Khai mở tiềm năng thị trường hàng hóa Halal

09:08 | 18/09/2023
Dù nhiều lợi thế về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dệt may... và là một nước hội nhập sâu với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, song mức độ và hiệu quả tham gia thị trường Halal toàn cầu chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam.

Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông vừa phối hợp với Viện Nghiên cứu tôn giáo tổ chức hội thảo khoa học “Văn hóa Hồi giáo và triển vọng phát triển ngành Halal ở Việt Nam”.

Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, việc hiểu về văn hóa Hồi giáo (văn hóa Islam) sẽ giúp Việt Nam nắm bắt được tâm lý, thói quen, thị hiếu, lễ nghi, tôn giáo…, từ đó khai mở thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa Halal đầy tiềm năng.

Một số nhà hàng bán đồ ăn Halal ở Hà Nội. Ảnh: Hà Anh

Thị trường chiếm 30% dân số toàn cầu

Theo tiếng Ả Rập, Halal có nghĩa là "được phép" và người Hồi giáo trên toàn thế giới luôn có những tiêu chuẩn hết sức khắt khe trong việc sử dụng nông sản, thực phẩm, thời trang, dịch vụ du lịch và nhiều dịch vụ khác. Với tổng số người theo đạo Hồi lên tới gần 30% dân số toàn cầu thì thị trường này có giá trị lên tới 1.972 tỷ USD vào năm 2024 với tỷ lệ tăng trưởng khoảng 6,3%/năm. Song, các doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ đứng thứ 100 thế giới trong việc thâm nhập thị trường này vì nhiều lý do.

Vì thế, ngày 14-2-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal của Việt Nam đến năm 2030" thông qua Quyết định số 10/QĐ-TTg. Trước đó, từ giữa năm 2021, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông chủ động lập nhóm đặc nhiệm mang lên Vietnam Halal Center of Excelence. Nỗ lực và thành quả của nhóm đã và đang được ghi nhận ở đại sứ quán các nước châu Phi, Trung Đông và ở Bộ Ngoại giao.

Theo PGS.TS Lê Phước Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, phát triển ngành Halal sẽ thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực, dịch vụ đi kèm. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư, các du khách Hồi giáo đến kinh doanh và du lịch tại Việt Nam, góp phần phát triển đất nước và tăng cường hợp tác với 57 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC).

Thực tế cho thấy, văn hóa Islam có nhiều đặc trưng trong đời sống xã hội cũng như đời sống tôn giáo. Do đó, muốn xây dựng mối quan hệ bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội với thế giới Islam giáo, cần tìm hiểu về văn hóa Islam, hiểu về những phong tục, tập quán, những điều kiêng kỵ trong cuộc sống của cộng đồng Islam giáo ở trên thế giới và Việt Nam. Điều đó sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa Việt Nam và các nước theo Islam giáo.

Muốn hiểu về văn hóa Islam, trước hết phải hiểu được hai thuật ngữ Halal và Haram. Halal là những nguyên tắc được phép, được thực hiện và Haram là những điều không được phép, cấm kỵ, không được thực hiện trong đời sống cả đạo và đời, được xây dựng dựa trên những điều quy định trong kinh Quran, Sunna, luật lệ/ khế ước Idjma và án lệ Qiyas (đây là bốn thành tố nằm trong luật Shariah/ luật Hồi giáo của các nước Islam giáo.

Theo Islam giáo, Halal và Haram bao gồm tất cả các khía cạnh của cuộc sống, không chỉ trong các lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, mỹ phẩm... mà còn bao quát các vấn đề văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội. Ngoài các tín đồ Islam giáo, người tiêu dùng trên thế giới ngày càng quan tâm đến thực phẩm Halal bởi các sản phẩm Halal được nhận diện là chất lượng cao, được sản xuất trong một hệ thống quản lý bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt. Ngành thực phẩm Halal không chỉ liên quan tới vấn đề sản xuất, chế biến mà còn liên quan đến nguyên liệu, dịch vụ hậu cần... Do vậy, phát triển ngành Halal sẽ thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực, dịch vụ phụ trợ đi kèm.

