Gia hạn Thông tư 02: Hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và nền kinh tế

09:00 | 22/02/2024
Nút thắt Thông tư 02 đã phần nào được nới lỏng khi Ngân hàng Nhà nước có quan điểm sẽ gia hạn để hỗ trợ doanh nghiệp, ngân hàng và cả nền kinh tế.

“Quả bóng” nợ xấu chờ tháo van

Tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng được tổ chức mới đây, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh: Cần thiết để xem xét việc gia hạn Thông tư 02, thời gian kéo dài thông tư này bao lâu thì cần xem xét cụ thể.

Thông tư số 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02) ban hành ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Theo quy định, Thông tư 02 có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024.

Diễn biến của thị trường ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung trong năm 2023 từ khi Thông tư được ban hành cho thấy, các doanh nghiệp và các ngân hàng đều rất hồ hởi và đặt nhiều kỳ vọng khi thời gian trả nợ và nhóm nợ được “nới”, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và ngân hàng cũng có thời gian cân đối, cơ cấu các nhóm nợ, hạn chế phát sinh thêm nợ xấu.

Tại một số ngân hàng thương mại, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đã có kết quả bước đầu. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank), lũy kế tính đến hiện tại, LPBank đã thực hiện triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02 là 192 lượt khách hàng với tổng dư nợ gốc của khách hàng là hơn 7.237 tỷ đồng, với số lãi cơ cấu là 327 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), theo ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng giám đốc cho biết, cơ cấu nợ của khách hàng tại Techcombank theo Thông tư 02 đến cuối tháng 1/2024 khoảng 6.000 tỷ đồng và hiện khách hàng cũng bắt đầu trả nợ dần.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, qua gần 1 năm áp dụng Thông tư 02 tỉ lệ nợ xấu của một số ngân hàng giữ nguyên hoặc tăng thấp nhưng nhìn chung do tăng trưởng tín dụng của năm 2023 không được như kế hoạch và dự báo khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp trong năm nay sẽ đối mặt với không ít khó khăn nên nhiều nhà băng lo ngại nợ xấu sẽ tăng cao. Báo cáo tài chính 2023 của nhiều ngân hàng, nhất là nhóm ngân hàng top 2 và 3 cũng cho thấy nợ xấu có xu hướng “dềnh” lên.

Báo cáo tài chính 2023 của nhiều ngân hàng cũng cho thấy nợ xấu có xu hướng “dềnh” lên

Con số về nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước mới chỉ được cập nhật đến hết quý III/2023. Theo đó, tổng nợ xấu cuối quý III/2023 của các ngân hàng tăng 61% so với cuối quý trước đó, lên 196.755 tỷ đồng. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 6,16%.

Thông tin tới báo giới đầu năm nay, nhà điều hành cũng chưa đưa ra con số nợ xấu cụ thể của cả năm 2023 nhưng giới chuyên gia và các nhà băng đều chung quan điểm nếu “tính đúng, tính đủ” thì tỉ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống sẽ tăng hơn nhiều con số công bố.

Thực tế này cho thấy, việc giãn thời gian thực hiện Thông tư 02 là điều cần được giải quyết sớm. Ông Hồ Nam Tiến, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc LPBank cho biết, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ của khách hàng được kéo dài thời hạn thêm tối đa 12 tháng dẫn đến việc khi đến hạn trả nợ cơ cấu thì số tiền trả nợ hàng kỳ sẽ bị gấp đôi lên đối với khách hàng vay vốn trung dài hạn (bao gồm số tiền đến hạn định kỳ và số tiền cơ cấu nợ), điều này sẽ dẫn đến việc khó khăn trong việc trả nợ khi đến hạn trả nợ cơ cấu. “Đề xuất gia hạn thời hạn hiệu lực của Thông tư thêm 12 tháng đến 30/06/2025 để tiếp tục hỗ trợ khách hàng có khả năng hồi phục”, ông Tiến kiến nghị.

Đồng quan điểm này, ông Đỗ Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) bày tỏ: Doanh nghiệp sẽ chưa thoát khỏi khó khăn trong đầu năm 2024 và có thể kéo đến đầu năm 2025, do vậy, việc kéo dài Thông tư 02 về cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ là cần thiết.

Đại diện một “Big 4” trong làng bank, ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho rằng, việc Thông tư 02 hết hạn vào 30/6/2024 sẽ tạo áp lực rất lớn về trả nợ cho các doanh nghiệp trong việc xử lý nợ xấu các doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng cũng gặp khó khăn. Do đó, đại diện BIDV kiến nghị kéo dài thời hạn áp dụng Thông tư tới hết năm 2024.

Không chỉ bổ sung thêm các lý do cần gia hạn Thông tư 02, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam còn kiến nghị những biện pháp xử lý nghiêm với các khách hàng chây ì, bùng nợ. Ông Hùng nói: “Trước bối cảnh nợ xấu có xu hướng gia tăng hiện nay đòi hỏi ngân hàng tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là đối với tín dụng tiêu dùng. Hiện đối với tín dụng tiêu dùng xuất hiện các hội nhóm bùng nợ trên mạng xã hội gia tăng, nhưng không có cơ quan quản lý nào xử lý, người vay chây ì trả nợ... do đó các công ty tài chính không dám mạnh tay cho vay. Bởi khả năng trả nợ của khách hàng giảm”.

