Nhiều chuyên gia dự báo rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ khó giảm lãi suất điều hành trong năm 2024 do phải cân nhắc nhiều yếu tố liên quan đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Mặc dù vậy, sang năm 2025, Việt Nam có nhiều dư địa nới lỏng khi lạm phát và tỷ giá đã được ''cởi trói''.
"Fed giảm lãi suất làm tăng áp lực nới lỏng chính sách với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN)" là nhận định của các chuyên gia phân tích của UOB trong báo cáo Dự báo triển vọng kinh tế phát hành cuối tháng 9.
Theo các chuyên gia phân tích của UOB, với lạm phát CPI có dấu hiệu giảm bớt, sức mạnh của đồng USD dự kiến sẽ suy yếu hơn và với những tác động tiêu cực lan rộng sau cơn bão Yagi, khả năng NHNN chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ được cân nhắc nhiều hơn so với trước đây.
Trước đó trong tháng 8, khi áp lực tỷ giá giảm, NHNN đã có một loạt động thái mang tính chất nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn nhưlãi suất kênh cho vay cầm cố (OMO), giảm lãi suất tín phiếu ba lần trong tháng.
Tuy nhiên cũng theo UOB, việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ được nhà điều hành cân đối với các yếu tố như hiệu suất kinh tế mạnh mẽ, đặc biệt là trong quý III và khả năng lạm phát bùng phát trong quý IV sau cơn bão Yagi, do thực phẩm (chiếm 33,6%) và nhà ở (18,8%) chiếm ưu thế trong rổ CPI.
Các chuyên gia UOB dự báo rằng NHNN sẽ tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành hiện tại và tập trung hơn vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và các biện pháp hỗ trợ khác.
"Do đó, NHNN có khả năng sẽ áp dụng cách tiếp cận có trọng tâm hơn để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong khu vực của họ, thay vì triển khai một công cụ rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất", báo cáo của UOB nêu.
Tại Toạ đàm trực tuyến Data Talk chủ đề "Phục hồi kinh tế & Xu hướng dòng vốn đảo nghịch" do VietnamBiz tổ chức mới đây, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright đánh giá Việt Nam có nhiều dư địa duy trì chính sách lãi suất thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế trong thời gian tới.
Tuy nhiên, xét trên góc độ ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong nước, chuyên gia nhận định lãi suất điều hành NHNN khó để giảm trong quý IV năm nay.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên tại Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright. (Ảnh: BTC)
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Việt Nam vẫn còn dư địa giảm lãi suất, lý do chủ yếu xuất phát từ việc Fed giảm lãi suất 0,5 điểm % và có xu hướng đảo chiều chính sách tiền tệ. Sang năm 2025, các thành viên trong Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) dự kiến khả năng hạ lãi suất thêm 1 - 1,25 điểm %, do đó áp lực tỷ giá hiện hữu không quá lớn.
“Quan trọng hơn, một số ngân hàng trung ương châu Á cũng đã giảm lãi suất điều hành, đây là dư địa để Việt Nam điều hành theo hướng giảm lãi suất”, ông nhận định.
Trong năm 2024, con số tăng trưởng tín dụng 15% Chính phủ hoàn toàn tự tin có thể đạt được, tuy nhiên con số tăng cung tiền đang thấp hơn, chỉ tăng 12% so với cùng kỳ. "Nếu không đẩy mạnh được tăng cung tiền, thì lãi suất sẽ có xu hướng nhích tăng thêm, chứ không giảm đi", ông Thành nhận định.
Không nên nới lỏng thêm chính sách tiền tệ
Chia sẻ với chúng tôi, PGS TS. Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa kinh tế, Trường Đại học kinh tế Quốc dân, từng nhận định rằng lãi suất hiện nay phù hợp với tình hình chung, NHNN không nên hạ lãi suất trong thời gian tới.
"Lãi suất trong nước không chỉ phụ thuộc vào mỗi lãi suất của Fed, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có tỷ lệ lạm phát quốc gia. [...] Về mặt định tính, Việt Nam không nôn nóng hạ lãi suất thì tỷ giá sẽ ổn định hơn", vị chuyên gia này nhận định.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Trường Kinh doanh UEH, cũng cho rằng khả năng NHNN giảm lãi suất điều hành là khó và kể cả khi lãi suất điều hành có giảm thì chỉ mang tính tâm lý và tác động không nhiều đến thị trường do mặt bằng lãi suất đã ở mức thấp và lãi suất không phải là vấn đề trọng yếu để tăng trưởng tín dụng.
Ông cho hay trên thực tế, không ít trường hợp người cần vay thì không tiếp cận được vốn vay do không đủ điều kiện vay vốn, còn người muốn cho vay thì lại không thể cho vay.
"NHNN không cần thiết giảm lãi suất điều hành, nên tập trung vào điều hành chính sách tài khoá để kích cầu nền kinh tế hơn, khi người dân có nhu cầu vay vốn thì họ sẽ vay nhiều lên", ông Huân nhận định.
Dư địa nới lỏng cho năm 2025
Nhìn nhận trên góc độ phân tích dữ liệu, ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Dữ liệu Kinh tế Tài chính WiGroup, cho rằng chính vì tỷ giá bớt áp lực, đã giúp NHNN có điều kiện nới lỏng chính sách tiền tệ. Hiện tại, những lãi suất điều hành mang tính thị trường như OMO, tín phiếu đã giảm.
Tuy nhiên, ông Báu cho rằng các cơ quan quản lý đang tập trung quá nhiều vào câu chuyện tăng trưởng tín dụng, nhưng tăng trưởng huy động và cung tiền đang rất thấp so với tín dụng, tạo nên rủi ro.
“Ở thị trường 1, hệ thống ngân hàng có thể không thể giảm lãi suất trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng quá nhanh nhưng huy động đầu vào lại khó, gây áp lực lên chi phí vốn", ông Báu nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, sang năm 2025, ông cũng cho rằng Việt Nam có nhiều dư địa nới lỏng khi lạm phát và tỷ giá đã được “cởi trói”. Dù Mỹ có hạ cánh cứng hay mềm thì xu hướng nới lỏng toàn cầu vẫn đang diễn ra và Việt Nam được hưởng lợi từ xu hướng đó, ông nhấn mạnh.
Minh Nguyệt /Doanh Nhân Việt Nam