Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc chuyển mục đích sử dụng đất hiện nay đang có ‘‘lỗ hổng’’, tạo nên thất thoát lớn về địa tô chênh lệch và cũng từ đây xảy ra một số sai phạm. Vì vậy, cần có cơ chế bịt ‘‘lỗ hổng’’ này.
Ngày 18/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022, tại phần thảo luận bàn tròn với chủ đề Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã nêu một số vấn đề lớn về tài chính đất đai.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương là “kim chỉ nam” trong việc định hướng để xây dựng luật và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới.
Về chuyển mục đích sử dụng đất, Bộ trưởng cho rằng: "Đây là một “lỗ hổng” lớn mà Luật Đất đai năm 2013 đã không bịt được, tạo nên thất thoát lớn về địa tô chênh lệch và cũng từ đây xảy ra một số sai phạm. Cho nên, việc quản lý mục đích sử dụng đất phải hết sức chặt chẽ”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Bộ trưởng Bộ Tài chính lấy ví dụ: “Trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, có tình trạng sau khi cổ phần hóa, các doanh nghiệp ngoài nhà nước nhìn vào khu đất để sau đấy chuyển đổi mục đích sử dụng, sang sử dụng vào mục đích thương mại, đất ở. Cái này là địa tô chênh lệch, thất thoát từ nhà nước ra bên ngoài. Đây là lỗ hổng lớn, vì chỉ cần một quyết định hành chính có thể làm mất đi hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ đồng. Do vậy, cần có cơ chế bịt “lỗ hổng” này”.
Bộ trưởng đề nghị, nếu các đơn vị không sử dụng đất với mục đích sản xuất kinh doanh hoặc không còn nhu cầu sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi lại để bán đấu giá một cách hiệu quả hơn, tạo động, nguồn lực để phát triển.
Về vấn đề phương pháp xác định giá đất, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, hiện nay, chúng ta thực hiện 5 phương pháp xác định giá đất nhưng các phương pháp xác định giá đất này chưa thực sự nhất quán, chưa thực sự chính xác, tạo ra một số lỗ hổng.
“Ví dụ, khi chuyển mục đích sử dụng đất hiện nay, đa số sử dụng phương pháp thặng dư, nhưng phương pháp này rõ ràng là không chính xác. Bởi vì, giá trị doanh thu và chi phí đầu tư đều giả định; mà khi đã giả định thì sẽ không chính xác. Và không chính xác thì gây ra rủi ro pháp lý. Ngoài ra cũng tạo nên rủi ro cho doanh nghiệp và rủi ro cho bản thân những người làm cơ quan nhà nước...", Bộ trưởng Bộ Tài chính lý giải và cho rằng, đây là vấn đề sắp tới chúng ta phải rà soát lại để định ra phương pháp phù hợp nhất, chính xác, nhất quán.
Bộ trưởng gợi mở: Chẳng hạn, phương pháp so sánh là phương pháp rất khoa học. Hay như phương pháp hệ số, phương pháp này chúng ta bỏ được khung giá đất, có nghĩa khi xây dựng hai số tiệm cận với giá thị trường và khi có biến động thì điều chỉnh bằng hệ số...
Vấn đề thứ ba là vấn đề giao đất. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, lâu nay chúng ta coi thời điểm xác định giá đất là thời điểm giao đất nhưng không rõ tại thời điểm giao đất đến thời điểm xác định giá đất là một tháng, sáu tháng hay là một năm, điều này không quy định. Do đó, theo Bộ trưởng, thời gian tới, phải quy định thời điểm xác định giá đất đến thời điểm giao đất không quá 6 tháng. Như thế mới bảo đảm được độ chính xác và khi nộp tiền vào ngân sách thì mới tiến hành giao đất.
N.Hường
Nguồn Báo Nhà báo và Công luận