Thời gian qua lực lượng chức năng các tỉnh đã liên tiếp triệt phá được nhiều đường dây bán thực phẩm chức năng thổi phồng công dụng là thuốc khiến hàng nghìn người 'sập bẫy'.
Điển hình mới đây nhất Công an tỉnh Nam Định đang thụ lý điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn tỉnh Nam Định và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đối tượng dùng chiêu trò núp bóng các công ty gọi điện tư vấn, thổi phồng tác dụng điều trị bệnh của các loại thực phẩm chức năng, mỹ phẩm.
Cầm đầu đường dây này là vợ chồng Trần Thị Thu P. (sinh năm 1996) và Nguyễn Mạnh Tr. (sinh năm 1992, trú tại quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội). Vợ chồng trên thành lập Công ty TNHH NTA Group (công ty NTA), địa chỉ tại số 442 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Quá trình hoạt động, P. liên tục thành lập các công ty chi nhánh tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước với đăng ký kinh doanh buôn bán thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, các đối tượng lại hoạt động theo hình thức lừa đảo để chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Thực phẩm chức năng giả bị các đối tượng quảng cáo như thuốc chữa bệnh. Ảnh: Vietnamnet
Với kịch bản có sẵn, nhân viên các công ty này sẽ giả danh bác sĩ hoặc nhân viên của các trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều trị nám da, tiểu đường, xương khớp, gan, tóc, dạ dày... gọi điện hỏi thăm tình hình bệnh của khách hàng rồi chào mời mua các liệu trình điều trị bằng sản phẩm của Công ty NTA. Các gói liệu trình chính là các hộp thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hoàn toàn không có tác dụng trị bệnh.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh đã kiểm tra, sàng lọc có tổng cộng 11.979 mã đơn hàng đã giao dịch thành công, liên quan đến 7.402 khách hàng (bị hại) thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Công an tỉnh Nam Định đề nghị ai là bị hại trong vụ án, bị lừa theo phương thức thủ đoạn như trên hãy đến Phòng Cảnh sát hình sự trình báo để phục vụ công tác điều tra.
Tương tự trước đó Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Thanh Hóa đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nông Thị Hằng (37 tuổi, ngụ xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) về hành vi "sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng hỗ trợ chống đột quỵ quy mô lớn ở thành phố Hà Nội và Thanh Hóa do Nguyễn Thị Thịnh (46 tuổi, ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) cầm đầu.
Điều tra mở rộng vụ án, Công an thành phố Thanh Hóa đủ tài liệu, chứng cứ bắt tạm giam bị can Nông Thị Hằng về hành vi sản xuất hàng giả. Trong vụ án này, Hằng là người được Nguyễn Thị Thịnh thuê đóng gói thành phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ chống đột quỵ giả. Làm việc với cơ quan công an, Hằng khai nhận từ đầu năm 2023 đến khi bị bắt, bị can này được Thịnh thuê đóng gói khoảng 20.000 hộp thực phẩm chức năng giả, trị giá hơn 50 tỉ đồng để bán ra thị trường.
Theo Bộ Y tế, sở dĩ xuất hiện những tồn tại nêu trên là do việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn do sự phát triển của các hình thức quảng cáo qua mạng, đặc biệt khó khăn khi xử lý các vi phạm nhất là trên các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử chưa được cấp phép, các quảng cáo từ các máy chủ ở nước ngoài.
Ngoài ra, hiện nay cũng xuất hiện nhiều hình thức mua bán thực phẩm chức năng mới như tư vấn bán hàng qua điện thoại. Tại đây, các đối tượng đã “nghiêm trọng hóa tình trạng bệnh” để đe dọa, bán hàng. Hình thức này chỉ có người nghe và người tư vấn biết thông tin nên không giám sát, kiểm soát được nội dung và không thể ngăn chặn được phát ngôn của người quảng cáo.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho hay, việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn nhiều khó khăn do các thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả được sản xuất ở nước ngoài mang về nên cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan để quản lý. Việc quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm thực phẩm bổ sung và sản xuất, kinh doanh ngay sau khi tự công bố mà không cần có ý kiến của cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để thực hiện không đúng quy định, không gửi hồ sơ tự công bố đến cơ quan quản lý địa phương, công bố không đúng, không đầy đủ, thậm chí không công bố sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh, dẫn đến nhiều sản phẩm không được hậu kiểm và nguy cơ sản phẩm không bảo đảm an toàn.
An Dương (T/h) /Chất lượng Việt Nam