Để giáo viên và học sinh tích cực hơn trong dạy và học, nâng cao được chất lượng giáo dục mới là gốc của vấn đề. Vì thế việc cấm dạy thêm học thêm thu tiền trong nhà trường thì đồng hành với đó phải là các giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường phổ thông.
Dạy thêm có nhiều nguyên nhân
Hiện nay, vấn đề dạy thêm và học thêm đang nhận được sự quan tâm của giáo viên và toàn xã hội. Thông tư 29 quy định không được dạy thêm thu tiền đối với học sinh chính khóa. Bên cạnh đó chỉ giới hạn dạy thêm trong nhà trường cho các đối tượng là học sinh yếu kém, học sinh giỏi và học sinh có nhu cầu ôn thi cuối cấp.
Việc giáo viên tổ chức dạy thêm phải đăng ký kinh doanh. Thu nhập từ dạy thêm, học thêm phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
![](https://cms.thitruongvietnam.vn/uploads/images/1%20thi-tot-nghiep-11-16583292%20(1).jpg)
Hiện nay áp lực thi cử, điểm số khiến cho tình trạng dạy thêm học thêm trở nên nặng nề (ảnh minh họa- Quang Hùng)
Quy định này đang gây tranh luận trong giáo viên và ngoài xã hội. Theo anh Hồ Trung Dũng ở Hà Đông, Hà Nội, thực tế cho thấy, học thêm có xuất phát từ nhu cầu một số học sinh cảm thấy kiến thức được dạy ở trường là chưa đủ hoặc chưa hiểu sâu. Việc học thêm giúp các em có thêm thời gian để ôn tập, luyện tập và hiểu rõ hơn về các kiến thức đó.
Việc học thêm cũng giúp nâng điểm số, một yếu tố quan trọng trong việc đánh giá năng lực học tập của học sinh. Việc học thêm giúp các em cải thiện điểm số ở trường, từ đó có cơ hội tốt hơn trong việc xét tuyển vào các trường học, đặc biệt là các trường chuyên, lớp chọn.
“Hiện nay, các kỳ thi quan trọng như kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đại học đòi hỏi học sinh phải có kiến thức vững chắc và kỹ năng làm bài tốt. Việc học thêm giúp các em chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ thi này.
Bên cạnh đó nhiều phụ huynh muốn con mình học giỏi hơn, đỗ đạt cao hơn nên đã tạo áp lực cho con phải đi học thêm. Ngoài ra, đôi khi, học sinh đi học thêm chỉ vì thấy bạn bè mình cũng đi học thêm, sợ mình bị tụt hậu” – anh Dũng chia sẻ.
Cũng liên quan đến dạy thêm, chị Nguyễn Thu Thủy ở Nam Từ Liêm phân tích, đối với giáo viên, dạy thêm là một cách để giáo viên tăng thêm thu nhập. Giáo viên có thể dạy thêm những kiến thức chuyên sâu hơn, mở rộng hơn cho những học sinh có nhu cầu. Giáo viên có thể giúp đỡ những học sinh yếu kém, giúp các em theo kịp chương trình học.
“Tuy nhiên, việc dạy thêm và học thêm cũng có những mặt trái. Học thêm nhiều khiến học sinh cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, mất đi thời gian vui chơi, giải trí. Việc học thêm tốn kém một khoản chi phí không nhỏ, gây khó khăn cho nhiều gia đình. Nếu học sinh không có động lực học tập hoặc phương pháp học tập không phù hợp, việc học thêm có thể không mang lại hiệu quả cao” –chị Thủy phân tích.
Qua trao đổi với nhiều phụ huynh có thể thấy, khi quy định dạy thêm học thêm mới có hiệu lực nhiều ý kiến ủng hộ vì khi giáo viên không còn bị áp lực bởi việc dạy thêm để kiếm thêm thu nhập, họ có thể tập trung hơn vào việc nâng cao chất lượng dạy và học trong chương trình chính khóa. Điều này giúp đảm bảo rằng tất cả học sinh đều được tiếp cận với kiến thức và kỹ năng cần thiết.
Khi không còn dạy thêm, giáo viên sẽ có động lực tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học để thu hút và truyền đạt kiến thức hiệu quả hơn cho học sinh ngay trong giờ học chính khóa. Giáo viên có nhiều thời gian hơn để tương tác, quan tâm đến từng học sinh, giúp các em hiểu rõ bài hơn và phát triển toàn diện.
Đối với phụ huynh, việc học thêm tốn kém một khoản chi phí không nhỏ, đặc biệt đối với những gia đình có nhiều con. Lệnh cấm này giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho phụ huynh.
