Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ từ ngày 15 - 22/1. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đã trả lời báo chí về kết quả nổi bật của chuyến thăm này.
Báo Nhà báo và Công luận xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn:
Xin Thứ trưởng cho biết kết quả nổi bật của chuyến thăm chính thức Ba Lan, Séc và hoạt động song phương tại Thụy Sĩ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính?
Chuyến thăm chính thức Ba Lan, Séc và hoạt động song phương tại Thụy Sĩ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thành công rất tốt đẹp. Chuyến thăm là bước triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các đối tác truyền thống tại khu vực Tây Âu và Trung Đông Âu.
Đây là hoạt động trao đổi đoàn đầu tiên của Người đứng đầu Chính phủ trong 18 năm qua với Ba Lan và 6 năm qua với Séc, những nước bạn bè truyền thống đã dành cho nhân dân Việt Nam sự giúp đỡ vô tư, trong sáng, chí tình chí nghĩa trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc phát triển đất nước ngày nay. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Ba Lan, Séc sẽ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào đầu tháng 2/2025, Việt Nam - Thụy Sĩ hướng tới kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2026; Ba Lan vừa đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu từ 1/1/2025.
Trưa 23/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Czech, tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và làm việc song phương tại Thụy Sĩ từ ngày 15-23/1
Cả ba nước đã dành cho Thủ tướng Chính phủ, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp nồng hậu, ấm áp, chân tình của những người bạn thân thiết. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có hơn 30 cuộc hội đàm, hội kiến, phát biểu chính sách, dự diễn đàn doanh nghiệp, dự chương trình “Xuân Quê hương”, thăm một số cơ sở văn hóa, khoa học - kỹ thuật ở các nước.
Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đạt những kết quả nổi bật, đưa quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ sang giai đoạn phát triển mới, cụ thể:
Một là, nâng tầm quan hệ, tăng cường tin cậy chính trị. Việt Nam đã cùng Ba Lan ra tuyên bố chung hướng tới nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược; cùng Séc ra tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược và đã ra tuyên bố về nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện với Thụy Sĩ. Đây là những bước đột phá, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam với 3 nước.
Các nước đều nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, các kênh, đặc biệt là cấp cao và giao lưu nhân dân nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, làm nền tảng để mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác. Lãnh đạo Ba Lan và Séc, Thụy Sĩ đánh giá cao vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam. Séc và Ba Lan coi Việt Nam là đối tác quan trọng nhất ở châu Á và dành những tình cảm ngưỡng mộ đối với đất nước và nhân dân Việt Nam.
Hai là, tạo động lực mới cho hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh, văn hóa, du lịch, lao động... phù hợp với khuôn khổ đối tác mới, mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mà các bên có tiềm năng và nhu cầu hợp như tác như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ thông tin và truyền thông, an ninh mạng, dược phẩm, công nghiệp ô tô, thiết bị bay không người lái (UAV), kết nối hàng không và đường sắt...
Một trong những điểm nhấn của chuyến thăm là việc các bên nhất trí phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại lên mức cao hơn. Việt Nam, Ba Lan và Séc nhất trí mở cửa hơn nữa thị trường đối với các mặt hàng nông thủy sản và thực phẩm của nhau trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); nhất trí sớm thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA), đẩy nhanh đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA).
Việt Nam và 3 nước đã ký 8 thỏa thuận hợp tác về ngoại giao, lao động, hàng không, giáo dục, thể thao, văn hóa. Bên cạnh đó, nhằm tạo cú hích cho hợp tác du lịch và giao lưu nhân dân, Việt Nam đã quyết định miễn thị thực cho công dân Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ. Quyết định này được lãnh đạo và dư luận các nước bạn đánh giá cao.
Ba là, chia sẻ quan điểm và thống nhất đẩy mạnh phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Thủ tướng Chính phủ và các nhà lãnh đạo 3 nước đã trao đổi sâu rộng về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế; nhất trí tăng cường phối hợp lập trường, ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức, diễn đàn đa phương nhằm đóng góp cho hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển bền vững tại khu vực và trên thế giới; nhất trí cần phải giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Bốn là, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ dành cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Thủ tướng và Đoàn hết sức tự hào về sự lớn mạnh, đoàn kết, một lòng hướng về quê hương, đất nước của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và cộng đồng ở các nước đến thăm nói riêng. Tại tất cả các cuộc hội đàm, hội kiến, Thủ tướng đã đề nghị lãnh đạo cấp cao 3 nước tạo thuận lợi hơn nữa để cộng đồng người Việt hội nhập tốt hơn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa và tiếng Việt.
Thủ tướng đề nghị Ba Lan xem xét công nhận cộng đồng người Việt Nam là dân tộc thiểu số. Tham dự các hoạt động “Xuân Quê hương”, Thủ tướng đề nghị bà con tiếp tục phát huy truyền thống, hỗ trợ nhau cùng phát triển, trở thành cầu nối giữa Việt Nam và sở tại. Lãnh đạo các nước đánh giá cao đóng góp của cộng đồng người Việt cho phát triển kinh tế - xã hội của sở tại, khẳng định sẽ tiếp tục dành sự quan tâm, hỗ trợ cho cộng đồng người Việt ở sở tại.
