Trung Quốc đang làm gì để ứng phó với Trump 2.0?

08:56 | 22/02/2025
Ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã bắt đầu thúc đẩy quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Và chiến lược ứng phó thông qua đa dạng hóa xuất khẩu cũng như tăng cường đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đang xúc tiến việc tái định hình chuỗi cung ứng ấy.

Căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục thay đổi cục diện chuỗi cung ứng toàn cầu

Trong một nhận định mới đây, các chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định tình hình quan hệ thương mại Mỹ – Trung dần thể hiện xu hướng tách rời rõ nét, khi các chính sách kiểm soát xuất khẩu và áp dụng thuế quan ngày càng được siết chặt.

Từ 3/12/2024, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố hai biện pháp quan trọng: bắt đầu vòng kiểm soát xuất khẩu thứ ba đối với chất bán dẫn tiên tiến và khởi động cuộc điều tra theo Mục 301 đối với ngành chip cũ của Trung Quốc vào ngày 23/12/2024. Những động thái này cho thấy nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm hạn chế sự chuyển giao công nghệ quan trọng, đồng thời phản ánh mức độ căng thẳng đang gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đến khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2025, quan hệ thương mại Mỹ - Trung đã chứng kiến những căng thẳng gia tăng. Ngày 1/2/2025, Tổng thống Trump áp đặt mức thuế bổ sung 10% lên tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, với lý do ngăn chặn dòng chảy fentanyl vào Mỹ. Đáp lại, Trung Quốc áp thuế từ 10% đến 15% lên các mặt hàng năng lượng và sản phẩm chế tạo của Mỹ, đồng thời mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google và hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng.

Ngày 13/2/2025, Tổng thống Trump ký bản ghi nhớ yêu cầu áp dụng thuế quan đối ứng với tất cả các đối tác thương mại, nhằm giải quyết các mối quan hệ thương mại không đối ứng. Những động thái này cho thấy chính quyền Trump đang theo đuổi chiến lược thương mại cứng rắn hơn với Trung Quốc, tập trung vào việc bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ.

Ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang thúc đẩy quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ năm 2022, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, đã được mở rộng nhằm hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp, vốn và nhân sự Mỹ vào quá trình phát triển công nghệ của Trung Quốc. Chính sách này góp phần làm thay đổi cơ cấu chuỗi cung ứng, khi các doanh nghiệp Mỹ và toàn cầu tìm kiếm các nguồn cung cấp ít rủi ro hơn về mặt chính trị và kinh tế.

Dữ liệu thương mại Mỹ giai đoạn 2017-2023 cho thấy sự suy giảm đáng kể thị phần nhập khẩu từ Trung Quốc trong bốn danh mục chính, bao gồm máy điện, máy móc thiết bị, thiết bị vận tải và sản phẩm công nghệ thông tin (ICT). Cụ thể, thị phần nhập khẩu ICT từ Trung Quốc của Mỹ đã giảm từ 58,3% năm 2017 xuống còn 36,6% năm 2023, trong khi đó, nguồn cung thay thế từ các thị trường Mexico, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) đang dần được ưu tiên. Tương tự, thị phần nhập khẩu máy điện và máy móc thiết bị  từ Trung Quốc cũng giảm còn lần lượt 19,5% và 14,9%, thay vào đó là nguồn nhập khẩu từ Mexico, Hàn Quốc và Việt Nam.

Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng này còn được phản ánh rõ qua dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc, với mức giảm 8,0% so với cùng kỳ năm trước vào năm 2023 và tiếp tục giảm mạnh gần 30% trong năm 2024 chỉ còn 826 tỷ NDT. Các dữ liệu này cho thấy sự thận trọng ngày càng gia tăng của các nhà đầu tư trong bối cảnh rủi ro thương mại và địa chính trị đang gia tăng, từ đó tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Theo các chuyên gia VDSC, bên cạnh các yếu tố ngoại giao, nền kinh tế Trung Quốc cũng đang đối mặt với những thách thức nội tại đáng kể khiến góp phần vào xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy dân số của Trung Quốc giảm từ đỉnh 1,412 tỷ người năm 2021 xuống còn 1,408 tỷ người vào cuối năm 2024, đồng thời tỷ lệ sinh giảm mạnh từ 13,83 trẻ/1.000 người năm 2013 xuống chỉ còn 6,39 trẻ/1.000 người vào năm 2024. Sự sụt giảm này kéo theo tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cũng giảm dần, chỉ đạt 75,93% vào năm 2023.

