Nội chiến Syria một lần nữa trở thành tâm điểm của sự chú ý sau khi liên minh phiến quân tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào thành phố lớn thứ hai ở Syria - Aleppo. Cuộc tấn công đánh dấu lần đầu tiên lực lượng đối lập chiếm được lãnh thổ ở Aleppo kể từ năm 2016, phá vỡ thế bế tắc của cuộc chiến chưa bao giờ chính thức kết thúc. Cuộc xung đột mới này gây ra những hậu quả sâu rộng không chỉ ở khu vực mà còn có nguy cơ lan rộng hơn.
Chuyện gì đã xảy ra trong cuộc nội chiến ở Syria?
Vào thời điểm đỉnh cao của Mùa xuân Ả Rập năm 2011, những người biểu tình ủng hộ dân chủ đã xuống đường ở Syria kêu gọi lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Khi lực lượng của Assad đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ, một lực lượng đối lập vũ trang bắt đầu hình thành, bao gồm các lực lượng dân quân nhỏ và một số người đào tẩu khỏi quân đội Syria.
Các lực lượng đối lập - phi tập trung, bao gồm các hệ tư tưởng, nhưng có mục tiêu chung là lật đổ Assad - được các thế lực nước ngoài hỗ trợ theo nhiều cách khác nhau, bao gồm nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia trong khu vực như Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, cũng như Hoa Kỳ.
Khi lực lượng chống chính phủ lớn mạnh, các đồng minh của Syria là Iran và Nga đã tăng cường hỗ trợ Syria. Trên bộ, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran cũng như lực lượng ủy nhiệm Hezbollah của Lebanon đã giúp Syria chống lại các nhóm phiến quân vũ trang. Trên bầu trời, không quân Syria được tăng cường bởi máy bay chiến đấu của Nga.
Những người theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan bao gồm cả al Qaeda đã quan tâm đến Syria, theo đuổi mục tiêu chung với phe đối lập ôn hòa của Syria, những người không hoan nghênh sự tham gia của các chiến binh thánh chiến.
Nhưng đến năm 2014, những kẻ cực đoan đã thống trị và ISIS bắt đầu càn quét khắp đất nước. Lo sợ Syria sẽ trở thành ổ khủng bố thường trực, một liên minh quốc tế do Hoa Kỳ dẫn đầu đã vào cuộc với mục tiêu tiêu diệt nhóm này nhưng không đối đầu với chế độ Syria.
Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - một đối tác của Hoa Kỳ gồm các chiến binh người Kurd - đã chiến đấu chống lại ISIS, sau đó cơ bản đã chấm dứt sự tồn tại về mặt lãnh thổ của nhóm này.
Năm 2020, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí ngừng bắn tại tỉnh Idlib, tỉnh cuối cùng do phe đối lập kiểm soát, đồng ý thiết lập hành lang an ninh với các cuộc tuần tra chung.
Không có sự bùng phát lớn nào kể từ đó, nhưng chính phủ Syria không bao giờ lấy lại được toàn bộ lãnh thổ của mình. Và sự kiện ở Aleppo mới đây cho thấy, sự kháng cự có vũ trang không bao giờ biến mất.
Tại sao cuộc xung đột lại bùng phát vào lúc này?
Cuộc tấn công của phiến quân bắt đầu vào ngày 27/11, sau khi quân nổi dậy thành lập một liên minh mới mang tên “Bộ chỉ huy tác chiến quân sự”. Họ nhanh chóng tràn qua các ngôi làng bên ngoài Aleppo và kiểm soát phần lớn thành phố mà hầu như không gặp phải sự kháng cự nào.
Để đáp trả bước tiến của phiến quân, lực lượng không quân Nga và Syria đã tiến hành một cuộc tấn công vào các tỉnh Aleppo và Idlib.
Các chiến binh cho biết họ đang tìm cách giải phóng lãnh thổ bị chiếm đóng và đang đáp trả các cuộc tấn công ngày càng tăng của lực lượng chính phủ và các nhóm dân quân thân Iran. Phe nổi loạn có thể đang tìm cách lợi dụng một chính phủ suy yếu khi các đồng minh chủ chốt của họ đang bận tâm với các cuộc xung đột khác.
Nga là đối tác chính của Assad nhưng hiện đang lao vào cuộc chiến với Ukraine và đã đổ nhân lực và tài nguyên vào cuộc chiến từ năm 2022. Trong khi đó, Iran đã phải hứng chịu một loạt các cuộc tấn công từ Israel, đặc biệt là giáng những đòn nặng nề vào Hezbollah. Các nhà phân tích cho rằng quân nổi dậy Syria đang lợi dụng khoảng trống do nhóm này để lại để tiến vào Syria.
Việc mất Aleppo đánh dấu một bước thụt lùi đáng kể cho lực lượng của Assad. Từng là thành phố lớn nhất Syria về dân số và là thủ đô kinh tế, đây là một trong những thành phố có người ở lâu đời nhất trên thế giới. Aleppo cũng là thành trì chính của quân nổi dậy cho đến khi Assad tiếp quản vào năm 2016. Với việc quân nổi dậy giành lại thành phố này, họ không còn bị dồn vào chân tường ở Idlib nữa, điều này có khả năng gây ra hiệu ứng domino ở các khu vực khác của đất nước.
Phiến quân là ai?
