Bế mạc Phiên họp thứ Mười của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

08:44 | 27/04/2022
Chiều 26.4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ Mười. Trong 6,5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến 16 nội dung, trong đó có 14 nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV; ban hành 2 nghị quyết thuộc thẩm quyền và xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 3.2022 của Quốc hội.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác lập pháp

Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, với tinh thần nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình Phiên họp thứ Mười. Cụ thể, về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 8 nội dung, trong đó có 5 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; báo cáo của Chính phủ tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21.6.2017 của Quốc hội Khóa XIV về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc. Ảnh: Lâm Hiển

Về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với đánh giá về tình hình lập, triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian qua; các nguyên tắc lập dự kiến chương trình như trong báo cáo của Chính phủ; đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 29/NQ - UBTVQH15 để bổ sung 2 nội dung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Ba sắp tới.

Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan nghiêm túc thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ dành nhiều thời gian hơn nữa cho công tác hoàn thiện thể chế, cho ý kiến kỹ lưỡng, thấu đáo đối với những vấn đề quan trọng hoặc những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tăng cường trách nhiệm phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc chuẩn bị các dự án luật, dự thảo luật, nghị quyết; thể hiện rõ chính kiến trong quá trình thẩm tra, kiên quyết không đề xuất những dự án, dự thảo luật, nghị quyết không bảo đảm chất lượng, thủ tục, hồ sơ, tài liệu theo quy định; nội dung được đề xuất đưa vào chương trình cần được nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá tác động sâu sắc, toàn diện đúng quy trình của luật định; khắc phục tình trạng quyết định đưa vào chương trình rồi lại rút ra nhiều lần.

Ảnh: Lâm Hiển

Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc xem xét thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng, lợi thế về kinh tế và tầm nhìn đến năm 2045 là thành phố thông minh, đáng sống, bản sắc, bền vững ngang tầm khu vực châu Á, là hình mẫu của sự gắn kết giữa quá trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh được Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đề ra. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với việc bổ sung dự thảo Nghị quyết này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Ba theo quy trình tại một kỳ họp. Đồng thời đề nghị Chính phủ khẩn trương tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, dự thảo Nghị quyết, đánh giá toàn diện các chính sách được đề xuất tác động đến kinh tế - xã hội, ngân sách, môi trường, quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm tính hợp lý, khả thi trong các chính sách ưu đãi, đánh giá tác động lan toả vùng cũng như giá trị nhân rộng mô hình sau thời gian thí điểm kết thúc; đồng thời tăng cường phân cấp gắn với đề cao trách nhiệm phù hợp với năng lực quản lý của địa phương, kiểm soát gian lận thương mại, bảo đảm sự minh bạch trong xây dựng thực thi, tránh lợi dụng chính sách. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra kỹ lưỡng để báo cáo với Quốc hội.

Đối với 5 dự án Luật gồm: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực phối hợp, theo dõi, đôn đốc, bám sát chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; nội dung thẩm tra có chính kiến, lý lẽ rõ ràng đối với quan điểm trong từng chính sách. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tập trung thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về từng dự án Luật đã được Tổng Thư ký Quốc hội kịp thời ban hành; cơ quan thẩm tra phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội hoàn thiện báo cáo thẩm tra chính thức; Tổng Thư ký Quốc hội kịp thời đôn đốc các cơ quan hoàn thiện hồ sơ, tài liệu bảo đảm chất lượng, tiến độ để gửi tài liệu tới đại biểu Quốc hội đúng quy định pháp luật.

Về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21.6.2017 của Quốc hội Khóa XIV về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo tổng kết của Chính phủ và nhất trí cho phép kéo dài thời gian thực hiện toàn bộ Nghị quyết đến hết ngày 31.12.2023; đồng thời yêu cầu Chính phủ sớm xây dựng trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó có các quy định về xử lý nợ xấu trong năm 2023.

Tăng cường vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong chỉ đạo, điều hòa hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội

Về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội lựa chọn hai trong bốn chuyên đề để thực hiện giám sát tối cao trong năm 2023 gồm: việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở và y tế dự phòng; việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, giảm nghèo bền vững giải đoạn 2021 – 2025 và chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông; việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát hai chuyên đề còn lại, đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất cần tăng cường vai trò chỉ đạo, điều hòa hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Đối với những dự kiến chuyên đề giám sát còn lại đều mang tính thời sự, được dư luận quan tâm, do đó, đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ đưa vào kế hoạch giám sát của cơ quan mình hoặc tiến hành tổ chức phiên giải trình trong năm 2023. Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp ý kiến đề xuất của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Đoàn giám sát của Quốc hội trong việc bảo đảm tiến độ, nội dung giám sát; cơ bản thống nhất với nhiều nội dung nhận định trong báo cáo kết quả giám sát; đồng thời ghi nhận những kết quả tích cực trong ban hành chính sách, pháp luật cũng như tổ chức thực hiện công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Ảnh: Lâm Hiển

Qua kết quả giám sát cho thấy công tác lập quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 đã được đẩy nhanh hơn, bước đầu đi vào nề nếp. Tuy nhiên, những vướng mắc về quy định pháp luật và hạn chế, bất cập trong thực thi đã ảnh hưởng rất lớn tới công tác lập quy hoạch 2021 – 2030 chưa đạt yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu của Nghị quyết 11 ngày 5.2.2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch. Để tháo gỡ khó khăn cho công tác quy hoạch, tập trung vào những vấn đề thực sự cấp bách, có ý nghĩa tác động ngay tới công tác quy hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ ưu tiên tối đa nguồn lực đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt quy hoạch, đặc biệt coi trọng chất lượng quy hoạch; tập trung chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực để hoàn thành sớm các quy hoạch quan trọng, các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành chủ chốt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Đoàn giám sát nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, hoàn thiện báo cáo giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát để trình Quốc hội giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ Ba, trong đó báo cáo cần nêu bật những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, đặc biệt là làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc trong công tác quy hoạch hiện nay.

