Giá gạo xuất khẩu giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hai năm qua làm tăng thêm thách thức cho ngành lúa gạo Việt Nam trong việc duy trì vị thế trên thị trường quốc tế.
Đây cũng là vấn đề cần được nhìn nhận tổng thể trong bức tranh nông sản xuất khẩu của Việt Nam, để tìm giải pháp hiện thực hóa mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2025 đạt 64-65 tỷ USD.
Trở lại mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là gạo, hiện trên thị trường quốc tế, giá gạo Việt Nam đang chịu áp lực lớn từ các đối thủ trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 12-2, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Việt Nam giảm 25USD/tấn so với cuối năm 2024, xuống còn 397 USD/tấn, thấp hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan.
Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo cho biết, đây là mức giảm chưa từng có vì trước đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn dao động trong khoảng 420-535 USD/tấn. So với mức đỉnh 663 USD/tấn hồi cuối tháng 11-2023, giá gạo đã giảm hơn 260 USD, tương đương khoảng 40%. Ngoài gạo 5% tấm, loại gạo 25% tấm và 100% tấm cũng đều ghi nhận mức giảm kỷ lục. Vì giá gạo xuất khẩu giảm nên trong tháng 1-2025, Việt Nam xuất khẩu khoảng 500.000 tấn gạo, thu về 308 triệu USD, tăng 1% về lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân của tình trạng trên bước đầu được nhận định là nguồn cung tăng do Ấn Độ quay lại thị trường, cùng với tồn kho lúa gạo thế giới lớn. Trong khi đó, Việt Nam sắp bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân - vụ có sản lượng lớn nhất năm. Thời tiết thuận lợi nên sản lượng dự báo dồi dào, khiến nhiều nhà nhập khẩu chờ mua với giá thấp hơn.
Thực tế trong những năm qua, nông dân cũng như các doanh nghiệp kinh doanh nông sản Việt Nam đã làm khá tốt việc nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu gạo nói riêng và các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực nói chung, như cà phê, sầu riêng, cá tra, rau quả, gỗ... Nhờ đó, vị thế ở các thị trường truyền thống được khẳng định, đồng thời mở rộng ra các thị trường mới.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khi mặt hàng gạo cũng như một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực khác đang phải đối mặt với nhiều thách thức, ngoài tiếp tục xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp xúc tiến xuất khẩu nông sản, trong đó có mặt hàng gạo, để tiếp tục tăng đơn hàng, mở rộng thị trường một cách bền vững.
Cùng với đó, doanh nghiệp và người dân sản xuất lúa gạo cũng như các nông sản xuất khẩu chủ lực cần được trợ lực từ nhiều bên. Chẳng hạn, ngân hàng hỗ trợ vay vốn để tăng cường mua gạo tích trữ, nhân lúc giá đang xuống thấp, giúp bình ổn thị trường trong nước; hoặc ngành Tài chính nhanh chóng hoàn tất thủ tục hoàn thuế VAT để doanh nghiệp có điều kiện quay vòng vốn.
Các cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp cần tiếp tục nắm bắt thông tin, xu thế, nhu cầu của các thị trường tiềm năng để tìm giải pháp thúc đẩy thương mại và tổ chức sản xuất nông sản trong nước, sao cho phù hợp. Như với mặt hàng lúa gạo, các doanh nghiệp cần phải đa dạng danh mục sản phẩm, đặc biệt hướng đến dòng sản phẩm gạo chất lượng cao, giảm phát thải.
Đáng lưu ý, việc các thị trường quốc tế thay đổi chính sách thương mại là điều không thể tránh khỏi và đang đặt ra thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh đó, các cơ quan chức năng cần phát huy hơn nữa vai trò trung tâm trong việc định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh nông sản và bảo đảm lợi ích kinh tế quốc gia.
Bắc Vũ /Hànộimới