Chỉ 4,8% hộ gia đình Mỹ dùng tiền điện tử, chủ yếu để đầu tư, không phải mua sắm, khiến giấc mơ thay thế tiền tệ truyền thống của Bitcoin ngày càng xa vời.
Hầu hết người dân Mỹ đều có tài khoản ngân hàng - nơi lưu trữ tiền an toàn, được bảo hiểm liên bang và chịu sự quản lý nghiêm ngặt. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 5 triệu hộ gia đình không sở hữu tài khoản ngân hàng.
Ảnh minh họa tiền điện tự như một trò đỏ đen. Ảnh: Business Insider
Chính vì thế, cứ hai năm một lần, Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) tiến hành khảo sát nhằm tìm hiểu lý do. Đó có phải là vấn đề về niềm tin, khoảng cách địa lý hay chi phí và các khoản phí dịch vụ?
Tháng 11 năm ngoái, lần đầu tiên, FDIC công bố kết quả một câu hỏi mới được bổ sung trong khảo sát: Bạn có sử dụng tiền điện tử như Bitcoin thay vì ngân hàng không?
Giấc mơ "tự làm ngân hàng" và thực tế
Ngay từ khi xuất hiện, tiền điện tử được kỳ vọng sẽ biến mỗi người dùng thành “ngân hàng của chính mình”. Bitcoin, Ethereum và các loại tiền điện tử khác được quảng bá như một dạng tiền tệ thông minh hơn, hoạt động trên công nghệ blockchain không thể phá vỡ, chỉ cần kết nối internet là có thể tham gia, không bị kiểm soát bởi chính phủ.
Những công ty như Coinbase cam kết xây dựng “cơ sở hạ tầng tiền điện tử có thể trở thành giải pháp thay thế khả thi cho hệ thống tài chính truyền thống”. Với những ưu điểm đó, liệu ai còn cần ngân hàng?
Thực tế, câu trả lời là: gần như tất cả mọi người vẫn cần ngân hàng. Theo khảo sát của FDIC, chỉ 4,8% hộ gia đình ở Mỹ sở hữu hoặc sử dụng tiền điện tử. Trong số các hộ gia đình không có tài khoản ngân hàng, con số này còn thấp hơn - chỉ hơn 1% một chút.
Đáng chú ý, phần lớn người dùng tiền điện tử (92,6%) sử dụng nó như một khoản đầu tư; chỉ 4,4% sử dụng để mua sắm. Điều này khiến tiền điện tử khó có thể được coi là "tiền tệ", chứ chưa nói đến việc thay thế hệ thống ngân hàng toàn cầu.
Dù đã xuất hiện từ năm 2009, tiền điện tử vẫn chưa đáp ứng được các nhu cầu tài chính cốt lõi của các hộ gia đình không có tài khoản ngân hàng. Một quan chức FDIC thẳng thắn thừa nhận, tiền điện tử thực chất chỉ là một tài sản đầu cơ - một chuỗi dữ liệu tài chính với mục tiêu duy nhất là “giá tăng”.
Và không giống như các khoản đầu tư truyền thống như cổ phiếu Microsoft, trái phiếu chính phủ, tiền điện tử không được gắn kết với thế giới thực, không có chuẩn mực bên ngoài để đánh giá giá trị.
Ngoài các hoạt động phi pháp, tiền điện tử chủ yếu là công cụ để đầu cơ, và người sử dụng phần lớn là các hộ gia đình khá giả. Cụ thể, 7,3% hộ gia đình có thu nhập trên 75.000 USD/năm nắm giữ tiền điện tử, trong khi chỉ 1,1% hộ gia đình thu nhập dưới 15.000 USD sở hữu.
Tiền điện tử: Tài sản đầu cơ hay phương tiện thanh toán?
Mục đích của tiền tệ là làm trung gian trao đổi. Nếu bạn muốn mua một sản phẩm, thay vì trao đổi trực tiếp hàng hóa, bạn có thể dùng tiền – miễn là cả hai bên đều tin rằng đồng tiền đó có giá trị. Tuy nhiên, để đạt được điều này, tiền tệ phải có giá trị ổn định và đáng tin cậy.
Nhìn chung, tiền điện tử không đáp ứng được những tiêu chí này. Chúng có giá trị, nhưng sự biến động mạnh về giá và cách thức vận hành ngang hàng khiến nhiều người cảm thấy thiếu tin tưởng.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 63% người Mỹ cho biết họ “ít hoặc hoàn toàn không tin tưởng” vào độ an toàn và tin cậy của các công nghệ kỹ thuật số liên quan đến tiền điện tử; chỉ 5% cho biết họ “rất tin tưởng”.
Ngay cả khi chính phủ của một số quốc gia áp dụng tiền điện tử làm tiền tệ chính thức, như trường hợp của El Salvador vào năm 2021, kết quả vẫn không khả quan.
Người dân nước này được khuyến khích sử dụng ví tiền điện tử với phần thưởng 30 USD bằng bitcoin, nhưng phần lớn người dùng chỉ chuyển đổi số tiền thưởng đó thành đô la Mỹ và chi tiêu ngay. Cuối cùng, chính phủ El Salvador cũng phải giảm quy mô các sáng kiến liên quan đến bitcoin.
Tiền điện tử ở những thị trường đặc biệt
Dù vậy, tại các quốc gia có hệ thống tài chính yếu kém, tiền điện tử đang bắt đầu phát huy vai trò thay thế. Ở những nơi như Venezuela và Nigeria, Bitcoin và các loại tiền ổn định (stablecoins) - loại tiền điện tử có giá trị gắn chặt với tài sản cố định như đồng USD và được sử dụng để mua sắm và thay thế một số chức năng ngân hàng như chuyển tiền. Điều này giống như cách mạng viễn thông với mạng di động vượt qua mạng điện thoại cố định tại những khu vực khó khăn.
Tuy nhiên, tại các quốc gia phát triển với hệ thống tài chính vững mạnh, tiền điện tử vẫn chưa thể cạnh tranh với đồng nội tệ và ngân hàng. Theo FDIC, 95,8% hộ gia đình ở Mỹ đã có tài khoản ngân hàng. Ngoài các giao dịch rửa tiền, tiền điện tử không mang lại lợi ích nào vượt trội so với hệ thống ngân hàng truyền thống.
Tương lai nào cho tiền điện tử?
Để tiền điện tử thực sự trở thành phương tiện thanh toán, người lao động phải được trả lương bằng tiền điện tử, các cơ sở kinh doanh chấp nhận nó, và quan trọng nhất, chính phủ cần quản lý chặt chẽ hơn. Bởi lẽ, lịch sử cho thấy, hệ thống ngân hàng chỉ phát triển khi có sự giám sát nghiêm ngặt từ phía nhà nước. Nếu không, tiền điện tử sẽ chỉ mãi là một công cụ đầu cơ - một “chip sòng bạc” dành cho giới đầu tư tìm kiếm lợi nhuận.
Việt Hà (Business Insider)
Nhà báo và Công luận