Các chuyên gia năng suất cho biết, năng suất và khả năng cạnh tranh có mối quan hệ nhân quả. Trong mối quan hệ năng suất và khả năng cạnh tranh thì năng suất là cơ sở cho cạnh tranh lâu dài và bền vững.
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cạnh tranh là giành ưu thế nhằm mở rộng thị phần, bán được nhiều hàng hoá, dịch vụ hơn và thu lợi nhuận nhiều hơn. Ở quy mô quốc gia, khả năng cạnh tranh chủ yếu được tích tụ từ sức cạnh tranh của các doanh nghiệp kết hợp với một số yếu tố khác như chiến lược, chính sách và những vấn đề quản lý vĩ mô.
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, các chỉ tiêu được quan tâm xem xét khi đánh giá khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp là: Năng suất; Công nghệ; Hiệu quả sản xuất và tiêu thụ hàng hoá dịch vụ; Giá; Hệ thống phân phối; Sự ổn định các nguồn cung ứng đầu vào.

Năng suất được coi là một trong những yếu tố quan trọng tác động tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong việc tạo ra hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao. (Ảnh minh họa)
Như vậy, năng suất được coi là một trong những yếu tố quan trọng tác động tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong việc tạo ra hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao với giá thành rẻ đảm bảo sự tăng trưởng và lợi nhuận. Các tổ chức thành công thường nhìn nhận năng suất là động lực phát triển và cải tiến năng suất là con đường tiến tới tầm nhìn, mục tiêu của doanh nghiệp.
Phân tích về năng suất với khả năng cạnh tranh, các chuyên gia năng suất cho biết, năng suất và khả năng cạnh tranh có mối quan hệ nhân quả. Trong mối quan hệ năng suất và khả năng cạnh tranh thì năng suất là cơ sở cho cạnh tranh lâu dài và bền vững.
Theo quan niệm truyền thống, khả năng cạnh tranh phụ thuộc vào những lợi thế so sánh về nguồn tài nguyên và nhân lực. Nhưng ngày nay, điều này không giải thích được cho những nước có nguồn tài nguyên nghèo nàn nhưng khả năng cạnh tranh lại cao. Vì vậy, khả năng cạnh tranh phải được tạo ra từ năng suất cao hơn trong quản lý, sử dụng tối ưu nguồn lực thông qua tăng năng suất và hiệu quả của tài sản và quá trình.

Năng suất là cơ sở cho doanh nghiệp cạnh tranh lâu dài và bền vững. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh tăng lên phụ thuộc vào hai yếu tố là giảm chi phí và tăng mức thoả mãn nhu cầu. Việc tăng khả năng cạnh tranh lại tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị phần, tăng sức mạnh kinh tế, tiêu chuẩn sống cao hơn, tăng khả năng đầu tư vào tài sản và quá trình. Điều đó lại tạo điều kiện cho tăng năng suất và làm tăng khả năng cạnh tranh. Đây là mối quan hệ trong trạng thái động và phát triển không ngừng.
Mai Phương /Chất lượng Việt Nam