Hơn thế nữa, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chỉ riêng du lịch của người Islam giáo chiếm 10% nền kinh tế du lịch thế giới với mức chi tiêu cho du lịch ước tính đạt 200 tỷ USD. Du lịch Halal sẽ tiếp tục là một trong những ngành du lịch phát triển nhanh nhất thế giới và du khách Halal sẽ là một phân khúc chính của thị trường du lịch khi dân số Islam giáo được dự báo đạt mức 2,2 tỷ người vào năm 2030.

Halal và Haram bao gồm các khía cạnh của cuộc sống, không chỉ trong các lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, mỹ phẩm…

Cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Hiện nay, ở Việt Nam, cộng đồng Hồi giáo có khoảng 100.000 người, tập trung ở 14 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chỉ có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu ở thị trường Halal. Với nhiều lợi thế về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dệt may... và là một nước hội nhập sâu với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, tuy nhiên, mức độ và hiệu quả tham gia thị trường Halal toàn cầu chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam.

Làm rõ hơn về cơ hội của Việt Nam trong ngành thực phẩm Halal, Tiến sĩ Đinh Công Hoàng (Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông) cho biết, biểu tượng Halal đã tạo dấu ấn sâu sắc trên bản đồ quốc tế, bao trùm vấn đề nhân văn, tính bền vững, chăn nuôi nhân đạo và trách nhiệm của doanh nghiệp. Điều này giúp ngành công nghiệp Halal phát triển, đi từ những ngành truyền thống đến các lĩnh vực mới nổi: Dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, du lịch, thời trang...

Theo Tiến sĩ Đinh Công Hoàng, cơ hội để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng Halal thế giới có thể nhìn thấy ở yếu tố vị trí địa lý khi chúng ta ở gần các quốc gia Hồi giáo trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia... Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm nông sản như trà, cà phê, quế hồi, hồ tiêu... mà thị trường Halal có nhu cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam có các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, chất lượng cao với các thị trường khắt khe (EU, Mỹ, Nhật Bản...) là nền tảng để tiếp cận thị trường Halal. Tuy nhiên, điểm hạn chế là hiện không có nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiểu biết rõ về Halal, việc cấp chứng nhận Halal còn khó khăn, doanh nghiệp để được cấp chứng nhận còn cần đầu tư nhiều chi phí.

Từ những nhận định trên, Tiến sĩ Đinh Công Hoàng đề xuất nghiên cứu ký kết FTA với thị trường Halal, chẳng hạn như CEPT với UAE. Cần thành lập cơ quan quản lý Halal tại Việt Nam và triển khai cấp chứng nhận Halal cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần thiết lập hệ sinh thái Halal, thu hút các doanh nghiệp FDI và đầu tư Halal trong nước, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm thực phẩm, nông sản, mỹ phẩm, may mặc, giày dép. Việc Việt Nam đã ký kết và thực thi các FTA thế hệ mới, chất lượng cao với các thị trường khắt khe như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản là nền tảng tốt để doanh nghiệp Việt Nam có thể vượt qua những rào cản tại thị trường Halal.

Làm rõ hơn ưu thế của doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường Halal, Tiến sĩ Lê Kim Sa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, nêu rõ: Điều thú vị của doanh nghiệp khi đi theo chuẩn mực Halal toàn cầu là không phải mang sản phẩm đi chào hàng. "Đây là điểm vô cùng đặc biệt, bởi trong hệ thống Halal thế giới có sẵn chuỗi cung ứng đang có cầu cao, trong khi số doanh nghiệp đạt được chứng nhận Halal còn rất ít. Sự khắt khe của thị trường Halal lại chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt đối với thị trường này" - ông Sa nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Lê Phước Minh, Việt Nam chỉ có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu ở thị trường Halal - một con số rất thấp. Có tới 40% các địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận Halal, nói cách khác là Việt Nam mới chỉ bước đầu tiếp cận thị trường Halal. Do vậy, việc hiểu về văn hóa Islam sẽ giúp Việt Nam nắm bắt được tâm lý, thói quen, thị hiếu, lễ nghi, tôn giáo... của người theo Islam giáo để từ đó khai mở thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa Halal toàn cầu cũng như thu hút nhiều hơn du khách và nhà đầu tư Islam giáo đến Việt Nam, góp phần bứt phá tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong bối cảnh mới.

