Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, cũng là thị trường trọng điểm mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam hướng tới để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Theo dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ lần đầu tiên vượt mức 100 tỷ USD vào năm 2021 với con số 111,5 tỷ USD. Bước sang năm 2022, dù đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thương mại 2 chiều vẫn có sự tăng trưởng đáng ghi nhận với quy mô kim ngạch đạt gần 124 tỷ USD.
Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ảnh minh hoạ
Sang năm 2023 giảm xuống còn 110,8 tỷ USD (giảm 10,5% so với năm 2022), trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ lượng hàng hóa trị giá 97 tỷ USD, giảm 11,3% so với năm 2022, nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 13,8 tỷ USD, giảm 4,5%. Thặng dư thương mại với Hoa Kỳ đạt 83,2 tỷ USD, giảm 12,3% so với năm 2022.
Năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Hoa Kỳ ước đạt hơn 132 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ gần 119 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 13 tỷ USD, tăng 7,3%. Như vậy, thặng dư thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ ước đạt 106 tỷ USD, tăng hơn 26%.
Những con số trên khẳng định Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ hai; trong khi Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Hoa Kỳ tại khu vực ASEAN, giữ vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ Việt Nam bao gồm giày dép, đồ gỗ nội thất, máy móc và thiết bị quang học.
Theo bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC), hiện nay, Hoa Kỳ là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, và đây cũng là thị trường trọng điểm mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam hướng tới để thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu.
Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế - đánh giá, việc này sẽ có nhiều tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của các nước trong đó có Việt Nam. Chính sách của ông Donald Trump hướng đến Hoa Kỳ, do đó, có thể đánh thuế cao đối với hàng nhập khẩu và một số quốc gia.
Tuy nhiên, ông Donald Trump là một nhà kinh doanh và có những cái nhìn rất sắc bén. Chúng ta cũng hy vọng rằng những chính sách của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump nếu không có những gì quá khác biệt so với nhiệm kỳ trước thì đây là cơ hội tốt cho Việt Nam có thể đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.
Cũng theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, hiện, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ. Với Tổng thống Donald Trump và chính quyền Hoa Kỳ hiện nay, họ hiểu Việt Nam nhiều hơn, do đó, họ cũng không '‘săm soi'’ quá mức với hàng hóa Việt Nam. Tất nhiên, họ vẫn có những đòi hỏi về yêu cầu hàng hóa để đảm bảo hàng xuất khẩu vào nước họ phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, vì vậy, chúng ta cũng phải tự vươn lên để đáp ứng các tiêu chuẩn mà họ đặt ra.
Nhưng những điều này theo tôi không quá quan trọng, bởi khi kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng tốt, thu nhập của người dân Hoa Kỳ tăng, chi tiêu của họ cũng sẽ tăng và họ sẽ đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa. Mặt khác, sản xuất của họ tăng trưởng tốt thì họ cũng phải nhập khẩu nguyên vật liệu, linh phụ kiện. Như vậy, đây là những điều kiện để chúng ta có thể xuất khẩu hàng hóa được tốt hơn.
Chính phủ Hoa Kỳ đánh thuế tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào thị trường của họ. Đánh thuế đồng nghĩa hàng hóa bán cao hơn, bán khó hơn nhưng việc này áp dụng cho cả thế giới không chỉ riêng Việt Nam.
Việc đánh thuế Mexico cũng có lợi cho hàng hóa của Việt Nam bởi Mexico chủ yếu xuất khẩu hàng nông sản vào Hoa Kỳ, năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ tốt hơn. Chưa kể, cách thức điều hành tỷ giá hối đoái theo hướng giữ ổn định VND với USD. Chúng ta không phá giá đồng tiền, do đó, chúng ta hoàn toàn có khả năng xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Mặt khác, nếu chúng ta giữ ổn định VND với USD sẽ làm cho các nhà đầu tư tích cực đầu tư vào Việt Nam, nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng cao hơn, chúng ta sẽ tiếp cận được máy móc, công nghệ mới của thế giới nhiều hơn và khả năng xuất khẩu sẽ tốt hơn.
Tất nhiên, cũng sẽ có những sự thay đổi, chúng ta phải theo dõi một cách chặt chẽ, linh hoạt, chủ động tích cực thay đổi mình để thích ứng. Tuy nhiên, bức tranh chung đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung và sang thị trường Hoa Kỳ nói riêng sẽ tốt hơn.
Bộ Công Thương đồng hành cùng doanh nghiệp xuất khẩu
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân - đánh giá, hiện cơ chế cảnh báo của Việt Nam rất tốt nên các doanh nghiệp cũng đã tránh được các vụ kiện phòng vệ thương mại. Cùng với việc doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, phát triển theo chuỗi, việc người Hoa Kỳ khi mua hàng hóa của Việt Nam cũng sẽ sẵn sàng chia sẻ rủi ro. Họ cũng nghĩ cách để có thể nhập khẩu được hàng hóa Việt Nam một cách dễ dàng.
Mặt khác, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng cũng cho rằng, nếu chính sách ngoại giao của Việt Nam khéo léo, chúng ta không những tránh được rủi ro còn đứng trước cơ hội rất lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu của mình.
Hiện Việt Nam đang xếp sau Trung Quốc và Mexico về con số xuất siêu sang thị trường Hoa Kỳ. Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – nhận định, mục tiêu của ông Donald Trump là giảm thâm hụt thương mại; thúc đẩy sản xuất trong nước và thu hút đầu tư.
Để duy trì kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, hiện Bộ Công Thương đã vạch ra 2 kịch bản. Kịch bản khả quan là Hoa Kỳ duy trì chính sách thuế hiện hành đối với hàng Việt Nam. Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng xuất khẩu.
Ở kịch bản thứ hai, nếu tác động thuế quan gắt gao, chặt hơn có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, khiến xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam có thể ảnh hưởng ít nhiều. Đối với kịch bản này, Bộ Công Thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong việc đa dạng hoá thị trường trong thời gian tới.
Ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital – cho hay, chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ vẫn duy trì được đà phát triển ổn định dưới thời chính quyền Tổng thống Trump.
Chính sách "Ngoại giao cây tre" khéo léo của Việt Nam trong việc duy trì quan hệ tốt với tất cả các cường quốc trên thế giới đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành công, và không có lý do gì để tin rằng điều này sẽ thay đổi. Mặc dù có thể Hoa Kỳ sẽ áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu, nhưng chúng tôi cho rằng rất khó có khả năng Hoa Kỳ sẽ áp thuế nặng (20-30%) đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Hơn nữa, nếu Hoa Kỳ áp thuế toàn diện, Việt Nam vẫn sẽ giữ được lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh khác về dòng vốn FDI. Do đó, những yếu tố khiến Việt Nam hấp dẫn đối với các nhà sản xuất và đã thu hút hàng tỷ USD FDI sẽ tiếp tục duy trì.
Việc hai nước chính thức tuyên bố nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023 đã tạo nền tảng vững chắc, giúp hoạt động hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất trên tất cả các trụ cột, trong đó trụ cột kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục đóng vai trò là động lực trung tâm thúc đẩy quan hệ hai nước.
Nguyễn Hạnh /Báo Công Thương