Trong bối cảnh đó, mức lương bình quân hàng tháng tại Trung Quốc đã tăng lên 1.392 USD vào năm 2024, vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh như Mexico (870 USD), Ấn Độ (253 USD) và các nước ASEAN như Malaysia (779 USD), Indonesia (187 USD), Việt Nam (331 USD) hay Thái Lan (442 USD). Sự gia tăng chi phí lao động này đang thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các thị trường có chi phí thấp hơn, đặc biệt trong các ngành thâm dụng lao động như dệt may và lắp ráp điện tử.

Phản ứng của Trung Quốc: Đa dạng hóa xuất khẩu, tăng cường đầu tư ra nước ngoài

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng, chiến lược ứng phó của Trung Quốc tập trung vào đa dạng hóa xuất khẩu và tăng cường đầu tư (FDI) ra nước ngoài thay vì xu hướng đón FDI như trước đây.

Cụ thể, về đa dạng hóa xuất khẩu, có thể thấy từ năm 2019, sau khi hàng điện tử tiêu dùng được đưa vào danh sách thuế quan 3 theo chính quyền Trump, lĩnh vực xuất khẩu các sản phẩm linh kiện điện tử trung gian của Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, giá trị xuất khẩu các linh kiện điện tử – bao gồm chất bán dẫn, mạch in và mạch tích hợp – đã tăng từ 63,3 tỷ NDT năm 2014 lên 161,9 tỷ NDT năm 2024. Đồng thời, ngành máy tính và linh kiện cũng ghi nhận mức tăng từ 306,1 tỷ NDT năm 2014 lên 519,7 tỷ NDT năm 2024. Điều này phản ánh xu hướng chuyển đổi chiến lược sản xuất của các nhà sản xuất Trung Quốc từ lắp ráp sản phẩm cuối cùng sang sản xuất các sản phẩm trung gian có giá trị gia tăng cao, sau đó xuất khẩu sang các đối tác thương mại lớn của Mỹ để lắp ráp tại đó.

Song song với việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh xây dựng ba trụ cột xuất khẩu mới gồm pin năng lượng, pin mặt trời và ô tô, nhằm thay thế các sản phẩm chủ lực trước đây. Giá trị xuất khẩu của các sản phẩm này đã tăng từ 54,9 tỷ NDT năm 2014 lên 146,1 tỷ NDT năm 2024.

“Mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ có dấu hiệu trì trệ kể từ năm 2017, nhưng các thị trường thay thế như ASEAN và Mexico lại cho thấy mức tăng trưởng xuất khẩu gấp đôi, cho thấy sự điều chỉnh chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường”, báo cáo của VDSC nhận định.

Song song đó, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc cũng đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực trong bối cảnh toàn cầu hóa chuỗi cung ứng. Từ năm 2016, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc luôn duy trì mức đóng góp FDI thế giới trên 10%.

“Trong khi trước đây Trung Quốc chủ yếu là nước tiếp nhận FDI, thì hiện nay quốc gia này đang dần chuyển mình trở thành nguồn đóng góp FDI đáng kể, đặc biệt nổi bật ở khu vực ASEAN. Điển hình, các khoản đầu tư ra nước ngoài đã đạt mức 177,3 tỷ USD năm 2023 tạo điều kiện cho hình thành một mạng lưới chuỗi cung ứng do Trung Quốc dẫn đầu, cạnh tranh trực tiếp với các hệ thống chuỗi cung ứng truyền thống do phương Tây và Nhật Bản thiết lập”, VDSC nhận định.

Một số ví dụ cụ thể cho thấy các công ty Trung Quốc đang đẩy mạnh quá trình mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong lĩnh vực dệt may, công ty Shenzhou đã đầu tư 700 triệu USD tại Việt Nam để tăng cường hiện diện. Tương tự, các tập đoàn công nghệ Trung Quốc chuyên về linh kiện điện tử như BOE, GoerTek, và Sunny Optical đang tích cực mở rộng hoạt động tại Việt Nam, trong khi Luxshare Precision đã thực hiện khoản đầu tư trị giá 1,53 tỷ USD tại Hải Phòng, Nghệ An và Bắc Giang. Bên cạnh đó, các công ty xe điện và pin lithium như BYD, Great Wall Motors, SAIC Motor và CATL cũng đang thiết lập cơ sở sản xuất ở nước ngoài tại Thái Lan và Indonesia, nhằm đặt nền móng cho chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu.

