Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không chỉ tinh gọn quy mô, số lượng, mà phải tạo sự thay đổi về 'chất' trong hoạt động.
Liều thuốc đủ mạnh để trị căn bệnh "nhũng nhiễu", "hành dân"
Sáng 1/12/2024, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đây là thời điểm, thời cơ, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
"Hơn lúc nào hết và không thể chậm trễ hơn thời điểm này, đất nước đã đủ thế và lực, đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc. Do đó, việc tinh gọn bộ máy chính trị là việc cấp bách, bắt buộc phải thực hiện", Tổng Bí thư nêu rõ.
Theo đó, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra, các cơ quan quản lý phải đổi mới tư duy, phải "cởi trói", phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình.
Chính phủ cần tiếp tục tạo đột phá hơn nữa về thể chế, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển.
Đổi mới thể chế không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan xây dựng pháp luật mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và của từng cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng, thực thi pháp luật.
Tổng Bí thư yêu cầu, các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương về tinh gọn bộ máy. Ảnh: VGP
"Phải có liều thuốc đủ mạnh để trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc; tiêu cực, nhũng nhiễu, "hành dân", "hành doanh nghiệp", có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc, xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Một lần nữa khẳng định việc tinh gọn tốt chức bộ máy của hệ thống chính trị là việc cần làm càng làm sớm, càng có lợi cho dân, cho nước, Tổng Bí thư yêu cầu, các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở phải xác định, khẳng định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương này.
Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị.
Ông yêu cầu cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng, Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở; Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng.
Từng cấp, từng ngành phải bám sát kế hoạch để tổng kết và đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị mình bảo đảm đúng tiến độ. Các bộ, ngành phải hoàn thành trong tháng 12/2024.
Mục tiêu chung là hoàn thành và báo cáo Trung ương phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý I/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Trong đó, đội ngũ cán bộ của bộ mới phải đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự học hỏi để "nâng mình lên", để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước.
"Phải hết sức lưu ý khắc phục những "căn bệnh" của công tác cán bộ trước đại hội như người không tái cử thì giữ an toàn, thủ thế, không dám triển khai cái mới; giữ mình, sợ mất phiếu; tính toán cho người thân, người quen, vào các vị trí lãnh đạo hoặc dùng "thủ thuật tổ chức" để gạt người mà mình không thích.
Công tác tổ chức cán bộ là công tác của Đảng, do vậy các cấp uỷ Đảng phải thực hiện thật nghiêm túc điều lệ Đảng cũng như các quy định của Đảng, của pháp luật về công tác cán bộ", Tổng Bí thư nói.
Tinh gọn tổ chức bộ máy cồng kềnh gây kìm hãm sự phát triển
Cũng tại hội nghị, ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng nhấn mạnh việc sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Ông Hưng cho biết, trước đó, ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Tuy nhiên, qua bảy năm thực hiện, việc sắp xếp tổ chức bộ máy vẫn chưa đồng bộ, thiếu tổng thể, chưa gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa rõ ràng, còn trùng lặp, chồng chéo, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót.
Bộ máy quản lý còn chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp. Công tác phân cấp, phân quyền cho địa phương chưa mạnh, chưa đồng bộ, hợp lý, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, dẫn đến tồn tại cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Nguyên nhân chủ yếu là do mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị chưa thật hoàn thiện; nhận thức và hành động của cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động thiếu quyết liệt.
Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống, một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức.
Sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, "lấn sân", cản trở, thậm chí "vô hiệu hoá" lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo. Điều này dẫn đến năng suất lao động, hiệu quả công tác thấp, đùn đẩy trách nhiệm, cản trở phát triển, phát sinh phiền nhiễu, giảm hiệu quả hoạt động.
Chính vì vậy, dựa trên nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu tổng kết Nghị quyết 18, ông Hưng cho biết, Bộ Chính trị xác định việc hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.
Nhiệm vụ của các cả hệ thống là tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông.
Việc tinh gọn bộ máy cần thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chỉnh.
Bộ máy mới cần khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực, kiên quyết xoá bỏ các tổ chức trung gian.
Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay
Cũng theo ông Hưng, việc cải cách tổ chức bộ máy phải gắn với quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương về đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, chống lãng phí; chuyển đổi số quốc gia, xã hội hoá các dịch vụ công.
Tinh gọn bộ máy cần gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân.
Đề cập đến một số nội dung gợi ý, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, ông Hưng nhấn mạnh các vấn đề chung là nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của các ban cán sự đảng, đảng đoàn trong các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp, các bộ, các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng lập các đảng bộ.
Các cơ quan, tổ chức của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, nhà nước giao nhiệm vụ cần nghiên cứu, đề xuất giải thể, sáp nhập, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, giảm đầu mối, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Hoạt động của các báo, tạp chí, truyền hình, cổng thông tin điện tử cũng cần nghiên cứu tổ chức lại.
Hiện các cơ quan bộ ngành, địa phương đang nghiên cứu đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Theo đó, Chính phủ dự kiến sẽ giảm năm bộ, Quốc hội giảm bốn ủy ban sau khi tinh gọn bộ máy.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và đầu tư dự kiến sẽ sáp nhập với Bộ Tài chính; Bộ Giao thông Vận tải sáp nhập với Bộ Xây dựng. Bộ Thông tin và truyền thông sáp nhập với Bộ Khoa học và công nghệ.
Bộ Tài nguyên và môi trường sáp nhập với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bộ Lao động thương binh và xã hội sẽ kết thúc hoạt động, chuyển nhiệm vụ về Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và đào tạo, Ủy ban Dân tộc và các cơ quan có liên quan.
Ngoài ra, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Việt Nam cũng sẽ kết thúc hoạt động, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, các bộ chuyên ngành và các cơ quan liên quan.
Cơ quan chức năng cũng đang nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong đó, các cơ quan sáp nhập gồm: Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật.
Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội sẽ kết thúc hoạt động, chuyển nhiệm vụ về Bộ Ngoại giao, các ủy ban khác và Văn phòng Quốc hội. Ban Dân nguyện sẽ chuyển thành Ban Giám sát và Dân nguyện.
Mô hình Tổng thư ký, Ban thư ký Quốc hội sẽ được nghiên cứu tinh gọn. Các vụ chuyên môn của Văn phòng Quốc hội được chuyển về các Ủy ban của Quốc hội và Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức Đảng cũng được sáp nhập, như nghiên cứu sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương vào Ban Dân vận Trung ương; kết thúc hoạt động Ban Đối ngoại Trung ương, chuyển nhiệm vụ chính về Bộ Ngoại giao và một phần về Văn phòng Trung ương Đảng.
Với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, sẽ được rà soát hoạt động theo hướng tinh gọn, sáp nhập, kết thúc hoạt động; chỉ giữ lại những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.
Với địa phương, các cấp ủy chỉ đạo đề xuất sáp nhập, giải thể một số ban, cơ quan, ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện; cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, huyện tương tự ở Trung ương.
An Chi /Nhà Quản trị