Kích cầu tiêu dùng, thời gian qua, ngành công thương đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu. Đây là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khai thác thị trường, tiêu thụ hàng hóa, từng bước phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh (SXKD) sau đại dịch Covid - 19, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thị trường tiêu dùng đang từng bước phục hồi
Đại dịch Covid - 19 đã tác động mạnh mẽ đến đời sống, tình hình phát triển KT - XH, thực tế, sức mua thời gian qua sụt giảm mạnh. Lượng hàng hóa bán ra trong ngày tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống trên địa bàn… có những thời điểm (năm 2020, 2021) giảm hơn 50% so với trước dịch.
Trước tình hình đó, nhằm phục hồi thị trường tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời giúp DN từng bước phục hồi, ổn định SXKD, chính quyền tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, chỉ đạo các cơ quan thuế, ngân hàng vận dụng linh hoạt việc miễn, giảm thuế, khoanh và giảm lãi vay...
Sở Công thương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu; triển khai nhiều phiên chợ hàng Việt, điểm bán hàng Việt; hỗ trợ DN, hệ thống phân phối tuyên truyền quảng bá giới thiệu hàng hóa, sản phẩm… cũng như tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Nói về lợi ích mà hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa mang lại, ông Phan Việt Anh, Phó trưởng phòng Thương mại, Trung tâm Phát triển Công thương (Sở Công thương) cho biết: Kết nối cung - cầu không chỉ giúp DN sản xuất và bán lẻ ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm mà còn là tiền đề vững chắc giúp sản phẩm Việt Nam vươn ra thị trường Quốc tế. Đồng thời giúp DN đánh giá chính xác nhu cầu thị trường, từ đó có kế hoạch, chiến lược SXKD phù hợp thực tế.
Cùng với những chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng của tỉnh, các DN sản xuất, kinh doanh bán lẻ và hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn đã và đang tung ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sâu để kích thích sức mua.
Kích cầu nhu cầu mua sắm của người dân, Siêu thị Go! Vĩnh Phúc đã phối hợp với các nhà cung cấp hàng hóa triển khai nhiều chương trình khuyến mãi lớn, giảm giá sâu như: Giảm 10% giá bán đối với tất cả các mặt hàng tươi sống từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần; Chương trình giá sốc cuối tuần, nhiều sản phẩm giảm sâu từ 30 - 40% so với giá bán thông thường, trong đó, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Ngoài ra, để làm mới và nâng cao chất lượng dịch vụ, năm 2021 Siêu thị Go! Vĩnh Phúc đã đầu tư cải tiến không gian mua sắm, giúp khách hàng có được trải nghiệm mua sắm hiện đại và chuyên nghiệp. Nhờ đó, việc kinh doanh của đơn vị đang dần phục hồi, doanh thu, sản lượng bán hàng trong tháng 6 đầu năm 2022 tăng 7% so với kỳ vọng.
Không chỉ các DN kinh doanh bán lẻ, hệ thống phân phối hàng hóa triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá, mà các DN sản xuất cũng tung ra nhiều chương trình ưu đãi, chuyển hướng chiến lược kinh doanh để đảm bảo tăng trưởng, mục tiêu đề ra.
Ông Phùng Đức Cường, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Nấm Phùng Gia, xã Tam Hợp (Bình Xuyên) cho biết: "Dịch Covid - 19 tác động mạnh đến hoạt động SXKD các của DN, trong đó có DN của chúng tôi. Giá nguyên liệu đầu vào thời gian qua tăng mạnh, khiến chi phí sản xuất của DN đội lên rất nhiều.
Song, để kích thích sức mua, phục hồi, ổn định SXKD, DN chúng tôi vẫn giữ nguyên giá bán các sản phