Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam, với hơn 86 triệu người dùng tính đến đầu năm 2025. Tuy nhiên, cùng với đó là những nguy cơ lừa đảo tinh vi, nhất là từ các trang Facebook có dáu tích xanh.
Cảnh báo thực trạng lừa đảo trên Facebook có tích xanh
Facebook hiện là nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam với hơn 86 triệu người dùng, tương đương khoảng 83,8% dân số tính đến đầu năm 2025. Ban đầu, dấu tích xanh – biểu tượng xác nhận tính “chính chủ” được cấp cho những tài khoản của người nổi tiếng, các thương hiệu lớn hay các tổ chức có uy tín, nhằm tạo niềm tin cho người dùng. Tuy nhiên, từ tháng 3/2023, khi Meta ra mắt dịch vụ Meta Verified cho phép bất kỳ ai có thể mua tích xanh với mức phí khoảng 12 USD/tháng, dấu tích xanh dần mất đi ý nghĩa “bảo chứng” duy nhất của các tài khoản nổi tiếng.
.jpg)
Đối tượng lợi dụng tích xanh để giả mạo tổ chức, người nổi tiếng nhằm mục đích xấu
Tại Việt Nam, nhiều dịch vụ đăng ký tích xanh “miễn phí” hoặc không yêu cầu xác minh thông tin đầy đủ đã bùng phát. Những kẻ lừa đảo lợi dụng niềm tin sẵn có của người dùng vào dấu tích xanh để tạo ra các fanpage giả mạo, mạo danh các cơ quan, tổ chức lớn như Bộ Tài chính, Cục An ninh, hay các thương hiệu nổi tiếng. Các trang Facebook giả mạo này thường sử dụng các mánh khóe để thay đổi tên, đổi danh tính quản trị viên hoặc thậm chí chuyển vùng quản lý sang các quốc gia khác nhằm che đậy nguồn gốc thật sự.
Trường hợp điển hình mời đây, trang Thông tin Chính phủ cảnh báo người dân về việc xuất hiện fanpage giả mạo Bộ Tài chính có tên "Tiếp nhận Xử lý Thu hồi và Hoàn Trả Vốn Treo" có tích xanh sử dụng hình ảnh và thông tin của Bộ Tài chính, tự nhận là đại diện Bộ Tài chính "thu hồi tiền" cho các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng. Trang này yêu cầu người dân nhắn tin cung cấp thông tin cá nhân và chuyển một khoản tiền "lệ phí" hoặc "chi phí xử lý" để nhận lại số tiền đã bị mất. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, trang này không thực hiện bất kỳ thao tác hỗ trợ hay liên hệ giải quyết nào.
Bộ Tài chính khẳng định, trang facebook "Tiếp nhận Xử lý Thu hồi và Hoàn Trả Vốn Treo" (hoặc tương tự) giả mạo Bộ Tài chính.
Thực tế cho thấy, chính sách của Facebook hiện tại còn tồn tại lỗ hổng trong việc quản lý và kiểm duyệt tích xanh, khiến kẻ gian có thể sở hữu và lợi dụng biểu tượng này để thực hiện các hành vi lừa đảo tinh vi.
Một trường hợp khác liên quan đến fanpage mạo danh Cục An ninh - Bộ Công an cũng đã gây sốt dư luận. Dù trang này có dấu tích xanh và lượt theo dõi cao, nhưng khi kiểm tra thông tin minh bạch của trang, người dùng nhận thấy có nhiều bất thường như lịch sử đổi tên không rõ ràng, danh sách quản trị viên không có địa chỉ cụ thể tại Việt Nam mà lại đến từ nước ngoài. Những dấu hiệu này đã được Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đăng bài cảnh báo. Cụ thể, cơ quan chức năng khẳng định trang nói trên là giả mạo, không thuộc đơn vị quản trị. Những vụ việc như vậy không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của nền tảng mà còn gây tổn thất kinh tế cho người dùng nếu không nhận diện kịp thời.
Trên thực tế, mục đích của các trang giả mạo không chỉ dừng lại ở việc bán hàng kém chất lượng, hàng không đúng như mô tả mà còn bao gồm các chiêu lừa đảo như đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, hay thậm chí lừa đảo qua các ứng dụng chứng khoán, Shopee, Lazada… Với sự phát triển của các công cụ tăng lượt tương tác ảo, nhiều trang Facebook giả mạo còn sử dụng các tài khoản được tạo tự động để “sáng tạo” sự tương tác, tạo ấn tượng rằng trang có lượng người theo dõi và phản hồi tích cực cao. Điều này càng làm cho những người dùng mới dễ dàng tin tưởng và trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo.