Có thể nói chuyến thăm chính thức Ba Lan, Séc và hoạt động song phương tại Thụy Sĩ của Thủ tướng Chính phủ đã thành công về mọi mặt, giúp nâng tầm quan hệ, nâng cao vị thế đất nước, tạo động lực mới đưa quan hệ hợp tác chiến lược và toàn diện với 3 nước đến thăm nói riêng, khu vực Tây Âu và Trung Đông Âu nói chung đi vào chiều sâu.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng. Ảnh: Baoquocte
Xin Thứ trưởng cho biết kết quả chuyến công tác Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos với chủ đề “Hợp tác trong kỷ nguyên thông minh” và những thông điệp mà Việt Nam đã truyền tải tại Hội nghị này?
Trong hơn 30 giờ tại Davos, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có một lịch trình dày đặc với nhiều hoạt động đa phương và song phương. Chuyến công tác thành công trên nhiều phương diện, đạt các mục tiêu đề ra ở mức cao. Cụ thể:
Thứ nhất, khai thác lợi thế của Hội nghị là tâm điểm hội tụ các tập đoàn uy tín, ảnh hưởng toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo nhiều bộ, ngành và địa phương đã phát biểu và đối thoại với nhiều tập đoàn hàng đầu tại 5 cuộc tọa đàm trên nhiều lĩnh vực then chốt, gắn với sự quan tâm, định hướng phát triển của Việt Nam từ công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI) đến dược phẩm, hạ tầng thông minh, năng lượng xanh và trung tâm tài chính.
Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao kết quả điều hành kinh tế - xã hội của Việt Nam, khẳng định sẵn sàng ủng hộ, mở rộng hợp tác, đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam, mong muốn đồng hành cùng Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển chiến lược, trước mắt là thực hiện Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Các doanh nghiệp quan tâm đặc biệt và cam kết đồng hành cùng Việt Nam phát triển trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Thứ hai, các phát biểu và trao đổi của Thủ tướng Chính phủ đã để lại ấn tượng sâu sắc về khát vọng, tầm nhìn và quyết tâm phát triển của Việt Nam, với “ba sẵn sàng” đón nhận kỷ nguyên thông minh. Đó là sẵn sàng về thể chế, thông qua việc tạo dựng hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp khoa học công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; sẵn sàng về nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đón đầu đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; sẵn sàng về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng then chốt phục vụ chuyển đổi số như giao thông, truyền tải năng lượng và nước sạch, thông tin và truyền thông, cơ sở dữ liệu quốc gia.
Thứ ba, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục khẳng định vị thế, tầm vóc quốc tế của Việt Nam. Tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ tham dự và phát biểu tại 04 phiên thảo luận tại Hội nghị, trong đó có 3 phiên được WEF thiết kế riêng cho Việt Nam. Phiên đối thoại đặc biệt với WEF với chủ đề “Bứt phá tới tương lai: Tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo và vai trò toàn cầu” dành riêng cho Thủ tướng để chia sẻ câu chuyện về khát vọng, tầm nhìn, bài học và định hướng phát triển chiến lược của Việt Nam cũng như những gợi mở thúc đẩy hợp tác quốc tế trong kỷ nguyên thông minh.
Đây là một trong những hoạt động dành riêng cho rất ít nhà lãnh đạo được WEF đánh giá là đã tạo được cảm hứng và có tầm ảnh hưởng trong tổng số hơn 50 Tổng thống/Thủ tướng tham dự Hội nghị. Phiên Đối thoại chiến lược quốc gia và Phiên Tọa đàm đa phương giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế được WEF bố trí riêng cho Việt Nam hướng tới Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) lần thứ 16 do Việt Nam đăng cai tổ chức năm 2025 được các đại biểu đánh giá cao.
Cuối cùng, ta đã tranh thủ tối đa chuyến công tác để thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế trong bối cảnh thời gian dự Davos ngắn. Thủ tướng và thành viên Đoàn đã có hàng chục cuộc gặp với lãnh đạo các đối tác, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư với các nước và tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong các lĩnh vực như thương mại, y tế, sở hữu trí tuệ, nông nghiệp, năng lượng tái tạo…
Việc tham dự các hoạt động tại Davos của Thủ tướng Chính phủ đã gửi tới cộng đồng quốc tế những thông điệp quan trọng, nổi bật là:
Thông điệp về sự chân thành, hợp tác, đoàn kết quốc tế, vai trò của chủ nghĩa đa phương trong thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm và chuyển đổi để thích ứng với kỷ nguyên thông minh.
Thông điệp về tính nhân văn, khẳng định kỷ nguyên thông minh phải là kỷ nguyên phát triển vì con người, phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm, thúc đẩy những sáng kiến hợp tác vì con người trong kỷ nguyên mới.
Thông điệp về tính trách nhiệm của các quốc gia, doanh nghiệp trong hệ sinh thái chung toàn cầu.
Các thông điệp trên sẽ tiếp tục được truyền tải xuyên suốt tại hàng loạt các hoạt động đối ngoại sôi động trong năm 2025, trong đó có việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Đối tác tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ 4 và Hội nghị Bộ trưởng UNCTAD lần thứ 16, làm nổi bật hình ảnh Việt Nam là một đối tác tin cậy, năng động, sáng tạo, trách nhiệm và đầy tiềm năng, một dân tộc đang sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và kỷ nguyên thông minh của nhân loại.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.
TTXVN /Nhà báo và Công luận