Vì thế, ông Hùng cũng đưa ra kiến nghị Ngân hàng Nhà nước gia hạn thêm thời gian Thông tư 02 từ 6 tháng đến 1 năm để người vay có thời gian trả nợ trong bối cảnh khó khăn, song cũng cần có biện pháp để xử lý các hội nhóm “bùng nợ” công khai hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng gia hạn thêm để bớt gây ra áp lực

Sớm ban hành cơ chế ngay trong quý I/2024

Giải đáp các kiến nghị của tổ chức tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho rằng, cần thiết để xem xét gia hạn thêm Thông tư 02. Tuy nhiên, thời gian gia hạn là bao nhiêu, 6 tháng hay 1 năm thì cần được xem xét kỹ.

Ông Tú cũng đề nghị Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cùng Cơ quan thanh tra giám sát, Vụ pháp chế, chính sách của Ngân hàng Nhà nước đề xuất và cơ chế này phải được ban hành ngay trong quý I/2024.

Ông Mạc Quốc Anh Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội nêu quan điểm: “Việc cơ cấu, giãn hoãn nợ được đánh giá là rất hiệu quả trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng gia hạn thêm để bớt gây ra áp lực”.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, có thể kéo dài Thông tư 02 tối đa 1 năm, đến tháng 6/2025, thời điểm thị trường bất động sản được dự báo sẽ phục hồi.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia cho biết, hiện nợ xấu đã ở mức khá cao và có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đồng thời, kinh tế còn nhiều khó khăn, nên rất cần các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp phục hồi, trong đó, việc tiếp tục cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là giải pháp cần tính đến.

Trái lại, theo PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, việc gia hạn Thông tư 02 là một giải pháp cần được cân nhắc thận trọng. Trong ngắn hạn, thông tư rất có hiệu quả hỗ trợ ngân hàng và doanh nghiệp vượt qua suy thoái. Nhưng trong trung và dài hạn, Thông tư 02 sẽ để lại gánh nặng về an toàn, tài chính và an toàn cho các tổ chức tín dụng.

“Việc gia hạn nếu áp dụng cũng không nên kéo dài lâu mà chỉ nên trong khoảng thời gian 1 năm đến tháng 6/2025 khi mà thị trường bất động sản và trái phiếu được dự báo về cơ bản đã có sự phục hồi”, ông Hùng nói.

Thùy Linh /Báo Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng số dư của gói tín dụng ưu đãi cho xuất khẩu thủy h..
21:32 | 07/09/2024
Báo cáo từ ngành ngân hàng cho thấy tín dụng bất động sản đang có dấu hiệu khởi sắc, đặc biệt ở các khoản vay mua nhà và kinh doanh bất động sản.
10:27 | 07/09/2024
Trong tháng 8-2024, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã tổ chức 16 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành, huy động được 45.28..
09:48 | 07/09/2024
Việc Kho bạc Nhà nước mua 150 triệu USD từ các ngân hàng thương mại đồng nghĩa bơm một lượng lớn tiền đồng trở lại hệ thống ngân hàng.
08:52 | 06/09/2024
Trong tháng 9, lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng trong nước tiếp tục ghi nhận sự gia tăng, phản ánh những biến động trong thị trường tài chính và c..
09:01 | 05/09/2024
Sáng 4/9, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và Bộ Tài chính đồng chủ trì tổ chức Hội thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)..
16:56 | 04/09/2024
Đây là quy định mới vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành.
09:28 | 04/09/2024
Thủ tướng Chính phủ vừa ký công điện về điều hành dự toán ngân sách Nhà nước, trong đó phấn đấu tăng thu, tăng cường tiết kiệm chi, chủ động cân đối....
11:25 | 03/09/2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 85/CĐ-TTg ngày 2/9/2024 về điều hành dự toán ngân sách nhà nước, gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng các..
10:57 | 03/09/2024
Theo phân tích của giới chuyên gia, tuần giao dịch sau kỳ nghỉ lễ 4 ngày, chỉ số VN-Index có thể rung lắc điều chỉnh, tiếp tục kiểm tra lại vùng 1.300..
10:17 | 02/09/2024

 

Giấy phép hoạt động Số 03 /GP - TTĐT
Sở TTTT Hải Phòng cấp ngày 06 /5 /2021
Trụ sở: 47 /384 Lạch Tray, P. Đằng Giang
Quận Ngô Quyền - Thành phố Hải Phòng
marketnews.vn@gmail.com /0905414241

BAN BIÊN TẬP - HÀNH CHÍNH & TRỊ SỰ
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Việt Thắng

VPĐD BẢN TIN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
N.Khách La Thành - Văn phòng Chính phủ
226 Phố Vạn Phúc, Q. Ba Đình, TP Hà Nội
VPHN Trưởng Ban Thời sự Giang Thị Hoa
Tel: 024 39 195 195 * Fax: 024 39 196 196

icon facebook  icon-zalo  icon youtube  www.tiktok.com/@thitruongvietnam.vn   Chung nhan Tin Nhiem Mang

VĂN PHÒNG - KHU VỰC ĐÔNG NAM BỘ
Trưởng VP Đồng Nai Nguyễn Duy Khương

VP HCM: 138 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3
Trưởng VP TP. HCM Nhà báo Đinh Gia Cư
Tel: (028) 39181920 * Fax: (028) 39181920

(*)Không sao chép dưới mọi hình thức
Tra cứu  | Đường Dây nóng: 09 05 08 2014

Vận hành bởi Công ty TNHH Bản tin Thị trường Việt Nam
icon up