TP.HCM đang liên kết với Đồng bằng sông Cửu Long lên ý tưởng cho 22 tuyến du lịch đường sông nhằm đẩy mạnh doanh thu, phát huy thế mạnh của miền sông nước.
Theo định hướng mới nhất giữa TP.HCM – ĐBSCL, du lịch đường sông sẽ chọn 4 trung tâm trung chuyển hành khách lớn, cảng du thuyền Mỹ Tho (Tiền Giang), bến cảng hành khách Vĩnh Long (Vĩnh Long), bến tàu khách du lịch Cần Thơ (Cần Thơ) và bến tàu du lịch Châu Đốc (An Giang). 22 tuyến du lịch đường sông sẽ kết nối với 4 trung tâm này.
ĐBSCL và TP.HCM lên kế hoạch khai thác 22 tuyến du lịch đường sông. Ảnh: Kim Loan
Theo Sở Du lịch TP HCM, mạng lưới giao thông đường thủy TP.HCM có 101 tuyến, tổng chiều dài 913 km, 73 cảng, bến phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch, với khoảng 135 tài nguyên phục vụ du lịch đường thủy.
Lợi thế của thành phố với 4 tuyến sông chính là Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu và Soài Rạp chảy qua tạo ra mạng lưới đường thủy liên tuyến kết nối với Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và đặc biệt là ĐBSCL.
Trong khi đó, vùng ĐBSCL nổi bật với hệ thống kênh rạch dày đặc, là nơi lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái và khám phá văn hóa sông nước, chợ nổi như: Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng (TP Cần Thơ), Ngã Bảy (Hậu Giang)…
Nhiều khu vực sông nước ĐBSCL có hệ sinh thái đa dạng, là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật quý hiếm nên không chỉ là những điểm du lịch sinh thái nổi tiếng mà còn góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường tự nhiên.
Với tiềm năng như vậy, những năm qua, nhiều địa phương đã bước đầu chú trọng phát triển du lịch đường sông và đạt được những thành công nhất định. Trong đó phải kể đến du lịch trên dòng sông Vàm Cỏ (Long An), sông Tiền (Tiền Giang), sông Cổ Chiên (Vĩnh Long), sông Hàm Luông (Bến Tre), sông Hậu (An Giang - Cần Thơ), sông Sài Gòn - sông Soài Rạp - sông Nhà Bè (TP HCM)…
Đặc biệt, tại TP HCM hiện khai thác gần 60 tuyến du lịch đường thủy tầm ngắn (độ dài tuyến dưới 10 km), tầm trung (độ dài tuyến dưới 60 km), tầm xa (độ dài tuyến trên 60 km).
Năm 2024, lượng khách đến ĐBSCL ước đạt trên 52 triệu lượt, tổng thu từ du lịch đạt trên 62.000 tỉ đồng. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ, các sản phẩm đặc trưng của ĐBSCL là du lịch sinh thái, văn hóa sông nước, miệt vườn, nghỉ dưỡng và biển đảo.
Trong nhiều năm qua, nhằm thu hút khách du lịch và gia tăng sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của các điểm đến ở phía Nam, TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL đã liên kết, hợp tác xây dựng nhiều sản phẩm, góp phần gia tăng lượng khách đến với vùng.
Trước hết, TP.HCM và các địa phương ĐBSCL đang thảo luận chính sách thuận lợi, tháo gỡ các rào cản pháp lý về đầu tư, quy hoạch thuê đất.
Đối với các bến bãi hiện hữu đang tiếp tục tục đầu tư thêm không gian và các dịch vụ du lịch đi kèm. Đầu tư cải tạo, đặt báo hiệu để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa. Xây dựng các bờ kè bảo vệ, đặc biệt các đoạn bờ đang bị sạt lở.
Về phương tiện vận chuyển đường sông thì đầu tư phù hợp với lịch trình tuyến và đa dạng hóa để tạo nên sự phong phú cho sản phẩm du lịch đường sông với các loại, như: cano, tàu tham quan, tàu có lưu trú, du thuyền...
Thủy Tiên /Nhà báo và Công luận