Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam với hành trình về cội nguồn Tổ nghề kim hoàn

13:32 | 22/02/2023
Ngày 18/02/2023 (tức 28/01 năm Quý Mão), Trung ương Hội Mỹ nghệ Kim hoàn đá quý Việt Nam đã tổ chức lễ dâng hương báo công Ông tổ nghề kim hoàn Cao Đình Độ. Buổi lễ diễn ra long trọng tại khu lăng mộ Tổ nghề kim hoàn Cao Đình Độ, tại phường Trường An, thành phố Huế. Đây là hoạt động thường niên của Trung ương Hội Mỹ nghệ Kim hoàn đá quý Việt Nam tổ chức lễ báo công cũng như tưởng nhớ công ơn của Ông tổ nghề Kim hoàn.

Cuộc đời và hành trạng tổ nghề kim hoàn

Qua bao thăng trầm của lịch sử hàng trăm bảo vật của triều Nguyễn như: ấn vàng, kiếm vàng, sách vàng, đồ ngự dụng bằng vàng… vẫn còn được bảo quản, gìn giữ nguyên vẹn tại các bảo tàng, di tích. Đây là những bảo vật vô giá của dân tộc Việt Nam, không những chứa đựng các giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật đặc sắc mà còn phản ánh tài nghệ khéo léo, tinh tế của các bậc thầy nghệ nhân kim hoàn cung đình xưa.

Sắc phong của vua Khải Định năm thứ 9 cho nhị vị tổ sư Cao Đình Độ và Cao Đình Hương.

Vị Đệ nhất tổ sư Cao Đình Độ sinh năm Giáp Thìn (1744), tại làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Xuất thân trong một gia đình nông dân, thuở thiếu thời ông rất ham học và được truyền thụ nền giáo dục Nho giáo. Lớn lên ông làm nghề bịt đồng (tức là hàn khay gãy, bịt chén bể…).

Vào thời đó, các chúa Nguyễn nắm trong tay được nhiều mỏ vàng, đặc biệt là mỏ Bồng Miêu ở tỉnh Quảng Nam. Nhờ thế mà đồ trang sức trong phủ chúa đều làm bằng vàng.

Nhưng nghề kim hoàn ở nước ta chỉ mới phôi thai, dân ta chưa có ai thành thạo nghề này. Các vật dụng quý, đồ trang sức của vua chúa hay quan lại đều phải thuê thợ kim hoàn người Trung Quốc chế tác. Những người thợ này, hoặc theo thuyền buôn sang thông thương, hoặc xin trú ngụ để hành nghề. Họ giấu nghề rất kỹ, không cho người địa phương biết để giữ độc quyền hành nghề.

Chúa Nguyễn Phúc Khoát nhận ra sự thiệt thòi của nền thủ công mỹ nghệ nước nhà, thường rất băn khoăn nên đã ra lệnh cho quan lại tìm cách hợp tác sản xuất, kinh doanh nhưng đều không có kết quả.

Khu lăng mộ phía bên trái (nhìn vào) là lăng mộ của Đệ nhất Tổ sư Cao Đình Độ, phía bên phải là Đệ nhị Tổ sư Cao Đình Hương.

Trong hoàn cảnh đó, với niềm đam mê lớn trong người thợ trẻ Cao Đình Độ muốn trở thành một người thợ kim hoàn xuất sắc, ngày đêm luôn thôi thúc ông lên đường “tầm sư học đạo”. Để học được nghề kim hoàn, ông phải dành nhiều thời gian học tiếng Hoa, theo dõi lối sinh hoạt, giao thiệp của họ, cải trang thành người Hoa xin vào giúp việc cho một chủ tiệm vàng ở Thăng Long (Hà Nội). Bởi thời kỳ này chỉ có người Hoa mới nắm được cách chế tác và độc quyền sản xuất, buôn bán vàng bạc trong cả nước.

Với ý chí phải học cho thành tài, ông học cả cách chế tạo dụng cụ cần thiết của nghề chạm trổ vàng bạc và không từ chối bất cứ việc gì chủ sai bảo. Công sức của ông đã được đền đáp xứng đáng, tay nghề ông ngày càng thành thạo và đạt trình độ kỹ thuật tinh xảo, đủ sức tranh tài với những thợ kim hoàn người Hoa khác tại đất Thăng Long thời bấy giờ.

Trung ương Hội Mỹ nghệ Kim hoàn đá quý Việt Nam tổ chức Lễ dâng hương Tổ nghề Kim hoàn.

Năm Quý Mão (1783), quân Trịnh chiếm đóng Phú Xuân, đường vào Thuận Hóa thông thương nên ông đã cùng vợ con men theo bờ biển vào nam và dừng chân lập nghiệp tại làng Kế Môn (nay thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Tại đây, ông đã truyền nghề cho con trai mình là Cao Đình Hương. Thừa hưởng đức tính thông minh của cha, Cao Đình Hương tiếp thu nghề kim hoàn một cách nhanh chóng và trở thành một người thợ thành thục trong nghề kim hoàn tại Thuận Hóa. Và ông Cao Đình Độ còn truyền nghề cho một số học trò thuộc hai họ Huynh Công và Trần Mạnh. Về sau, hai họ Huynh, Trần tiếp tục truyền nghề lại cho con cháu. Hoạt động truyền nghề đó đã biến làng Kế Môn thành làng thợ kim hoàn lớn vào bậc nhất ở xứ Đàng Trong.

Tiến sĩ Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam cùng các cán bộ, hội viên dâng hương tưởng niệm Tổ nghề Kim hoàn.

Dưới thời nhà Tây Sơn, vua Quang Trung cũng là người quan tâm đến nền thủ công nghiệp nước nhà, đã lập ra ngành Ngân Tượng và danh tiếng ông Cao Đình Độ được lan truyền đến triều đình. Năm 1790, vua Quang Trung triệu hai cha con ông cùng một số thợ bạc ở làng Kế Môn vào triều để lập đội Cơ vệ Ngân tượng, nơi chuyên nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ vàng bạc và đồ trang sức cung đình.

Trước công đức và những đóng góp lớn lao đó, ông được triều đình phong chức Lãnh binh, phó Lãnh binh là Cao Đình Hương. Thời gian này, gia đình ông sống tại làng Cao Hậu (thường gọi là Côi Hậu), huyện Hương Trà (nay là phường Hương Sơ, thành phố Huế).

Đến khi Nguyễn Ánh chiếm lại đất Thuận Hóa – Phú Xuân, lập nên vương triều Nguyễn, lấy niên hiệu Gia Long vào năm 1802, hai cha con ông Cao Đình Độ và Cao Đình Hương cũng như nhóm thợ làng Kế Môn vẫn được vua Gia Long trọng dụng, cấp bổng lộc và giữ nguyên tước cũ để tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề kim hoàn trong Kinh thành.

Hai ông vẫn được tiến cử giữ chức vụ này chứng tỏ là người có tài và đức hạnh nên được các đời vua và triều đình tin dùng. Các sản phẩm từ vàng bạc như trâm cài, hoa tai, vòng xuyến, nhẫn… được sử dụng ở Kinh thành Phú xuân chủ yếu được tạo tác bởi những người thợ kim hoàn làng Kế Môn.

Vào ngày 27 tháng 2 năm Canh Ngọ (28/2/1810), ông Cao Đình Độ qua đời, hưởng thọ 66 tuổi, được nhà vua và triều đình truy phong tước hiệu: “Đệ nhất tổ sư” và ban đất xây lăng mộ như các quan đại thần tại ấp Trường Cởi (nay là phường Trường An, thành phố Huế).

Mặc dù còn được kế tục sự nghiệp quản lý của cha trong triều với chức quan Lãnh binh, nhưng bằng cách nhìn nhạy bén của người trong nghề, Cao Đình Hương nhìn thấy hoài bão của cha mình sẽ bị mai một theo thời gian, không những thế, nghề kim hoàn sẽ bị thất truyền nếu ông chỉ tập trung phục vụ trong cung vua. Vì thế, ông Cao Đình Hương quyết định từ quan về quê để tìm người nối nghiệp gia đình. Quan Thượng thư bộ lại ở Thuận Hóa lúc bấy giờ là Trần Minh cùng vợ là Huynh Thị Ngọc đã mời ông về phủ dạy nghề cho 3 người con là Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền và 3 người cháu là Huynh Quang, Huynh Bảo, Huynh Nhật.

