Thị trường gạch ốp lát đang tái cấu trúc với xu hướng nổi bật là tiêu dùng sản phẩm kích thước lớn, ưa chuộng hơn với Porcelain và đòi hỏi sự đa dạng mẫu mã, hoa văn, thay vì một vài kiểu truyền thống như trước.
Thị trường gạch ốp lát Việt Nam được nhìn nhận đang trong giai đoạn có mức độ cạnh tranh khá cao, nhất là trong phân khúc Ceramic. Nguyên nhân là rào cản gia nhập thị trường ở mức trung bình, do chi phí vốn và công nghệ không quá cao. Bên cạnh đó, số lượng đơn vị sản xuất rất lớn, sản phẩm giữa các đơn vị không có nhiều khác biệt vượt trội nên cạnh tranh nhau gay gắt.
Ngoài ra, nhóm vật liệu xây dựng hoàn thiện có rất nhiều chủng loại thay thế cho gạch ốp lát, như gỗ tự nhiên, gỗ ép nhân tạo, đá tự nhiên, đá nhân tạo, nhựa tổng hợp… Áp lực từ sản phẩm thay thế là rất lớn, lại được hỗ trợ bởi bối cảnh các sản phẩm có xu hướng giảm giá nên tính cạnh tranh càng mạnh.
Diễn biến tích cực từ thị trường gạch ốp lát.
Thị trường đang tái cấu trúc với xu hướng nổi bật là tiêu dùng sản phẩm kích thước lớn, ưa chuộng hơn với Porcelain và đòi hỏi sự đa dạng mẫu mã, hoa văn, thay vì một vài kiểu truyền thống như trước. Những doanh nghiệp sở hữu dây chuyền sản xuất kích thước lớn và trang trí in kỹ thuật số được xem là nắm giữ lợi thế cạnh tranh tốt trong bối cảnh hiện nay.
Quý I/2022 được xem là quý làm ăn khá của các doanh nghiệp gạch ốp lát. Phần đa có được doanh thu tốt, tăng trưởng so với cùng kỳ, có thể kể đến như: VGC đạt 591 tỷ đồng, tăng 18%; CVT đạt 341 tỷ đồng, tăng 30%; TCR đạt 204 tỷ đồng, đi ngang; riêng TTC có suy giảm, nhưng rất ít, chỉ 4%, đạt 60 tỷ đồng…
Nhìn về dài hạn, thị trường gạch ốp lát được đánh giá sẽ còn tăng trưởng, do nhu cầu xây dựng vẫn còn rất lớn tại Việt Nam, tỷ lệ đô thị hóa còn thấp. Xu hướng dịch chuyển sang sản phẩm trung cao cấp sẽ tăng lên, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng, mẫu mã và thương hiệu.
PV
Nguồn Doanh nghiệp và Hội nhập