Hôm nay (14/2), Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực.
![](https://cms.thitruongvietnam.vn/uploads/images/%c4%90%e1%bb%83%20sau%20kho%e1%ba%a3ng%20l%e1%ba%b7ng%2c%20b%c3%a3o%20kh%c3%b4ng%20m%e1%ba%a1nh%20tr%e1%bb%9f%20l%e1%ba%a1i.jpg)
Kể từ khi ban hành cuối tháng 12/2024, thông tư đã tạo ra những luồng cảm xúc khác nhau, nhiều người lo lắng vì không còn được dạy thêm, học thêm, nhất là với những giáo viên lâu nay đang có lớp học thêm tại nhà và có giờ dạy thêm ở trường cũng như những học sinh có nhu cầu học thật sự. Nhưng về cơ bản, thông tư được xã hội đón nhận bằng tâm trạng phấn khích, không ít phụ huynh, học sinh đồng tình. Bởi dạy thêm, học thêm ở nhiều nơi đã đi quá lằn ranh giới hạn và ý nghĩa đích thực của nó. Nhiều giáo viên dạy thêm một cách cơ học, thực dụng, học sinh đi học theo phong trào, vì không muốn áy náy với thầy cô... Nhiều người ví tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như một “cơn bão” cuốn đi của nhiều gia đình một khoản tiền và quỹ thời gian không hề nhỏ khi phải trả học phí và đưa đón con. Hình ảnh những đứa trẻ ăn trên đường di chuyển, ngủ trong lớp học, đến mức thành vè, thành những bài hát chế.
Dạy thêm, học thêm ở góc độ nào đó là nhu cầu chính đáng của một bộ phận người dạy lẫn người học với mong muốn có thành tích tốt hơn. Tuy nhiên, phía sau điều tích cực ấy là một khoảng trống bất công và cả bất bình. Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ra đời được hy vọng đủ sức mạnh để khỏa lấp khoảng trống ấy; và đến thời điểm này, chúng ta nhận thấy “cơn bão” dạy thêm, học thêm đang ở trạng thái “khoảng lặng” khi các trường đã thông báo nghỉ dạy thêm, nhiều giáo viên đóng cửa lớp dạy thêm để nghe ngóng hoặc chuyển đổi hình thức.
Dư luận đón nhận thông tin này bằng những cách nhìn khác nhau. Tin tưởng có, mà hoài nghi cũng có. Người nhiều trải nghiệm thì nói cứ chờ. Bởi cấm dạy thêm, học thêm có phải bây giờ mới áp dụng lần đầu đâu, chỉ là quy mô, phạm vi lớn hơn. Một số văn bản ban hành trước đây về việc không dạy thêm, học thêm nằm ở chỗ có sự khu biệt chỉ ở một địa phương, một cấp học, hoặc là một số đối tượng nào đó. Việc cấm dạy thêm, học thêm được giao cho chính quyền cơ sở và cộng đồng giám sát, và kết quả là chẳng đem lại lợi ích gì đáng kể khi mà nhiều cộng đồng thờ ơ, đối tượng áp dụng thì vẫn lén lút tổ chức.
Từ phía dư luận xã hội, nhiều phụ huynh cho rằng Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT là bước tiến bộ trong quản lý giáo dục, tuy nhiên theo quan sát, tìm hiểu và thu thập thông tin của họ, ở một số trường học đã có nhiều chiêu thức “lách luật” nhằm đối phó với quy định này. Ví dụ như có trường thuê cơ sở khác có người đứng tên giám đốc công ty, giám đốc trung tâm đúng pháp luật, rồi ký kết với trường, thuê chính giáo viên trường đó dạy. Tên người đứng dạy không phải giáo viên chính khóa, nhưng trên thực tế giáo viên chính khóa vẫn dạy, giáo viên khác vào thu tiền. Còn trường hợp giáo viên đưa học sinh về nhà thì mượn hoặc thuê người khác đứng tên hộ kinh doanh. Rồi thuê trợ giảng, giáo viên đó vẫn đứng dạy. Có phụ huynh phàn nàn trước đây con đi học một buổi chỉ khoảng 100.000 đồng, nay học ở trung tâm sẽ phải chi phí thêm khâu trung gian, học phí có thể sẽ đội lên.
Có một hiện tượng thiên nhiên đáng sợ đó là giữa cơn bão thường có một khoảng lặng gọi là mắt bão, nhiều người thường chủ quan ra khỏi nơi trú ẩn, khi cơn bão mạnh trở lại đã phải hứng chịu cuồng phong. Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT được ví như đang tạo nên “khoảng lặng” cho “cơn bão” dạy thêm, học thêm, nếu như chính quyền và ngành giáo dục không kiên quyết, thì “cơn bão” ấy rất có thể sẽ mạnh trở lại. Người có nhiều trải nghiệm nói phải chờ đợi và quan sát là vì thế. Đó là một cách để họ hối thúc cơ quan chức năng có biện pháp kiểm soát chặt hơn, xử lý nghiêm hơn, để “khoảng lặng” tạm thời ấy trở nên vĩnh viễn.
Thái Minh /Báo Thanh Hoá