Nếu không có lòng tham, biết đứng ngoài tâm lý đám đông và tránh xa hiệu ứng FOMO, có lẽ nhiều người đã chẳng rơi vào chiếc bẫy lừa đảo theo mô hình Ponzi.
Suốt nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đã liên tục triệt phá hàng loạt vụ việc liên quan đến mô hình huy động vốn Ponzi biến tướng. Đồng thời, truyền thông đại chúng cũng không ngừng đưa ra cảnh báo nhằm nâng cao nhận thức và cảnh giác cho người dân trước những chiêu bài lừa gạt.
Tuy nhiên, đến nay, loại hình góp vốn đầu tư "kỳ quái" này vẫn ngang nhiên tồn tại, tiếp tục gây ra những hậu quả đau lòng cho những người dân nhẹ dạ, thiếu sự đề phòng. Vậy đâu là nguồn “dinh dưỡng” nuôi sống, giúp nó không chỉ duy trì mà còn lan rộng, sinh sôi và nảy nở trong xã hội hiện nay?
Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh lặp lại những vụ việc đáng tiếc, người dân cần nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức về kinh tế, tài chính; đặc biệt phải kiểm soát được lòng tham của chính mình (Ảnh: Vân Oanh)
Trước hết, cần nhắc lại đặc điểm cơ bản của mô hình Ponzi biến tướng, đó là doanh nghiệp chủ yếu vay vốn từ nhà đầu tư cá nhân bằng cách hứa hẹn trả một mức lãi rất cao, đủ hấp dẫn để người cho vay không còn đủ tỉnh táo để đánh giá, xem xét đến khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
Các nhà đầu tư lúc này quên rằng, nếu như đó là một doanh nghiệp thực sự có hoạt động kinh doanh minh bạch, thì đáng nhẽ họ phải tìm phương án vay vốn từ ngân hàng với mức lãi suất ưu đãi, thay vì bỏ ra những khoản lãi không tưởng như vậy.
Áp lực nợ vay khiến mô hình Ponzi khó có thể bền vững, vòng đời của một doanh nghiệp chỉ duy trì tối đa khoảng 2-3 năm, và cái kết soạn sẵn là sự đổ vỡ, gãy vụn khi các "ông chủ" đứng sau quyết định "thu lưới".
Điểm mấu chốt của mô hình Ponzi biến tướng là lợi dụng lòng tin của người dân, từ đó mặc sức lấy tiền từ những nhà đầu tư tội nghiệp với chiêu bài vay của người tham gia sau để trả lợi nhuận cho những người tham gia trước, tạo ảo giác về một hệ thống kinh doanh sinh lời vượt trội. Và, các "ông chủ" buộc phải "thu lưới" khi họ không còn thuyết phục được thêm người rót vốn.
Ở Việt Nam, gần đây các vụ lừa đảo liên quan đến mô hình này được phát lộ dưới hình thức đầu tư tiền kỹ thuật số với quy mô lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Điển hình là vụ án xảy ra tại Công ty Bất động sản Nhật Nam, hay gần đây là Công ty GFDI ở Đà Nẵng. Tuy rằng cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ, song, thông tin ban đầu cho thấy doanh nghiệp này đã lôi kéo được 7.500 nhà đầu tư nhờ những lời hứa "có cánh" về một lãi suất cao chót vót.
Điểm chung của các tổ chức lừa đảo núp bóng doanh nghiệp đầu tư này là lợi dụng sự thiếu hiểu biết, chủ quan của người dân. Nếu không có lòng tham, biết đứng ngoài tâm lý đám đông và tránh xa hiệu ứng FOMO (nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội), có lẽ họ đã chẳng dễ dàng rơi vào chiếc bẫy của mô hình gọi vốn đầy phi lý này.
Thậm chí, từ những chia sẻ của nhiều nạn nhân, có không ít trường hợp đã nhận thức rõ ràng về rủi ro và nguy cơ mất trắng khi rót tiền vào những doanh nghiệp Ponzi. Vậy nhưng, họ lại không thể kiểm soát, vượt qua lòng tham của bản thân mà tự tin rằng mình có thể "rút chân" trước người khác. Họ tự huyễn hoặc là bản thân đủ nhanh nhạy để thoát kịp trước khi hệ thống đổ vỡ, cố gắng tận dụng tối đa khoảng thời gian "ăn lãi" để kiếm lời.
Nhưng tất cả chỉ là viễn cảnh hão huyền mà lòng tham vẽ nên. Kẻ đứng sau cuộc chơi đã thiết kế ra mô hình Ponzi với mục tiêu tối đa hóa khả năng giữ chân nhà đầu tư bằng các chiêu trò tinh vi như khuyến khích tái đầu tư với ưu đãi lớn hơn hay tạo cảm giác an toàn bằng việc trả lãi đúng hạn, các khoản thưởng... Hệ thống này luôn được tô vẽ hoành tráng và rực rỡ, như một ngọn lửa bùng sáng trước khi lụi tàn. Nhưng đến khi nó bắt đầu sụp đổ, tốc độ lại cực kỳ chóng vánh cho nên chẳng mấy ai rút chân kịp, may mắn thoát ra khỏi với số vốn của mình.
Nói tóm lại, chính sự tự mãn và tính toán sai lầm này đã đẩy họ vào vòng xoáy không lối thoát. Họ đã phải trả giá đắt cho lòng tham và sự cả tin của mình.
Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh lặp lại những vụ việc đáng tiếc, người dân cần nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức về kinh tế, tài chính. Đặc biệt phải kiểm soát được lòng tham của chính mình, đủ bản lĩnh và sự tỉnh táo để phân biệt đâu là cơ hội kinh doanh thực sự, và đâu chỉ là miếng mồi ngon trên chiếc bẫy chuột.
Chỉ khi giữ được sự lý trí, cảnh giác trước những hình ảnh "phông bạt" hào nhoáng đầy choáng ngợp, và tập trung đánh giá kỹ lưỡng vào năng lực nội tại của doanh nghiệp, người dân mới có thể tự bảo vệ mình trước các thủ đoạn lừa đảo tinh vi, tránh trở thành mồi thơm cho những kẻ lừa đảo núp bóng doanh nhân.
Vân Oanh /Báo Công Thương