Theo các chuyên gia, từ góc độ chiến lược, Trung Quốc đang tận dụng kinh nghiệm từ “công xưởng của thế giới” để mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng của mình trên toàn cầu. Các biện pháp này thể hiện rõ nỗ lực của Trung Quốc trong việc giải quyết hoặc chống lại nguy cơ bị gạt ra ngoài lề trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, đồng thời tạo ra một bức tranh mới về cấu trúc kinh tế và đầu tư quốc tế trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt.

Diên Vỹ /Doanh Nhân Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Mỹ, Nga, châu Âu và Ukraine đều muốn xung đột Moskva - Kiev sớm kết thúc, nhưng mỗi bên có kỳ vọng khác nhau về đàm phán hòa bình.
18:32 | 22/02/2025
Thông tin Nga có thể đồng ý sử dụng tài sản bị đóng băng để hỗ trợ tái thiết Ukraine trước đây chưa từng xuất hiện.
18:28 | 22/02/2025
Các quan chức Ukraine và Mỹ đã họp mặt suốt đêm để thảo luận về một thỏa thuận khoáng sản đất hiếm song phương sửa đổi.
18:25 | 22/02/2025
Quan hệ giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump đang trở nên căng thẳng khi 2 bên liên tục đưa ra những phát ngôn chỉ..
18:20 | 22/02/2025
Theo cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến ​​sẽ đưa ra tuyên bố chiến thắng vào ngày 24/2, đúng dịp tròn 3 năm cu..
08:49 | 22/02/2025
Trong những ngày qua dư luận và truyền thông phương Tây đều dồn sự chú ý của mình đến cuộc đấu khẩu vô tiền khoáng hậu trên mạng xã hội của Tổng thống..
07:01 | 22/02/2025
Trước khi ấn định được thời gian cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ, giới chức hai bên lo ngại sẽ có những thế lực có thể tìm cách phá hoại. Ai ..
06:58 | 22/02/2025
Trong bối cảnh quan hệ xuyên Đại Tây Dương có nhiều biến động, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang chuyển hướng chiến lược, đặt cược vào sự hợp..
17:10 | 21/02/2025
Ứng cử viên Thủ tướng Đức từ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) cho rằng, NATO có thể không còn tồn tại dưới hình thức hiện nay và Hoa Kỳ có thể rời ..
17:06 | 21/02/2025
Nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky sẽ thua cựu Tổng Tư lệnh Ukraine, Valery Zaluzhny, với tỷ lệ cách biệt lớn nếu bầu cử tổng thống được tổ chức tại Ukrain..
16:29 | 21/02/2025

 

Giấy phép hoạt động Số 03 /GP - TTĐT
Sở TTTT Hải Phòng cấp ngày 06 /5 /2021
Trụ sở: 47 /384 Lạch Tray, P. Đằng Giang
Quận Ngô Quyền - Thành phố Hải Phòng
marketnews.vn@gmail.com /0905414241

BAN BIÊN TẬP - HÀNH CHÍNH & TRỊ SỰ
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Việt Thắng

VPĐD BẢN TIN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
N.Khách La Thành - Văn phòng Chính phủ
226 Phố Vạn Phúc, Q. Ba Đình, TP Hà Nội
Trưởng VP TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng

Tel: (024) 39 195195 * Mobile: 0965126212

icon facebook   icon-zalo   icon youtube   www.tiktok.com/@thitruongvietnam.vn   Chung nhan Tin Nhiem Mang

TRUYỀN THÔNG VÀ TỔ CHỨC SỰ KIỆN
Trưởng phòng PGS.TS Ngô Thị Bích Hồng

VP HCM: 138 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3
Trưởng VP TP. HCM Nhà báo Đinh Gia Cư
Tel: (028) 39181920 * Fax: (028) 39181920

(*)Không sao chép dưới mọi hình thức
Tra cứu  | Đường Dây nóng: 0905082014

Vận hành bởi Công ty TNHH Bản tin Thị trường Việt Nam
icon up