Di tích tổ nghề kim hoàn “Lệ Châu hội quán” thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 7 tháng 2 Âm lịch (8/2/1821), ông Cao Đình Hương qua đời, hưởng thọ 48 tuổi, được vua Minh Mạng phong tước hiệu: “Đệ nhị tổ sư”, phần mộ được an táng bên cạnh mộ phần tổ phụ tại ấp Trường Cởi. Trước khi mất, tâm huyết sau cùng của ông là mong muốn học trò của mình đem nghề kim hoàn truyền bá rộng khắp trong dân gian.

Theo lời thầy dặn, 6 đệ tử của ông Cao Đình Hương đã chia nhau làm hai hướng để truyền nghề kim hoàn trong thiên hạ. Ba anh em họ Trần ngược ra Bắc Hà, đến Thăng Long mở lò thợ bạc, thu nhận đệ tử. Ba anh em họ Huynh lại xuôi vào Nam. Đến Phan Thiết, do một người bị qua đời, hai người còn lại dừng chân luôn tại đây để mở lò dạy nghề. Do đó, thợ kim hoàn ở Phan Thiết xem ba anh em họ Huynh là tổ sư nghề kim hoàn.

Được tin ba anh em họ Huynh dừng chân ở Phan Thiết, ba anh em họ Trần sau khi truyền nghề ở phía Bắc, lại tiếp tục hành trình xuôi vào Nam và điểm dừng chân của họ là Chợ Lớn. Anh em họ Trần đã mở lò thợ bạc, truyền nghề cho đệ tử khắp miền Lục tỉnh.

Tại Chợ Lớn, vì quá thương nhớ thầy và bạn đồng nghiệp nên anh em họ Trần đã lập một đền thờ lấy tên là “Lệ Châu Hội Quán” vào năm 1892. Đền thờ Lệ Châu được đặt tên như vậy là do xuất phát từ câu: “Kim trầm lệ thủy, ngân xuất châu đê” (có nghĩa vàng chìm sông lệ, bạc xuất bờ châu).

Gần 100 năm sau khi hai ngài qua đời, đến triều Khải Định thứ 9 (năm 1924), nhân dịp lễ Tứ Tuần Đại Khánh Tiết, xét hai ngài có nhiều công lao trong việc truyền bá nghề kim hoàn nên vua Khải Định hạ chiếu sắc phong: “Dực bảo Trung Hưng Linh Phò chi thần” vào ngày 25 tháng 7 năm 1924. Đến đời vua Bảo Đại thứ 13 (năm 1938), hai ông tiếp tục được sắc phong cho người có công khai sáng ngành Kim hoàn Việt Nam và khu lăng mộ được kiến tạo, trùng tu đạt giá trị nghệ thuật cao.

Hiện nay, tại từ đường họ Kim Hoàn tọa lạc số 7 chùa Ông, phường Phú Cát, thành phố Huế còn lưu giữ một số bản sắc phong của các vua triều Nguyễn cho hai vị tổ nghề.

Lễ tế tổ nghề kim hoàn

Hằng năm, lễ tế tổ nghề kim hoàn Việt Nam vào ngày 7/2 Âm lịch, đây được xem là ngày hội của những người sản xuất, kinh doanh vàng bạc trong khắp cả nước.

Lễ giỗ tổ nghề kim hoàn được tổ chức rất qui mô, quy tụ hàng trăm người trong ngành thợ kim hoàn, không chỉ riêng ở Huế mà từ các tỉnh thành trong cả nước cũng về dự, cúng bái các vị tổ sư có công khai sáng, truyền dạy nghề kim hoàn. Đồng thời, đây còn là dịp để các đồng nghiệp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp, chia sẻ những chuyện buồn vui trong cuộc sống đời thường.

Lễ tế tổ nghề kim hoàn là một hoạt động tâm linh đặc trưng, khá quy mô, thu hút nhiều người thợ kim hoàn và cả du khách thập phương tham gia, thể hiện sự phát triển của nghề kim hoàn không chỉ ở qui mô sản xuất mà còn ở những hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần, nghề nghiệp. Lễ hội này cũng phản ánh đặc trưng sự kết hợp giữa cầu quốc thái dân an và tế tổ nghề.

