Để tiếp tục thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân, cần tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong đó cần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng các mô hình chuyển đổi xanh, kinh doanh bền vững.
Theo Tổng cục Thống kê, một trong những xu hướng nổi lên mạnh mẽ nhất trong năm 2024 là chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và bền vững. Công nghệ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong sự thay đổi của nền kinh tế toàn cầu. Sự thay đổi này không chỉ liên quan đến việc cắt giảm phát thải carbon, phát triển công nghệ sạch, mà còn liên quan đến sự chuyển dịch trong các lĩnh vực khác, từ năng lượng tái tạo, giao thông sạch, nông nghiệp bền vững.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng số, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và công nghệ mới, đang tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và quốc gia trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và tạo ra mô hình kinh doanh sáng tạo.
Bên cạnh đó cần tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó cần sớm hoàn thiện các chính sách như: Hoàn thiện khung khổ pháp lý về cá nhân kinh doanh theo hướng thừa nhận là một bộ phận của kinh tế tư nhân tại Việt Nam thông qua việc bổ sung mô hình cá nhân kinh doanh tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi);
Hoàn thiện quy định về trách nhiệm, cách thức thực hiện, thu thập, cập nhật, lưu giữ thông tin chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) để đảm bảo thời hạn cam kết của Việt Nam với Lực lượng đặc nhiệm Tài chính về chống rửa tiền (FATF) và tăng mức độ tín nhiệm, cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư của nền kinh tế nói chung, hoạt động kinh tế đối ngoại của các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng;
Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hợp tác và các loại hình khác theo quy định của pháp luật, đặc biệt đối với các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật…
Hoàn thiện cơ chế trao đổi, chia sẻ, kết nối thông tin về doanh nghiệp giữa cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhằm mục đích:
Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập để tiến tới “tự động hóa”;
Tăng cường chất lượng dữ liệu về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, phục vụ công tác điều hành của Lãnh đạo Bộ, xây dựng báo cáo phát triển kinh tế, xã hội, đề xuất các chính sách quản lý, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Chính phủ đã chỉ đạo cần có các giải pháp tăng cường kiểm soát, quản lý việc thành lập doanh nghiệp, ngăn chặn việc lợi dụng thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động để trốn thuế, lừa đảo, khai khống vốn điều lệ. Do vậy, việc chia sẻ thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp là rất cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nhận biết sớm rủi ro để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm của doanh nghiệp, cảnh báo, nâng cao ý thức, tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; giúp Chính phủ có thông tin để xây dựng chính sách phát triển kinh tế xã hội; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Nam Dương /Chất lượng Việt Nam