Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, đã và đang mở ra cơ hội cho người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận thực phẩm và đồ uống chất lượng cao của Anh.
Đại sứ quán Anh tại Hà Nội vừa công bố Báo cáo Thương mại nông nghiệp Anh - Việt Nam với tiêu đề “Kết nối Vương quốc Anh và Việt Nam trong nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống”.
Theo báo cáo, một số yếu tố chính tác động mạnh vào mối quan hệ thương mại nông nghiệp giữa hai nước đó chính là nền kinh tế Việt Nam thường được ví như con rồng đang trỗi dậy ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Báo cáo nêu rõ, với dân số trẻ cùng tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển, có thu nhập tăng dần đều và thói quen tiêu dùng ngày một tinh tế, thị trường Việt Nam đang gia tăng nhu cầu về các sản phẩm chất lượng cao và có nguồn gốc nước ngoài, mang lại cơ hội hấp dẫn cho thực phẩm và đồ uống của Vương quốc Anh.
Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực, đã và đang mở ra cơ hội cho người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận thực phẩm và đồ uống chất lượng cao của Anh.
Thương mại nông nghiệp Việt Nam - Vương quốc Anh còn nhiều dư địa để đột phá tăng trưởng. Ảnh: Huỳnh Quang
Bà Hoàng Lê Hằng - Bí thư thứ nhất, Thương vụ Việt Nam tại Anh - cho biết, xuất khẩu nông sản Việt Nam duy trì mức tăng trưởng tốt trong 3 năm qua một phần nhờ thực thi UKVFTA. Theo hiệp định, 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả được xóa bỏ ngay. Điều này tạo lợi thế cạnh tranh cho nhiều nông phẩm Việt Nam so với sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ những nước chưa có hiệp định thương mại tự do với Anh.
Không những vậy, sự năng động, tích cực của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Anh, cùng với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh và các hiệp hội nghề như Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ tại TP. Hồ Chí Minh... cũng góp phần duy trì thành tích xuất khẩu nông sản sang Anh.
Hàng nông sản của Việt Nam vẫn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam vào Anh, hiện chiếm 4,8%. Ảnh: Thắng Anh
Đáng chú ý, Báo cáo Thương mại nông nghiệp Anh - Việt Nam cũng khẳng định rằng, thương mại nông nghiệp giữa hai bên còn nhiều dư địa để đột phá tăng trường. Báo cáo nêu rõ, các doanh nghiệp Anh đang mong muốn khám phá Việt Nam như một thị trường mới để giới thiệu nhiều loại thực phẩm và đồ uống chất lượng cao.
Thực phẩm và đồ uống là ngành sản xuất và chế biến mang lại doanh thu lớn nhất của Anh với các quy định và quy trình chứng nhận nghiêm ngặt. Cách tiếp cận toàn diện nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm của Anh giờ đây đã trở thành một chuẩn mực toàn cầu.
Các sản phẩm nông sản Anh xuất khẩu sang Việt Nam đáng chú ý bao gồm rượu whisky, hải sản và bánh kẹo. Đối với rượu whisky, khoảng 85% rượu whisky được tiêu thụ tại Việt Nam đến từ Scotland. Nhờ UKVFTA, thuế nhập khẩu 45% sẽ giảm dần trong vòng 6 năm xuống mức 0% (mức hiện tại là 24%). Đây sẽ là một nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm này.
Trước đó, nhân chuyến thăm của Cao ủy Thương mại Anh tại châu Á - Thái Bình Dương Martin Kent tới Việt Nam, chia sẻ với báo chí, ông Martin Kent đã cho rằng, sản phẩm của Anh đã được ưa chuộng khắp Việt Nam như hải sản Anh cũng rất được ưa chuộng ở Việt Nam. Các sản phẩm của Anh như cua nâu, tôm hùm được người tiêu dùng Việt Nam trên khắp cả nước yêu thích và được ưa chuộng vì hương vị hấp dẫn nhờ được nuôi trồng ở vùng nước sạch, trong và mát quanh Quần đảo Anh.
Ông Martin Kent cũng cho biết, cá hồi Scotland là mặt hàng thực phẩm xuất khẩu lớn nhất của Vương quốc Anh và có rất nhiều cơ hội để sản phẩm cao cấp này được tiêu thụ tại các cửa hàng dịch vụ ăn uống cao cấp tại Việt Nam. Và thật phấn khởi, chúng ta sẽ sớm được chứng kiến chuyến hàng thịt lợn và gia cầm đầu tiên của Anh đến Việt Nam. Đây là thời điểm quan trọng trong mối quan hệ thương mại nông nghiệp của chúng ta vì đây là sản phẩm thịt gia súc gia cầm đầu tiên được phép xuất khẩu từ Vương quốc Anh.
Ngược lại, hàng nhập khẩu từ Việt Nam sang Anh chủ yếu bao gồm trái cây nhiệt đới, cà phê, các loại hạt và hải sản. Theo báo cáo, năm 2023, giá trị xuất khẩu cá và hải sản có vỏ của Việt Nam sang Anh đạt gần 300 triệu USD, đưa thủy sản trở thành nhóm sản phẩm đứng thứ 5 trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ Việt Nam sang Anh.
Bên cạnh đó, với sự mở rộng nhanh chóng của các nhà hàng Việt Nam tại Anh, người tiêu dùng Anh cũng có thể thưởng thức nhiều loại nông sản Việt Nam đang được bày bán phong phú ở các siêu thị.
Đơn cử như vào tháng 1/2023, UBND huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình tổ chức lễ xuất khẩu sang Anh chuyến hàng đầu tiên 7 tấn cam Cao Phong. Tiếp đó, vào tháng 5/2023, lô hàng 5 tấn sầu riêng Ri6 tiêu biểu của Việt Nam được phân phối đến các siêu thị trên khắp nước Anh...
Tuy nhiên, theo đánh giá, hàng nông sản của Việt Nam vẫn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam vào Anh, hiện chiếm 4,8%. Thực trạng này cho thấy cơ hội tăng trưởng to lớn và quan trọng trong lĩnh vực nông sản và các mặt hàng liên quan, dự kiến sẽ đóng vai trò đáng kể hơn trong việc định hình quan hệ thương mại giữa Anh - Việt Nam.
Trước đó, với sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Anh, 8 doanh nghiệp Việt Nam đã trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thực phẩm và đồ uống tại Hội chợ thực phẩm đồ uống quốc tế (IFE) 2024, diễn ra từ ngày 25-27/3 tại ExCel, Trung tâm triển lãm quốc gia lớn nhất London của Anh.
Các gian hàng Việt Nam tại hội chợ thu hút khách tham quan với các sản phẩm trái cây tươi như bưởi, ổi, sầu riêng, thanh long ruột đỏ, măng cụt Lái Thiêu; hải sản đông lạnh; bún phở khô các loại; cà phê và trà các loại; các sản phẩm từ dừa như nước dừa, dừa sấy, dầu dừa; các sản phẩm từ gừng… Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp tại Anh gặp gỡ trực tiếp khách hàng tiềm năng và nắm bắt xu hướng thị trường.
Khánh An /Báo Công Thương