Cơ quan chức năng TP.HCM vừa ban hành quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Kovibe số tiền 80 triệu đồng do vi phạm liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh và quảng cáo tại địa điểm kinh doanh ở Quận 3.
Cụ thể, Viện Thẩm mỹ Quốc tế TK Korea (thuộc Công ty CP Thương mại Dịch vụ Kovibe) có địa chỉ tại số 7 Trần Quang Diệu, Phường 14, Quận 3, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ can thiệp vào cơ thể người nhưng không đủ điều kiện pháp lý.
Theo xác định của Thanh tra Sở Y tế, cơ sở này đã sử dụng thuốc, chất và thiết bị để thay đổi màu sắc da, hình dạng cơ thể và thực hiện các thủ thuật xâm lấn như xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Tuy nhiên, cơ sở này không phải là bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám chữa bệnh được cấp phép theo quy định.
Bên cạnh đó, Viện Thẩm mỹ Quốc tế TK Korea còn vi phạm quy định về quảng cáo khi sử dụng các từ ngữ như “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của pháp luật.
Với những hành vi vi phạm trên, Công ty CP Thương mại Dịch vụ Kovibe bị xử phạt hành chính số tiền 80 triệu đồng, đồng thời bị đình chỉ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn 4,5 tháng. Ngoài ra, đơn vị này buộc phải tháo gỡ, xóa bỏ các quảng cáo vi phạm.

TMV vi phạm liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh và quảng cáo
Ngoài xử phạt doanh nghiệp, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng ra quyết định xử phạt bà Đặng Ngọc Vĩnh Duy (địa điểm vi phạm tại 7 Trần Quang Diệu) số tiền 35 triệu đồng do hành nghề khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề.
Đáng chú ý, trước đó vào tháng 12/2023, Viện Thẩm mỹ Quốc tế TK Korea từng bị xử phạt 95 triệu đồng với các vi phạm tương tự và bị đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh cho đến khi được cấp giấy phép theo quy định.
Việc liên tiếp tái phạm của cơ sở này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng cơ sở thẩm mỹ không đủ điều kiện pháp lý nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe cho khách hàng.
Theo quy định, các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt trong lĩnh vực thẩm mỹ chỉ được phép hoạt động khi có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hợp lệ. Đồng thời, người trực tiếp hành nghề khám, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định của pháp luật.
Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ về tính pháp lý của các cơ sở thẩm mỹ trước khi sử dụng dịch vụ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và tránh các biến chứng nguy hiểm.
Liên quan đến tình trạng nhiều cơ sở thẩm mỹ bị xử phạt, TS. BS Trần Quang Hiền - Giám đốc Sở Y tế An Giang đã đưa ra những phân loại cụ thể và cảnh báo về rủi ro có thể gặp phải khi sử dụng dịch vụ thẩm mỹ không đảm bảo. Theo ông, cơ sở thẩm mỹ có thể chia thành ba nhóm chính, với mỗi nhóm có yêu cầu và mức độ quản lý khác nhau. Nhóm 1: Cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp: Là những cơ sở chăm sóc da (spa), tóc, móng… Những cơ sở này không sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì nên không thuộc quản lý của Sở Y tế.
Nhóm 2: Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Những cơ sở này chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND huyện, thị xã cấp (nếu loại hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép (nếu loại hình doanh nghiệp).
Nhóm 3: Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ là những cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ ngoại khoa (phẫu thuật thẩm mỹ) hoặc thẩm mỹ nội khoa có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể hoặc xăm, phun, thêu trên da, nhưng có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Những cơ sở này ngoài giấy phép kinh doanh, khi hoạt động phải bắt buộc được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật.
Người dân khi đến cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không giấy phép làm thủ thuật xâm lấn hay dùng thuốc có tác dụng dược lý, khả năng gặp rủi ro dị ứng thuốc dẫn đến phản ứng phản vệ với các cấp độ khác nhau. Tai biến thủ thuật có thể dẫn đến tàn phế hoặc nguy hiểm tính mạng sẽ cao hơn. Khi đó, người dân chẳng những không đạt mục đích làm đẹp theo ý muốn mà còn bị tổn thương, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.
Nhằm đảm bảo sức khỏe của bản thân mà vẫn phục vụ nhu cầu làm đẹp, người dân cần lựa chọn những cơ sở làm đẹp uy tín, chất lượng với bác sĩ, kỹ thuật viên tay nghề cao đã qua đào tạo, được cấp chứng chỉ bài bản, tránh ham rẻ, nghe quảng cáo để rồi "tiền mất tật mang".
An Nguyên /Chất lượng Việt Nam