Trong những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các chuỗi bán lẻ tích cực đưa hàng hóa ra thị trường để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ghi nhận trong những ngày gần đây cho thấy, sức mua hàng Tết tại các siêu thị ở Hà Nội tăng khoảng 20-30% so với tuần liền kề trước đó và tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2024.
Người dân tới mua sắm các sản phẩm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại siêu thị Go! Thăng Long. Ảnh: Thành Lâm
Nhu cầu hàng hóa tăng cao
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội, kể từ ngày ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), sức mua tại các siêu thị đã dần tăng lên. Các mặt hàng được tiêu thụ nhiều chủ yếu là hàng hóa thiết yếu và tập trung ở các quầy bán đồ tươi sống, bánh, kẹo, hoa quả. Nhiều người tiêu dùng đánh giá, nguồn hàng Tết được cung cấp tương đối đầy đủ, dồi dào. Phần lớn mặt hàng được lựa chọn là hàng Việt Nam do chất lượng tốt.
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm cao điểm của người dân dịp Tết, hệ thống siêu thị HaproMart, BRGMart đã phối hợp với các nhà cung cấp tăng gấp 2-3 lần lượng hàng dự trữ so với các tháng trong năm, bảo đảm lượng hàng phong phú, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, minh bạch nguồn gốc và bình ổn giá.
Giám đốc siêu thị BRGMart Thành Công (quận Ba Đình) Vũ Hoài An cho biết, lượng khách hàng mua sắm trực tiếp và qua điện thoại trong những ngày qua đều tăng trưởng mạnh, từ 20-30%.
Còn theo Giám đốc siêu thị Go! Thăng Long (quận Cầu Giấy) Nguyễn Minh Tuấn, trong những ngày gần đây, lượng khách hàng đến với siêu thị GO! Thăng Long tăng khá cao, khoảng 20-30% so với tuần liền kề trước đó và tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2024. Để chuẩn bị đủ hàng hóa, phía siêu thị đã bắt tay vào triển khai từ khoảng quý III-2024 với lượng hàng tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chú trọng vào các mặt hàng tươi sống phục vụ cho dịp Tết. Đáng chú ý, 90% hàng Việt được ưu tiên bày bán tại kệ siêu thị.
Bên cạnh đó, phía siêu thị cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng nhằm mang đến cho khách hàng một cái Tết đầy đủ, sung túc. Phía siêu thị cũng làm việc với các nhà cung cấp trên toàn quốc, đối tác vận chuyển để bảo đảm việc cung ứng hàng hóa xuyên Tết, không bị gián đoạn trước, trong và sau Tết. Bên cạnh kênh bán trực tiếp, phía siêu thị cũng đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong việc mua sắm.
Tương tự, đại diện chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+/WiN cho biết, để chuẩn bị cho mùa cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ và đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng đa dạng của khách hàng, chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+/WiN đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp từ 2 đến 3 tháng trước Tết để tăng cường dự trữ hàng hóa thêm 20% so với cùng kỳ, bảo đảm nguồn cung dồi dào, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoặc tăng giá đột biến.
Các mặt hàng được ưa chuộng chủ yếu là mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống. Các mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp lễ Tết là bánh, kẹo, nước giải khát... với phân khúc giá tầm trung, phù hợp với xu hướng sắm Tết là sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý. “Hiện nay, chúng tôi ghi nhận lượng khách đến mua sắm tại hệ thống WinMart/WinMart+/WiN bắt đầu tăng khoảng 10-20% so với ngày thường, đặc biệt đông vào các khung giờ cao điểm buổi tối và cuối tuần. Dự kiến trong những ngày tới, nhu cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ khi Tết Nguyên đán cận kề”, đại diện siêu thị WinMart chia sẻ.
Khách hàng lựa chọn các sản phẩm quà Tết tại một trung tâm thương mai trên địa bàn quận Hà Đông
Chọn mua thực phẩm an toàn
Cũng như những năm trước, dịp Tết Nguyên đán năm nay, chị Lưu Thanh Hoa (trú tại ngõ 23 phố Ngụy Như Kon Tum, quận Thanh Xuân) chọn mua các loại thực phẩm thịt, cá, rau, củ tươi, bánh mứt, nem chả... để gia đình sử dụng. Chị Thanh Hoa chia sẻ: “Vấn đề nhiều người quan tâm nhất hiện nay là an toàn vệ sinh thực phẩm. Người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra chi phí xứng đáng để mua các sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn”.
Chị Nguyễn Minh Lê (trú tại chung cư 34T đường Hoàng Đạo Thúy, quận Cầu Giấy) nhận xét, hiện nay, hàng hóa trên thị trường rất phong phú, đa dạng, nhưng thật giả cũng lẫn lộn. “Dịp Tết, mọi người đều quan tâm đến an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình. Thấy các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm nên tôi thấy an tâm”, chị Minh Lê chia sẻ.
Ở góc độ quản lý, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội Xuân 2025 đã và đang được các cấp, các ngành liên quan triển khai nghiêm túc, đồng bộ. Các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở Công Thương chủ động rà soát, nắm chắc tình hình và thực hiện kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trong đợt cao điểm mùa Tết bảo đảm đúng tiến độ đề ra, thực hiện có hiệu quả, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là nhiệm vụ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hợp pháp trên địa bàn thành phố.
Thanh Hiền /Hànộimới