Qua lễ hội này, minh chứng tinh thần tri ân, tôn vinh lịch đại tổ nghề, các vị tiền hiền góp phần làm phong phú thêm đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân xứ Huế nói riêng và cả nước nói chung.

Có thể nói, qua những biến chuyển của thời đại, nghề kim hoàn không bị mai một mà còn được lưu giữ, truyền nghề và phát triển từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dù ngày nay và cả mai sau, vàng bạc, nữ trang được sản xuất trên dây chuyền hiện đại đi chăng nữa, các vị tổ nghề kim hoàn vẫn luôn được coi trọng, tôn thờ và những ngày giỗ tổ như thế này vẫn luôn được tiếp nối tổ chức trang trọng qua từng thế hệ con cháu ngành Kim hoàn Việt Nam.

Ngày nay, nghề kim hoàn trở thành một ngành nghề thủ công truyền thống được ưa chuộng, không chỉ vì giá trị kinh tế mà còn cả trình độ thẩm mỹ của những mặt hàng kim hoàn chứa đựng nhiều sắc thái Việt.

Một số hình ảnh Cán bộ, hội viên Hội Mỹ nghệ Kim hoàn đá quý Việt Nam dâng hương báo công Ông tổ nghề kim hoàn:

Xuân Vũ TH

Nguồn TTV

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam WEF (CSD)… là một trong những sự kiện nổi bật trong ngày 21/1.
22:30 | 21/01/2025
Sáng 20/1, tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 2, khóa 10, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Ch..
10:32 | 21/01/2025
Tối 20/1, Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải ''Búa liềm vàng'' lần thứ 9 - năm 2024 được truyền hình trực tiếp từ Nhà hát Hồ Gươm ..
00:27 | 21/01/2025
Tổng Bí thư nhấn mạnh, báo chí phải bám sát các nhiệm vụ chính trị, vấn đề lớn của Đảng và đất nước để tập trung tuyên truyền toàn diện, sâu sắc, hiệu..
23:52 | 20/01/2025
Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức gặp mặt các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng cá..
22:30 | 20/01/2025
Chiều 20/1/2025, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về công tác cán bộ của Văn phòng Bộ Công an. Thượng tướng Trần Q..
20:00 | 20/01/2025
Làm việc với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam và chuyên gia người Việt Nam tại châu Âu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sẽ nghiên cứu, báo cáo c..
09:49 | 20/01/2025
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự Chương trình 'Xuân Quê hương 2025'… là một trong những sự kiện nổi bật trong ngày 19/1.
22:30 | 19/01/2025
Ngày 18/1, Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ.
17:44 | 19/01/2025
THANH HOÁ - Ở thời điểm còn hơn tuần nữa tết mới diễn ra, nhưng những ngày qua dường như không khí tết đã bắt đầu với nhiều người.
16:00 | 19/01/2025

 

Giấy phép hoạt động Số 03 /GP - TTĐT
Sở TTTT Hải Phòng cấp ngày 06 /5 /2021
Trụ sở: 47 /384 Lạch Tray, P. Đằng Giang
Quận Ngô Quyền - Thành phố Hải Phòng
marketnews.vn@gmail.com /0905414241

BAN BIÊN TẬP - HÀNH CHÍNH & TRỊ SỰ
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Việt Thắng

VPĐD BẢN TIN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
N.Khách La Thành - Văn phòng Chính phủ
226 Phố Vạn Phúc, Q. Ba Đình, TP Hà Nội
Trưởng VP TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng

Tel: (024) 39 195195 * Mobile: 0965126212

icon facebook   icon-zalo   icon youtube   www.tiktok.com/@thitruongvietnam.vn   Tín nhiệm mạng

TRUYỀN THÔNG VÀ TỔ CHỨC SỰ KIỆN
Phó Trưởng Phòng: Triệu Thị Bảo Thương

VP HCM: 138 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3
Trưởng VP TP. HCM Nhà báo Đinh Gia Cư
Tel: (028) 39181920 * Fax: (028) 39181920

(*)Không sao chép dưới mọi hình thức
Tra cứu  | Đường Dây nóng: 0905082014

Vận hành bởi Công ty TNHH Bản tin Thị trường Việt Nam
icon up