trắc, song kinh tế có thể tăng trưởng tốt 6,7% nếu chính sách tiền tệ không đảo chiều.
Thực tế, kết thúc 9 tháng đầu năm với 2/3 chặng đường năm 2024 đã đi qua, tăng trưởng GDP trung bình đạt 6,82%, chính sách tiền tệ vẫn được giữ ổn định kể từ đầu năm dù rất nhiều bất ổn xảy ra.
Trong bối cảnh khi nền kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều và tiềm ẩn nhiều bất ổn, Việt Nam đã thành công trong việc vận dụng linh hoạt chính sách tiền tệ để đạt được mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát tốt lạm phát.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Chuyên gia tài chính độc lập, Sáng lập viên Think Future Consultancy
Nhìn lại chính sách tiền tệ từ đầu năm đến nay, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Chuyên gia tài chính độc lập, Sáng lập viên Think Future Consultancy cho rằng, trong tổng thể việc điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam, từ trước đến nay chúng ta vẫn luôn phải cân đối: Một mặt vừa ổn định vĩ mô và một mặt lại vừa hỗ trợ tăng trưởng.
Đến năm nay, việc cân đối cả hai yếu tố này lại đặt ra một bài toán rất khó. Nếu như trước đây, tình hình vĩ mô ổn định và việc điều hành chính sách chỉ tập trung vào tăng trưởng thì đến năm nay lại có rất nhiều vấn đề mới phát sinh.
2024 - Bài toán khó của chính sách tiền tệ
Đầu tiên là áp lực về tỷ giá. Thực tế trong quý I/2024, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam âm 1,3 tỷ USD trong khi năm 2023 dương cả 4 quý. Sang quý II/2024, cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục thâm hụt hơn 6 tỷ USD, riêng dòng tiền rời khỏi Việt Nam đã 4 tỷ USD với những lý do rất là phức tạp.
"Điều này, cho thấy chúng ta đang ở trong giai đoạn thiếu USD. Mặc dù là nhìn về tổng thể về cán cân thương mại quý II vẫn thặng dư, mặc dù tháng 5 thâm hụt nhẹ 0,4 tỷ USD nhưng tháng 4, tháng 6 thặng dư nhiều nên cả quý II cán cân thương mại thặng dư khoảng 4 tỷ USD", ông Linh nói.
Mặc dù thặng dư thương mại lớn nhưng cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam vẫn âm 6 tỷ USD nên nếu chỉ nhìn cán cân thương mại sẽ không thể thấy hết được áp lực tỷ giá.
Vì vậy, trong quý II, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ rất khéo léo, một mặt vẫn có áp lực phải tạo ra tăng trưởng nhưng một mặt vẫn phải ổn định, kiểm soát lạm phát và "ghìm cương" tỷ giá khi có rất nhiều bất ổn vĩ mô phát sinh từ chênh lệch lãi suất với Mỹ.
Cuối năm 2023 và năm 2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng Trung ương lớn đã tăng lãi suất lên tới 4 – 4,5% sau đó giữ ở mức cao trong một thời gian dài thì Việt Nam lại cố gắng ghìm lãi suất xuống. Sau một thời gian, áp lực đối với tỷ giá chắc chắn sẽ xảy ra.
Bù lại, một yếu tố vừa tích cực vừa tiêu cực đã làm giảm áp lực đối với cả lạm phát và tỷ giá. Chỉ số tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam lại đang rất thấp, nếu trừ đi lạm phát chỉ khoảng 5% trong khi trước COVID-19 tốc độ tăng trưởng này là 10% - 11%.
Điều này cũng có nghĩa là nhu cầu tiêu dùng của người dân thật sự vẫn rất yếu dù du lịch tăng trưởng rất rõ ràng. Cầu tiêu dùng yếu cho thấy mặt tiêu cực của nền kinh tế khi thu nhập của người dân, tình hình sản xuất, đơn hàng đều yếu đi nhưng mặt tích cực là nhập khẩu hàng hoá xa xỉ phẩm cũng giảm đáng kể.