Tuấn Minh

Nguồn Báo Hànộimới

Tin cùng chuyên mục

Sự tăng giá của các thương hiệu xa xỉ đã khiến nhiều người tiêu dùng Trung Quốc chuyển hướng sang các mặt hàng bình dân trong nước, thị trường đồ cũ h..
12:35 | 22/10/2024
Ngày 22-10, giá vàng nhẫn lập kỷ lục mới trên mốc 87 triệu đồng/lượng; vàng miếng SJC lên 89 triệu đồng/lượng.
10:51 | 22/10/2024
Hơn 21% dự trữ vàng toàn cầu, tương đương 6,2 nghìn tấn, đang nằm trong tay các nước BRICS, chủ yếu thuộc về Nga và Trung Quốc.
09:32 | 22/10/2024
Trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), lần đầu tiên nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml được đưa vào diện áp thuế tiêu thụ đ..
15:51 | 21/10/2024
Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục có nhiều khởi sắc; Giá vàng lập kỷ lục; Thương lái bất ngờ không mua tôm hùm to…là những thông tin thị trường đáng c..
14:31 | 21/10/2024
Bản tin Việt Nam ngày mới ngày 21/10/2024 có những nội dung chính sau: TPHCM thu gần 5 tỷ đồng từ cho thuê vỉa hè; Người ''truyền lửa'' tình yêu ẩm th..
09:31 | 21/10/2024
Giá vàng luôn là một trong những chỉ số quan trọng phản ánh sự biến động của nền kinh tế. Không chỉ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố trong nước mà giá vàng..
09:30 | 21/10/2024
Giá bạc đã tăng vọt lên mức 33,71 USD/ounce vào ngày 19/10, đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong 12 năm qua.
09:10 | 21/10/2024
Bảo đảm giá điện phù hợp; Loạt smartphone ra mắt; Giá cau tươi lao dốc…là những thông tin thị trường đáng chú ý ngày 20/10/2024.
20:55 | 20/10/2024
Sự góp mặt của hầu hết các hãng sơn lớn có tên tuổi tại thị trường Việt Nam cho thấy ngành sơn Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển.
00:38 | 20/10/2024

 

Giấy phép hoạt động Số 03 /GP - TTĐT
Sở TTTT Hải Phòng cấp ngày 06 /5 /2021
Trụ sở: 47 /384 Lạch Tray, P. Đằng Giang
Quận Ngô Quyền - Thành phố Hải Phòng
marketnews.vn@gmail.com /0905414241

BAN BIÊN TẬP - HÀNH CHÍNH & TRỊ SỰ
Chịu trách nhiệm: TBT. Nguyễn Việt Thắng

VPĐD BẢN TIN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
N.Khách La Thành - Văn phòng Chính phủ
226 Phố Vạn Phúc, Q. Ba Đình, TP Hà Nội
Phó Trưởng VP  TP. Hà Nội Giang Thị Hoa
Tel: 024 39 195 195 * Fax: 024 39 196 196

icon facebook  icon-zalo  icon youtube  www.tiktok.com/@thitruongvietnam.vn   Chung nhan Tin Nhiem Mang

VĂN PHÒNG - KHU VỰC ĐÔNG NAM BỘ
Trưởng VP Đồng Nai Nguyễn Duy Khương

VP HCM: 138 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3
Trưởng VP TP. HCM Nhà báo Đinh Gia Cư
Tel: (028) 39181920 * Fax: (028) 39181920

(*)Không sao chép dưới mọi hình thức
Tra cứu  | Đường Dây nóng: 09 05 08 2014

Vận hành bởi Công ty TNHH Bản tin Thị trường Việt Nam
icon up