Với trái cây Việt Nam, Trung Quốc là thị trường rất nhiều tiềm năng. Hiện trái cây Việt vẫn chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường biên mậu nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường một số địa phương khu vực phía Nam, Đông Nam Trung Quốc và các tỉnh gần kề với Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam với điều kiện tự nhiên thuận lợi có nhiều loại trái cây đa dạng, đặc sắc tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Với sản lượng hàng năm từ 12 - 14 triệu tấn, các sản phẩm trái cây của Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn phục vụ cho xuất khẩu với kim ngạch từ 3,5 tỷ USD mỗi năm.
Với trái cây Việt Nam, Trung Quốc là thị trường rất nhiều tiềm năng. Hiện trái cây Việt vẫn chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường biên mậu nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường một số địa phương khu vực phía Nam, Đông Nam Trung Quốc và các tỉnh gần kề với Việt Nam. Đối với các địa phương khác, sự xuất hiện của các sản phẩm trái cây Việt Nam còn khá khiêm tốn, trong khi nhu cầu tiêu thụ trái cây của thị trường Trung Quốc rất lớn và khả năng cung ứng trái cây đặc sản, chất lượng cao của Việt Nam rất dồi dào. Do đó, hiện còn dư địa rất lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh trái cây của hai nước khai thác, phát huy.
Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết 17 Nghị định thư xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc. Riêng mặt hàng trái cây, Việt Nam đã ký kết 13 Nghị định thư gồm các mặt hàng: Sầu riêng, sầu riêng đông lạnh, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây, dừa tươi.
Ảnh minh họa
Nhiều năm qua, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm khoảng 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với thế giới, đồng thời là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc phát triển tốt đẹp thời gian qua. Đặc biệt trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc hồi tháng 8/2024, 3 Nghị định thư về kiểm dịch sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu đã được hai bên ký kết.
Trong nhóm các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang nước bạn, rau quả là nhóm đang tăng trưởng nóng. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 9 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt gần 5,7 tỷ USD. Đây là con số cao kỷ lục, trong đó, riêng mặt hàng sầu riêng thu về 2,5 tỷ USD. Các loại trái cây khác như thanh long, chuối, mít và xoài cũng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu.
Trong số 10 thị trường chính nhập khẩu rau quả Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất với kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều sản phẩm và thương hiệu rau quả có chỗ đứng vững chắc tại Trung Quốc, được người tiêu dùng ưa chuộng như sầu riêng, nhãn, chuối...
Dù được đánh giá cao về chất lượng, sản lượng, trong thời gian qua trái cây Việt Nam phần nhiều còn xuất khẩu qua đường biên mậu, tiểu ngạch và trực tiếp vào các tỉnh phía Nam Trung Quốc có biên giới tiếp giáp với Việt Nam như Quảng Tây, Vân Nam là chính.
Do đó, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành liên quan đặt mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu trái cây Việt Nam sang chính ngạch kết hợp với quảng bá về hình ảnh và thương hiệu. Đây là phương pháp phát triển xuất khẩu bền vững và thu được giá trị cao hơn, đi sâu hơn nữa vào thị trường Trung Quốc.
Chủ động xúc tiến thương mại và công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc đã có chung nhiều khung khổ hợp tác như FTA ASEAN – Trung Quốc, Hiệp định CPTPPP. Tuy nhiên, dường như doanh nghiệp Trung Quốc tận dụng các khung khổ này tốt hơn phía Việt Nam, thể hiện ở chỗ kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam tốt hơn từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nói chung, nông lâm thủy sản nói riêng sang thị trường Trung Quốc, TS. Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) – cho rằng, Trung Quốc hiện nay không còn là thị trường dễ tính. Đây cũng là thị trường tiềm năng, nhiều quốc gia cùng muốn chiếm lĩnh chứ không riêng gì Việt Nam.
Bên cạnh công tác xúc tiến thương mại, TS. Lê Quốc Phương khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phải xác định sản xuất ra các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo yêu cầu của nước sở tại. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần nỗ lực đàm phán để mở cửa thêm cho một số mặt hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường. Chỉ xuất khẩu chính ngạch, doanh nghiệp mới “chính danh” bước vào thị trường, hạn chế tối đa rủi ro.
Khánh Mai (t/h) /Chất lượng Việt Nam