Chính vì tiêu dùng yếu như vậy đã tạo ra một cái bức tranh kinh tế vĩ mô quý III đỡ tiêu cực hơn từ việc nhập khẩu ít hàng hoá đi và tạo ra thặng dư thương mại nhiều hơn trong quý III.
Trong quý III, cán cân thương mại thặng dư khoảng 8 tỷ USD gấp đôi so với quý II. Bên cạnh đó, xuất khẩu quý III cũng tăng trưởng rất tốt, chỉ riêng thị trường Mỹ đã tăng trưởng khoảng 22%, xuất khẩu tốt kéo cả tăng trưởng GDP đi lên, ông Linh chỉ ra.
Chính những yếu tố này đã giúp tỷ giá bắt đầu có xu hướng hạ nhiệt sau khi rất căng thẳng trong quý II. Điều này cho thấy một điều, chúng ta đã phải gồng mình để "giữ" chính sách tiền tệ.
"Nhờ có một chút may mắn từ yếu tố bên ngoài cũng như bên trong, chúng ta đã gồng được qua giai đoạn khó khăn", ông Linh cho hay.
Đến tháng 9, Mỹ đã giảm lãi suất và dự kiến tháng 11 tiếp tục giảm vì vậy áp lực đối với chính sách tiền tệ Việt Nam sẽ giảm đi đáng kể. Mặt bằng lãi suất hiện ở mức khá thấp tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế.
Bắt đầu có dư địa để nới lỏng
Trong những tháng cuối năm nay và đầu năm sau, theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành đang có nhiều yếu tố thuận lợi để nới lỏng thêm. "Khi đã rõ Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất dù mức độ không nhiều, Việt Nam có thể chắc chắn về việc có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ", ông nói.
Theo dự báo Fed sẽ cắt giảm 25 điểm bps trong hai kỳ họp vào tháng 11 và tháng 12. Như vậy, cả năm nay Fed sẽ giảm khoảng 1 điểm %. Sang năm, mức giảm lãi suất của Fed được dự báo từ 1 – 1,25 điểm %. Sau khi Fed giảm lãi suất, các ngân hàng Trung ương châu Á cũng giảm theo giúp áp lực tỷ giá không còn và tạo dư địa cho Việt Nam hạ lãi suất.
Nhưng trước mắt, ông Thành dự báo Việt Nam khó có thể giảm mạnh lãi suất trong quý IV bởi bối cảnh tín dụng đang tăng mạnh mà tăng cung tiền hiện nay đang thấp hơn.
"NHNN đang đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 15% trong năm nay nhưng hiện cung tiền chỉ tăng 12%. Như vậy, nếu như không đẩy mạnh được cung tiền, lãi suất lại có xu hướng nhích lên chứ không phải giảm đi", ông nói.
Hiện đã không còn áp lực tỷ giá, trong năm nay, mức mất giá đồng tiền chỉ khoảng trên dưới 2%, rất tích cực trong điều hành chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, lạm phát cũng không đáng lo ngại. Vì vậy, mặc dù quý IV lãi suất có thể sẽ đi ngang nhưng bối cảnh hiện nay rất tích cực để hạ lãi suất trong năm sau, chuyên gia này đánh giá.
Về tăng trưởng kinh tế quý cuối năm 2024 và năm 2025, ông Hùng Linh đưa ra dự báo khá tích cực. Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ đang có sự phục hồi khá rõ rệt, nhờ vậy sẽ kéo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu.
Sang năm 2025, xu hướng hồi phục tiêu dùng ở Mỹ rất rõ bởi họ mới giảm lãi suất và nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong các tháng tới. Điều này giúp cho tiêu dùng ổn định và kéo nhu cầu của hàng hoá Việt Nam đi lên. Nhờ đó, cán cân thương mại được dự báo vẫn tiếp tục thặng dư.
Chuyên gia cũng dự báo tác động từ sự hỗ trợ của chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ giúp tiêu dùng trong nước cũng sẽ tích cực hơn. Sang năm 2025, cả cầu quốc tế và cầu nội địa đều hồi phục giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt hơn.
Hạ An /Doanh Nhân Việt Nam