Về báo cáo của Chính phủ quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, báo cáo tài chính nhà nước năm 2020, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của cơ quan xây dựng báo cáo, cơ quan thẩm tra báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, báo cáo tài chính nhà nước năm 2020. Các báo cáo đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, làm rõ những nội dung trọng tâm, trọng điểm trong “bức tranh” quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và báo cáo tài chính nhà nước năm 2020. Bên cạnh đó, một số nội dung cần nhấn mạnh, một số nội dung cần được làm rõ, thống nhất số liệu giữa các cơ quan đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, cơ quan thẩm tra, Kiểm toán Nhà nước tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện các báo cáo và dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ Ba.

Về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, mặc dù năm 2021 còn nhiều khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng với sự quyết tâm cao, chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ý thức tiết kiệm, chống lãng phí từng bước được nâng lên, đảm bảo sử dụng các nguồn lực của Nhà nước, Nhân dân ngày càng tiết kiệm, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, vẫn diễn ra tình trạng lãng phí, vi phạm sai sót diễn ra ở các mức độ khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý tài chính – ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, quản lý đất đai, tài sản công, tài nguyên – khoáng sản… Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện báo cáo, trong đó đánh giá cụ thể hơn những kết quả nổi bật đã đạt được cũng như những bất cập, hạn chế; rà soát, nêu bật những việc làm được, chưa làm được theo các mục tiêu của Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã ban hành trong năm 2021; bổ sung các bộ, ngành, địa phương, các gương điển hình thực hiện thực hiện tốt và các bộ, ngành, địa phương thực hiện chưa tốt gắn với trách nhiệm cụ thể, rõ ràng…

Tại Phiên họp thứ Mười, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3.2022; thông qua Nghị quyết về thành viên Ủy ban Kiểm sát Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV. 

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Phiên họp thứ Mười của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành công tốt đẹp; cơ bản đã hoàn thành toàn bộ các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba, dự kiến khai mạc ngày 23.5.2022 và dự kiến bế mạc ngày 17.6.2022.

+ Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 (trong đó có báo cáo kết quả xử lý nợ hằng năm theo Nghị quyết số 94/2019/QH14) và báo cáo tài chính nhà nước năm 2020.

Thanh Chi

Nguồn Báo Đại biểu Nhân dân

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước mắt xây dựng Việt Nam thành tháp nhân lực toàn cầu về ngành công nghiệp..
00:06 | 25/04/2024
Ngày 24-4, Báo Lạng Sơn đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Báo Lạng Sơn xuất bản số đầu tiên (1/5/1964 – 1/5/2024) và khai trương giao diện mới Báo Lạng Sơn..
16:46 | 24/04/2024
Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc gặp với Bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao ..
09:00 | 24/04/2024
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, kinh tế báo chí rất khó khăn trong điều kiện quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển như hiện nay..
22:43 | 23/04/2024
Thương mại song phương Việt Nam - Lào trong quý I năm 2024 đạt 476,8 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2023. Việt Nam hiện có 245 dự án đầu tư tại Là..
10:13 | 23/04/2024
Sáng 22/4, Hội Nhà báo Việt Nam cùng với Bộ Công Thương tổ chức Lễ phát động Giải Báo chí toàn quốc tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu ..
17:54 | 22/04/2024
(ĐCSVN)- Chương trình có chủ đề ''Vinh quang trí tuệ Bàn tay vàng-Tự hào thương hiệu Việt Nam'' nhằm tiếp tục sứ mệnh đồng hành cùng các thương hiệu, ..
11:58 | 22/04/2024
Tại hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Lạng Sơn cần chú trọng, tập trung thực hiệ..
07:22 | 22/04/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ''không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện''; cùng với đó, có các giải pháp từng khâu trong việc bả..
09:05 | 21/04/2024
Tại buổi làm việc với lãnh đạo 15 tỉnh, thành phố và 2 Tập đoàn PVN, EVN về dự án điện khí, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên yêu c..
14:13 | 20/04/2024

 

Giấy phép hoạt động Số 03 /GP - TTĐT
Sở TTTT Hải Phòng cấp ngày 06 /5 /2021
Trụ sở: 47 /384 Lạch Tray, P. Đằng Giang
Quận Ngô Quyền - Thành phố Hải Phòng
marketnews.vn@gmail.com /0905414241

BAN BIÊN TẬP - HÀNH CHÍNH & TRỊ SỰ
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Việt Thắng

VPĐD BẢN TIN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
N.Khách La Thành - Văn phòng Chính phủ
226 Phố Vạn Phúc, Q. Ba Đình, TP Hà Nội
VPHN Trưởng Ban Thời sự Giang Thị Hoa
Tel: 024 39 195 195 * Fax: 024 39 196 196

icon facebook  icon-zalo  icon youtube  www.tiktok.com/@thitruongvietnam.vn   Chung nhan Tin Nhiem Mang

VĂN PHÒNG - KHU VỰC ĐÔNG NAM BỘ
Trưởng VP Đồng Nai Nguyễn Duy Khương

VP HCM: 138 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3
Trưởng VP TP. HCM Nhà báo Đinh Gia Cư
Tel: (028) 39181920 * Fax: (028) 39181920
Tra cứu  | 
Đường Dây nóng: 09 05 08 2014
 

Vận hành bởi Công ty TNHH Bản tin Thị trường Việt Nam
icon up