Nhóm mới này bao gồm nhiều lực lượng đối lập khác nhau, từ các phe phái Hồi giáo cho đến những người ôn hòa. Dẫn đầu nhóm là Hayat Tahrir al-Sham (HTS), một chi nhánh cũ của al Qaeda tại Syria và từng có tên là Mặt trận Al-Nusra.
Nhóm này được cho là đã chính thức cắt đứt quan hệ với al Qaeda và là người cai trị trên thực tế ở Idlib. Họ đã được các nhóm được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và những nhóm khác trước đây được Hoa Kỳ hậu thuẫn gia nhập.
Tình hình trở nên phức tạp hơn khi một số nhóm phiến quân cũng đang chiến đấu với Lực lượng Dân chủ Syria.
Quân đội Syria Tự do do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, là một phần của liên minh phiến quân đã kiểm soát hầu hết Aleppo, cho biết họ đã giành được quyền kiểm soát thành phố Tal Rifaat, các thị trấn Ain Daqna và Sheikh Issa ở phía bắc của Aleppo. Họ cũng tuyên bố đã chiếm được các làng Shaaleh và Nairabiyyeh ở vùng nông thôn phía bắc Aleppo. Những vùng lãnh thổ đó trước đây không do chính quyền Bashar al-Assad nắm giữ mà do Lực lượng Dân chủ Syria nắm giữ.
Lực lượng Dân chủ Syria phần lớn bao gồm các chiến binh người Kurd thuộc một nhóm được gọi là Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG), bị nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ coi là một tổ chức khủng bố.
Syria phản ứng thế nào?
Máy bay phản lực của Syria và Nga đã tấn công quân nổi dậy ở Aleppo và Idlib, một chiến thuật đóng vai trò quan trọng trong việc giành lại lãnh thổ trong cuộc nội chiến.
Assad đã thề rằng Syria sẽ tiếp tục “bảo vệ sự ổn định và toàn vẹn lãnh thổ của mình trước mọi kẻ khủng bố và những người ủng hộ chúng”. Bộ quốc phòng Syria cho biết đang chuẩn bị tiến hành một cuộc phản công. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa rõ ràng về khả năng hoặc thiện chí ứng phó của chính phủ và điều này sẽ phụ thuộc phần lớn vào sự hỗ trợ mà những người ủng hộ chính có thể mang lại.
Có những dấu hiệu cho thấy các đồng minh của Syria đang tập hợp xung quanh chính phủ này, khi nhà ngoại giao hàng đầu của Iran Abbas Araghchi đã tới Damascus từ Tehran vào Chủ nhật vừa qua.
Với việc quân nổi dậy kiểm soát Aleppo, bao gồm các địa điểm quân sự quan trọng và sân bay, bất kỳ cuộc phản công nào cũng sẽ rất khó khăn đối với quân đội Syria. Thành phố này đã trụ vững trong gần 2 năm dưới sự bao vây gần như liên tục của lực lượng chính phủ trước khi bị kiểm soát vào năm 2016.
Đâu là nguyên nhân?
Theo một phân tích trên RT, những cuộc tấn công của phiến quân, rõ ràng được Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ và Israel ủng hộ, đánh dấu nỗ lực mới nhất nhằm làm mất ổn định Syria và làm suy yếu “Trục kháng chiến” chống lại Israel. Điều đáng chú ý là những cuộc tấn công này bắt đầu ngay sau cái gọi là lệnh ngừng bắn giữa Lực lượng kháng chiến Lebanon, Hezbollah và Israel.
Một lý do có thể xảy ra, đó là sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ để gây sức ép buộc Tổng thống Syria Bashar Assad xem xét lại lập trường của mình về các cuộc đàm phán bình thường hóa với Ankara. Assad trước đây đã từ chối bất kỳ cuộc đàm phán nào như vậy, trong khi lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ở Syria, và theo một số nhà phân tích, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có thể đã giúp leo thang hành động quân sự để ép buộc Assad thay đổi quyết định.
Một động cơ khác cho cuộc tấn công có thể là để cắt đứt Hezbollah khỏi các tuyến tiếp tế trong thời gian ngừng bắn với Israel. Từ Damascus, nhà báo người Anh Vanessa Beeley đã viết: “Cuộc tấn công này đã được nói đến và lên kế hoạch từ khi Israel bắt đầu xâm lược Lebanon... Bây giờ Syria sẽ là mục tiêu phá hủy bởi nới đây được cho là các tuyến tiếp tế vũ khí và cơ sở sản xuất nhằm tái vũ trang cho Hezbollah trong thời gian ngừng bắn. Sẽ có những nỗ lực phá hủy cơ sở hạ tầng như cầu, đường bộ đưa vật liệu từ Iran, qua Iraq và Syria đến Lebanon. Điều này bao gồm các tuyến tiếp tế cứu trợ nhân đạo thiết yếu.”
Không có gì ngạc nhiên khi có những lời kêu gọi trên mạng xã hội đòi lật đổ Tổng thống Assad; những lời kêu gọi tương tự đã từng xuất hiện trong chiến dịch tâm lý do phương Tây dàn dựng, trong đó những người dân thiếu hiểu biết trên khắp thế giới đã ủng hộ một “cuộc cách mạng” đẫm máu vào năm 2011.
Đó chưa bao giờ là một cuộc cách mạng. Loại cách mạng nào phá hủy nền văn hóa, di sản và công dân của chính mình? - Eva Bartlett, một nhà báo độc lập người Canada chuyên đưa tin về xung đột ở Trung Đông, đặt câu hỏi.
TD-MD /Báo Thanh Hoá