Mức lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ (margin) ở các công ty chứng khoán hiện dao động từ 6 - 8%/năm, giảm gần một nửa so với mức 13 - 15%/năm của năm ngoái.
Từ đầu năm 2024 đến nay, “làn sóng” công ty chứng khoán “đua” cho vay margin (vay tiền của công ty chứng khoán để mua cổ phiếu) với lãi suất thấp diễn ra mạnh mẽ. Lãi suất vay margin hiện chỉ từ 6 - 8%/năm, giảm gần một nửa so với mức 13%-15%/năm của năm ngoái.
Cụ thể, Công ty Chứng khoán DNSE đang cho vay margin lãi suất từ 5,99% với gói vay Rocket X, thời gian 6 tháng. Với gói vay này, nhà đầu tư sẽ được miễn lãi suất trong vòng 10 ngày, lãi suất sau giai đoạn ưu đãi khoảng 15%/năm.
Còn Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam triển khai chương trình lãi suất 0% khi nhà đầu tư mở tài khoản ký quỹ từ ngày 19/2 đến 19/3, lãi suất 0% áp dụng cho 100 triệu đồng dư nợ đầu tiên. Yuanta Việt Nam còn triển khai nhiều gói margin khác với lãi suất từ 8 - 9%/năm với tiêu chí vay nhiều, lãi suất giảm...
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) cũng ra mắt chương trình khi khách hàng mở tài khoản mới từ nay tới ngày 31/3, gói margin ưu đãi lãi suất là 7,99%/năm với hạn mức dư nợ tối đa 500 triệu đồng/tài khoản.
VN-Index được kỳ vọng tiếp tục tăng khi đón mùa đại hội cổ đông của các doanh nghiệp niêm yết
Những công ty chứng khoán nằm trong top đầu càng không thể đứng ngoài cuộc. Chứng khoán SSI đang triển khai chương trình ưu đãi, hoàn lãi suất margin tới 50 triệu đồng; margin lãi suất 9%/năm áp dụng cho tài khoản khách hàng có dư nợ lớn và chính sách margin T+7 (miễn lãi suất trong 7 ngày đầu). Như vậy, nếu sử dụng margin liên tục trong khoảng 25 ngày đầu, lãi vay sẽ tốt hơn nhiều so với mức 13,5 - 15%/năm của các công ty khác.
Cùng với lãi suất margin thấp, nhiều công ty chứng khoán tiếp tục đẩy mạnh chính sách “zero fee” - phí 0 đồng để khuyến khích nhà đầu tư mở tài khoản, dùng đòn bẩy tài chính.
Trong Báo cáo chiến lược 2024, SSI cho rằng, lãi suất thấp kỷ lục sẽ là động lực tăng trưởng chính, đặc biệt đối với nhà đầu tư cá nhân. Tiền gửi tại ngân hàng vẫn đang tiếp tục tăng do các kênh đầu tư khác khá hạn chế. Dòng vốn này có thể quay lại thị trường chứng khoán trong các giai đoạn của năm 2024.
Các chuyên gia nhận định, cuộc đua giảm lãi suất margin giữa các công ty chứng khoán nhằm thu hút thêm nhà đầu tư mở tài khoản, tăng giao dịch để cạnh tranh thị phần.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, nhu cầu vay margin để lướt sóng chứng khoán của nhà đầu tư gia tăng trong bối cảnh thanh khoản thị trường đã cải thiện nhiều so với giai đoạn trước. Các công ty chứng khoán cũng đua tăng vốn từ vài ngàn tỷ đồng lên cả chục ngàn tỷ đồng, dư địa cho vay margin càng nhiều hơn. Nguồn vốn ngân hàng đang dồi dào, lãi suất cho vay thấp nên sẵn sàng cung ứng vốn cho các công ty chứng khoán cho vay margin.
Tuy nhiên theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, nhà đầu tư chứng khoán trong bất kỳ tình huống nào cũng không nên “full margin” - sử dụng tối đa tỉ lệ ký quỹ cho phép để mua cổ phiếu. Bởi lẽ, nếu sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức, khi thị trường giảm mạnh thì nguy cơ tài khoản của nhà đầu tư bị “call margin” (yêu cầu nạp thêm tiền ký quỹ) hoặc bị bán giải chấp cổ phiếu (force sell) là rất lớn.
Công ty chứng khoán “đua” cho vay margin với lãi suất thấp
Hiện tại, VN-Index được kỳ vọng tiếp tục tăng khi đón mùa đại hội cổ đông của các doanh nghiệp niêm yết với triển vọng kinh doanh phục hồi, nhà đầu tư có thể dùng margin để đạt mức sinh lợi cao.
Song, theo các chuyên gia, nhà đầu tư cần kiểm soát margin với tỉ lệ vừa phải, tránh mua đuổi những cổ phiếu đã tăng nóng trong thời gian qua. Đặc biệt, không dùng margin mua những cổ phiếu đã tăng nóng.
Thống kê của HoSE đến hết quý IV/2023 cho thấy, top 10 công ty có thị phần môi giới lớn nhất lần lượt là: Công ty cổ phần Chứng khoán VPS (VPS), Công ty cổ phần chứng khoán SSI (SSI), Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDS), Công ty cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), MAS, Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap (Vietcap), Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) và Công ty cổ phần chứng khoán KIS Việt Nam (KIS).
Không chỉ cạnh tranh để gia tăng thị phần, đẩy mạnh cho vay margin cũng góp phần lớn vào doanh thu của các công ty chứng khoán. Theo thống kê, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối năm 2023 đạt khoảng 180.000 tỷ đồng, ước tính tăng 15.000 tỷ đồng so với cuối quý III/2023. Đây là mức dư nợ cho vay lớn nhất trong vòng 6 quý kể từ quý II/2022. Trong đó, dư nợ margin ước tính vào khoảng 172.000 tỷ đồng, cũng tăng 13.000 tỷ đồng so với cuối quý III/2023.
Thứ hạng các công ty chứng khoán dẫn đầu về hoạt động cho vay tính đến cuối năm 2023 có sự xáo trộn mạnh mẽ. Quán quân về cho vay gọi tên TCBS với số dư cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán đạt 16.619 tỷ đồng, tăng 78% so với đầu năm và tăng gần 3.800 tỷ đồng so với quý III/2023. Đây là lần đầu tiên TCBS vươn lên vị trí này kể từ khi đi vào hoạt động năm 2008.
Một số cái tên như MBS, Vietcap, VPBankS cũng ghi nhận dư nợ cho vay tăng mạnh trong quý cuối cùng năm 2023. Cụ thể, các khoản cho vay chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của MBS với hơn 9.000 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần đầu năm.
Dư nợ margin của Vietcap đạt 7.612 tỷ đồng, tăng hơn 1.900 tỷ đồng chỉ sau một quý. Còn VPBankS ghi nhận dư nợ margin đạt 7.090 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với đầu năm.
Ngược lại, Mirae Asset và VNDirect là 2 công ty chứng khoán có dư nợ cho vay sụt giảm mạnh nhất sau quý IV/2023, tuy nhiên mức giảm không lớn so với quy mô.
Ngân Thương /Báo Công Thương