Dấu hiệu nhận biết trang Facebook giả mạo
Để tự bảo vệ mình khỏi các chiêu trò lừa đảo tinh vi này, người dùng cần nắm bắt một số dấu hiệu nhận biết trang Facebook giả mạo ngay cả khi chúng có dấu tích xanh. Dưới đây là một số cách kiểm tra hiệu quả:
1. Kiểm tra tính minh bạch của trang
Khi truy cập trang Facebook cần kiểm tra thông tin chi tiết bằng cách nhấn vào mục “Giới thiệu” và sau đó chọn “Tính minh bạch của trang”. Tại đây, người dùng có thể xem ngày thành lập, lịch sử đổi tên của trang và danh sách các quản trị viên. Một trang Facebook uy tín thường có thông tin rõ ràng, lịch sử ổn định và quản trị viên đến từ nhiều quốc gia (nếu đó là trang quốc tế) hoặc chủ yếu từ trong nước nếu liên quan đến cơ quan nhà nước. Ngược lại, nếu trang có lịch sử đổi tên liên tục, quản trị viên không rõ ràng hoặc đến từ nước ngoài trong trường hợp liên quan đến cơ quan Việt Nam, đây là dấu hiệu cảnh báo.
2. Kiểm tra lượt tương tác và phản hồi
Các trang giả mạo thường sử dụng các công cụ tăng lượt tương tác ảo như “like” hay bình luận từ các tài khoản không hoạt động hoặc mới được tạo. Người dùng nên mở danh sách người tương tác để kiểm tra xem có nhiều tài khoản giả mạo xuất hiện hay không. Những tài khoản này thường có thông tin cá nhân mỏng manh, không có ảnh đại diện rõ ràng và không có hoạt động tương tác lâu dài trên Facebook.
3. Chú ý khi nhấn vào các liên kết bên ngoài
Các trang giả mạo thường chia sẻ các đường link dẫn đến trang web ngoài với giao diện rất giống trang web chính thức nhằm mục đích lừa đảo thông tin cá nhân. Trước khi nhập thông tin hoặc đăng nhập, hãy kiểm tra kỹ địa chỉ website (URL). Địa chỉ sai sót dù chỉ vài ký tự như “facebooks.com” hay “facbook.com” so với trang chính thức sẽ là dấu hiệu rõ ràng của trang giả mạo. Ngoài ra, lưu ý rằng các trang web thật thường sử dụng giao thức HTTPS, giúp bảo mật thông tin người dùng.
4. Xem xét nội dung và cách thức quảng cáo
Các trang giả mạo thường có nội dung quảng cáo hấp dẫn, nhưng lại thiếu đi tính chuyên nghiệp và nhất quán. Nếu một trang Facebook liên tục đăng bài với nội dung “siêu hot” nhưng lại có dấu hiệu ngôn từ không mạch lạc, hình ảnh chất lượng thấp hay thiếu thông tin liên hệ chính thức, đó có thể là dấu hiệu của trang lừa đảo. Hãy cân nhắc kỹ trước khi giao dịch hoặc chia sẻ thông tin cá nhân.
5. Lưu ý về mức phí và hình thức thanh toán
Một số trang giả mạo có thể yêu cầu thanh toán qua các kênh không an toàn, hoặc đưa ra mức giá quá rẻ so với mặt bằng chung nhằm thu hút người dùng. Khi có giao dịch, hãy ưu tiên các phương thức thanh toán có chính sách hoàn tiền hoặc có sự đảm bảo từ bên thứ ba.
Dấu tích xanh trên Facebook vốn là biểu tượng của sự uy tín, nhưng với những lỗ hổng hiện hành, nó không còn là bằng chứng duy nhất xác nhận tính chính chủ của một trang. Người dùng cần luôn tỉnh táo, kiểm tra kỹ các thông tin minh bạch, lượt tương tác và các liên kết ngoài trước khi quyết định giao dịch hay chia sẻ thông tin cá nhân. Việc chủ động tìm hiểu và nhận biết những dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp bạn tránh được nguy cơ trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi trên mạng xã hội.
Duy Trinh (t/h) /Chất lượng Việt Nam