Hà Nội, ngày cuối tháng 7/2025, một bức thư tay dài 4 trang, nắn nót từng dòng bằng nét chữ mảnh mai nhưng đầy quyết tâm đã được gửi đến bác sĩ Nguyễn Hồng Kỳ cùng tập thể y bác sĩ khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Lá thư mộc mạc nhưng sâu sắc như một ngọn lửa ấm kể lại hành trình giành lại sự sống từ tay tử thần chan chứa lòng biết ơn sâu sắc từ người nhà bệnh nhân từng rơi vào tình trạng nguy kịch vì viêm màng não và nhiễm khuẩn đường huyết.
Hành trình sự sống giữa ranh giới mong manh
Câu chuyện xúc động được viết nên bởi chị Lý Thị Nhạn, người thân của bệnh nhân Vy Thị Bình, người dân tộc thiểu số đến từ vùng biên giới Lạng Sơn. Trong thư, chị Nhạn kể lại khoảng thời gian hơn hai tháng đầy biến động khi mẹ chị nằm điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, nơi mỗi nhịp thở của bệnh nhân là một cuộc chiến sinh tử, và mỗi quyết định y khoa là một lần thử thách của niềm tin.

Chị Lý Thị Nhạn – người thân bệnh nhân Vy Thị Bình
Được biết, mẹ chị Nhạn không chỉ mắc viêm màng não và nhiễm khuẩn đường huyết mà còn mang theo nhiều bệnh nền khác, khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng. Đã có những khoảnh khắc, gia đình chị gần như buông xuôi hy vọng, khi sinh mệnh của mẹ như sợi chỉ mong manh trước gió. Nhưng chính trong những giờ phút tưởng chừng tăm tối nhất, họ đã cảm nhận được ánh sáng từ sự tận tụy không ngơi nghỉ của đội ngũ y bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ Nguyễn Hồng Kỳ, người không chỉ đóng vai trò người điều trị mà còn là người đồng hành, lặng lẽ sát cánh như một người thân ruột thịt.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Kỳ (bên trái) cùng bác sỹ Phạm Văn Phúc – Phó Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương trong một ca trực
“Tôi chưa từng thấy bất kỳ y bác sĩ nào lại nhớ từng cơn sốt, từng biểu hiện nhỏ nhất của bệnh nhân như bác sĩ Kỳ” chị Nhạn chia sẻ. Dù bận rộn, nhưng mỗi sáng bác sĩ vẫn ghé từng giường bệnh, hỏi han nhẹ nhàng “Đêm qua bà có sốt không? Có gì bất thường không?” – những câu hỏi tưởng như đơn giản ấy lại là biểu hiện của sự chăm sóc từ trái tim. Chị Nhạn kể, vào những buổi chiều muộn, áo blouse trắng thấm ướt mồ hôi nhưng bác sĩ Kỳ vẫn miệt mài đi dọc từng giường bệnh chỉ để kiểm tra dây truyền, các thông số máy móc với ánh mắt đau đáu, để không bỏ sót một sơ suất nhỏ nào như thể đang giữ lấy một điều gì đó vô giá.
Niềm tin vào điều kỳ diệu mang tên “tình người”

Bức thư tay dài 4 trang đầy xúc động
Điều khiến bức thư chạm đến trái tim nhiều người không chỉ là câu chuyện giành giật sự sống, mà là tình người hiện diện một cách giản dị, chân thành qua từng hành động, từng cái siết tay động viên, từng ánh mắt ân cần. Chị Nhạn gọi đó là “phép màu” – một điều kỳ diệu không đến từ đâu xa mà chính từ lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm và tình cảm của các y bác sỹ đối với bệnh nhân. Nhờ sự tận tâm ấy đã “giữ lại một sự sống, nuôi lớn một hy vọng” để chị Nhạn “có thể tiếp tục nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc của mẹ mình” và dành trọn niềm tin vào những điều tốt đẹp không bao giờ tắt lịm.
Có những chiến công không cần đến những tiếng pháo hoa rực rỡ, mà âm thầm trong từng hơi thở được níu giữ, trong từng giọt nước mắt hạnh phúc của người thân. Có những phép màu không đến từ phép thuật, mà từ đôi tay và trái tim của những người khoác áo blouse trắng. Lá thư của chị Nhạn không chỉ là lời cảm ơn, mà còn là lời nhắc nhở đầy nhân văn về giá trị của tình người, đó là thứ ánh sáng kỳ diệu soi rọi qua mọi nỗi đau. Trong nhịp sống hiện đại, giữa bao biến động, vẫn còn đó những câu chuyện bình dị nhưng lay động lòng người – nơi lòng biết ơn được viết thành chữ, nơi tình yêu thương được hồi sinh từ bệnh tật. Và chính những điều ấy mới là “thuốc chữa lành” lớn nhất của thời đại.
Lưu Ly