Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, lực bán tiếp tục chiếm ưu thế trong ngày giao dịch hôm qua (4-9). Đáng chú ý, giá cà phê Robusta tăng thêm 200 USD/tấn.
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp ngày 4-9. Nguồn: MXV
Đóng cửa, chỉ số MXV-Index rơi tiếp 0,45% xuống còn 2.090 điểm. Khép lại phiên giao dịch ngày 4-9, trong khi toàn bộ các mặt hàng còn lại trong nhóm nguyên liệu công nghiệp đồng loạt giảm giá thì hai mặt hàng cà phê lại diễn biến ngược lại.
Giá cà phê Robusta tăng vọt 4,3% (200 USD/tấn), tiến sát mốc quan trọng 5.000 USD/tấn, trong khi giá cà phê Arabica nhích nhẹ 0,4% so với tham chiếu.
Tình hình thời tiết tại Brazil tiếp tục thu hút sự chú ý của thị trường khi các vùng trồng cà phê chính của nước này đang phải đối mặt với thời tiết khô hạn nặng nề nhất kể từ năm 1981.
Giá cà phê Robusta tăng tốt hơn trong phiên hôm qua do lo ngại về triển vọng nguồn cung tại Việt Nam, quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới.
Tình trạng khô nóng đỉnh điểm cũng diễn ra tại vựa cà phê Tây Nguyên Việt Nam trong hơn 2 tháng đầu năm, sản lượng dự kiến giảm 15-20% so với vụ trước. Nguồn cung trong nước hiện đã cạn kiệt càng khiến lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn, tạo đà hỗ trợ giá tăng.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận sáng nay (5-9), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ dao động trong khoảng 118.200 - 119.300 đồng/kg, tăng 800 đồng/kg so với hôm qua.
Bảng giá năng lượng ngày 4-9. Nguồn: MXV
Theo ghi nhận của MXV, đóng cửa giao dịch hôm qua, cả hai mặt hàng dầu thô WTI và dầu thô Brent ghi nhận đà suy yếu phiên thứ ba liên tiếp, giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay, dưới áp lực đến từ yếu tố vĩ mô bên cạnh bài toán nhu cầu.
Kết phiên, giá dầu thô Brent giảm 1,42%, xuống 72,7 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giảm 1,62%, xuống 69,2 USD.
Trước hết, thị trường tỏ ra thận trọng đối với chính sách sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC+ khi kế hoạch bơm dần nguồn cung trở lại của nhóm trong tháng 10 vẫn là dấu hỏi. Khả năng cho kịch bản trên đang giảm dần khi các vấn đề tại Libya dần được gỡ bỏ và nguồn cung của nhóm dự kiến sẽ ổn định trở lại.
Các cơ quan lập pháp của Libya đã đồng ý bổ nhiệm một thống đốc ngân hàng trung ương mới trong vòng 30 ngày sau các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc bảo trợ. Điều này có thể khiến hoạt động sản xuất khoảng 700.000 thùng/ngày của quốc gia thành viên OPEC+ được khôi phục, gia tăng đáng kể nguồn cung trên thị trường.
Lam Giang /Hànộimới