Việc chênh lệch giá này ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp chịu thua lỗ hoặc lợi nhuận giảm.
Doanh nghiệp phải bán lỗ?
Giá cà phê trong nước liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Tính đến ngày 6/9, giá cà phê tăng gần gấp đôi so với hồi đầu năm lên mức 119.000 đồng/kg.
Mặc dù giá cà phê trong nước tăng mạnh nhưng giá xuất khẩu lại không tăng tương xứng. Dữ liệu giá từ tháng 2 đến tháng 7 cho thấy giá cà phê xuất khẩu luôn thấp hơn so với giá nội địa.
Mức chênh lệch lớn nhất ghi nhận hồi tháng 4 - thời điểm giá cà phê trong nước đạt kỷ lục trên 130.000 đồng/kg, giá cà phê xuất khẩu lúc đó chỉ khoảng 91.000 đồng/kg (tương đương 3.768 USD/tấn), tương đương mức chênh lệch lên tới khoảng 40.000 đồng/kg.
Mặc dù những tháng sau đó (từ tháng 5 - 7) giá cà phê xuất khẩu tiếp tục duy trì tăng còn giá mua trong nước giảm nhưng vẫn có khoảng chênh lệch khá lớn giữa hai thị trường.
Nguồn: Tổng Cục Hải quan, giacaphe.com (H.Mĩ tổng hợp)
Sự chênh lệch giá này ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nửa đầu năm.
Trong quý II, lợi nhuận Vinacafé Biên Hòa giảm 20% so với cùng kỳ năm trước mặc dù doanh thu thuần tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ (đạt 578 tỷ). Công ty cho biết lợi nhuận giảm mạnh chủ yếu do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao hơn mức tăng của doanh số.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vinacafé Biên Hòa tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái,đạt 1.062 tỷ đồng,lợi nhuận sau thuế của công ty giảm 4,6% xuống 187 tỷ đồng. Con số lợi nhuận này tương đương 40% mục tiêu lợi nhuận theo kịch bản thấp và 37% so với kịch bản cao.
Vinacafé là công ty có quy mô lớn nhất trong 4 doanh nghiệp cà phê trong nước niêm yết trên sàn chứng khoán tính đến hiện tại.
Lợi nhuận sau thuế củaVinacafé Biên Hòa qua các quý (Nguồn: Wichart)
Lũy kế nửa đầu năm, Minh Khang Capital Trading Public chỉ ghi nhận 709 triệu đồng doanh thu trong khi cùng kỳ năm trước con số này là hơn 60 tỷ đồng. Kết quả sau khi trừ đi hơn 300 triệu đồng chi phí quản lý, công ty lỗ sau thuế 133 triệu đồng.
Giá cà phê sẽ vẫn tiếp tục neo ở mức cao vì nguồn cung thiếu hụt
Kết thúc 10 tháng đầu niên vụ 2023 - 2024 (tính từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 7 năm nay), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt hơn 1,3 triệu tấn, tương đương 90% sản lượng của niên vụ hiện tại và giảm 12,4% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Nếu không tính lượng hàng tồn kho từ năm trước chuyển sang, Việt Nam sẽ chỉ còn lại khoảng 130.000 tấn cà phê để xuất khẩu trong 2 tháng còn lại của niên vụ 2023 - 2024 (từ tháng 8 đến đến hết tháng 9).
Sản lượng năm nay giảm cộng thêm tồn kho từ năm trước chuyển sang thấp là nguyên nhân chính khiến cho lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm trong 6 tháng gần đây.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong các tháng còn lại của quý III sẽ tiếp tục giảm do nguồn cung thấp. Đến tháng 10, khi vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025 bắt đầu, thì nguồn cung cà phê mới tăng trở lại.
Chia sẻ với chúng tôi về vụ thu hoạch tới, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco DakLak - một trong doanh nghiệp thuộc Top 8 thị phần xuất khẩu cà phê, cho rằng sản lượng chắc chắn giảm do thời tiết bất lợi và diện tích trồng bị thu hẹp.
Đồng thời, tồn kho của vụ 2023-2024 chuyển sang vụ tới cũng không còn. Do đó, nguồn cung sẽ tiếp tục hạn chế. “Trong vụ hiện tại, tình trạng khan hàng đã xảy ra ngay từ tháng 5”, ông Huy cho biết.
Ngoài ra, tình trạng sương giá tại Brazil, quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, cũng đang gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng cà phê của nước này. Do đó trong vụ mới, các nhà rang xay sẽ buộc phải mua robusta Việt Nam. Điều này kéo theo tình trạng khan hàng năm nay thậm chí sẽ sớm hơn, dự kiến từ tháng 3. Nếu thuần về vấn đề cung - cầu, giá cà phê sẽ khó lòng giảm trong niên vụ mới.
Tổng Giám đốc Simexco DakLak cũng cho rằng tình trạng đầu cơ, thổi giá cà phê năm tới sẽ hạn chế hơn trong năm tới do giá neo ở mức cao.
“Năm ngoái, giá vẫn chưa đạt đỉnh nên tình trạng đầu cơ diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, năm nay, giá cà phê neo ở mức cao nên ít có khả năng tình trạng này sẽ tái diễn ”, ông Huy nói.
Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco DakLak (Ảnh: H.Mĩ)
Giá cà phê tăng cao cũng tạo áp lực tài chính cho những nhà xuất khẩu. Khi giá cà phê tăng gấp đôi, các doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị lượng tiền gấp đôi so với trước. “Hiện nay, chúng tôi đã phải đàm phán rất sát với các tổ chức tín dụng để chuẩn bị vốn vay”, ông Huy nói.
Ngoài ra, theo ông với tình hình nguồn cung bị thắt chặt như hiện nay, các doanh nghiệp không nên ký các hợp đồng kỳ hạn giao quá xa để tránh rủi ro thiếu hàng giao cho khách hoặc buộc phải mua với giá cao.
H.Mĩ /Doanh Nhân Việt Nam
TỪ KHÓA: #Cà phê #sản xuất cà phê #xuất khẩu cà phê #giá cà phê #Thị trường Việt Nam