Ngoài ra, học sinh không còn phải chạy đua học thêm để theo kịp chương trình, giảm bớt áp lực học tập và có thêm thời gian cho các hoạt động khác. Việc không thu tiền học thêm với học sinh chính khóa cũng ngăn chặn một số giáo viên có thể lợi dụng việc dạy thêm để ép học sinh phải tham gia, gây khó khăn cho những em không có điều kiện kinh tế. Lệnh cấm này giúp ngăn chặn những hành vi tiêu cực này.
Hạn chế tình trạng dạy "mẹo", "chạy" điểm. Việc dạy thêm có thể dẫn đến tình trạng giáo viên chỉ tập trung dạy những "mẹo", "chạy" điểm để học sinh đạt kết quả cao trong các kỳ thi, mà không chú trọng đến việc truyền đạt kiến thức và kỹ năng thực chất.
Cần giải pháp tổng thể
Tuy nhiên, lệnh cấm này cũng đặt ra một số thách thức như có các giải pháp để đảm bảo thu nhập cho giáo viên khi dạy thêm đối với học sinh ôn thi cuối cấp, học sinh yếu kém và học sinh giỏi. Bên cạnh đó, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ để đảm bảo rằng giáo viên không dạy thêm trá hình, vi phạm quy định.
Nhiều phụ huynh cho biết, việc cấm giáo viên dạy thêm học trò chính khóa thu tiền là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo tính công bằng và giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, cần có các giải pháp đồng bộ để giải quyết những thách thức đặt ra, đảm bảo hiệu quả thực sự của chính sách này.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, khi quy định dạy thêm học thêm được ban hành, nhiều giáo viên tâm huyết với nghề, đặt lợi ích của học sinh lên hàng đầu, sẽ ủng hộ chủ trương này. Họ tin rằng việc dạy thêm không thu tiền giúp tạo môi trường học tập công bằng hơn, giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục.
Một số giáo viên sẵn sàng dạy thêm miễn phí cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh yếu kém, hoặc những em có nhu cầu đặc biệt. Đây là hành động xuất phát từ lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm và mong muốn giúp đỡ học sinh tiến bộ.
Tuy nhiên cũng có một số giáo viên cho rằng, việc cấm dạy thêm thu tiền là không công bằng, tước đi quyền được làm thêm, tăng thu nhập chính đáng của họ. Họ cho rằng việc dạy thêm là một hình thức lao động, cần được trả công xứng đáng.
Một số ý kiến lo lắng việc cấm dạy thêm thu tiền sẽ không giải quyết được vấn đề gốc rễ của việc dạy thêm và học thêm. Họ cho rằng nguyên nhân chính là do chương trình học quá tải, chất lượng dạy và học ở trường còn hạn chế, và áp lực từ các kỳ thi.
Việc cấm dạy thêm thu tiền trong nhà trường dẫn đến một số giáo viên có thể tìm cách đối phó bằng cách dạy thêm trá hình, ví dụ như dạy kèm tại nhà, dạy theo nhóm nhỏ, hoặc dạy online.
Một số giáo viên có thể chuyển sang dạy thêm ở các trung tâm, nơi họ có thể được trả lương cao hơn.
Các chuyên gia cho rằng, giáo viên hãy suy nghĩ kỹ về mục tiêu và động cơ của việc dạy thêm. Nếu dạy thêm vì mục đích giúp đỡ học sinh, hãy sẵn sàng dạy thêm không thu tiền cho những em có hoàn cảnh khó khăn. Nếu dạy thêm vì mục đích kinh tế, hãy tìm hiểu kỹ các quy định và đảm bảo rằng việc dạy thêm của mình là hợp pháp.
Đối với nhà trường, cần có chính sách hỗ trợ giáo viên, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. Cần tạo điều kiện để giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học, để có thể đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh ngay tại trường.
Trong xã hội, cũng cần có cái nhìn công bằng và khách quan về việc dạy thêm. Cần hiểu rằng việc dạy thêm có cả mặt tích cực và tiêu cực. Cần có giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề dạy thêm và học thêm một cách hiệu quả.
Có thể thấy, quy định dạy thêm học thêm mới có thể tạo nên một sự đổi mới trong dạy và học tại các trường công lập. Tuy nhiên, bên cạnh cấm dạy thêm học thêm thu tiền thì cũng cần có những chính sách đầu tư giáo dục phù hợp để giáo viên yên tâm cống hiến và học sinh cũng có cơ hội học tập tích cực chuyên sâu phát huy năng lực, khả năng của bản thân. Cái cuối cùng là chất lượng. Nếu cấm dạy thêm mà chất lượng đi lên, thầy cô và học sinh hạnh phúc thì đó là một thắng lợi lớn của chính sách. Muốn làm được điều đó chắc chắn cần giải pháp tổng thể.
Trinh Phúc /Nhà báo và Công luận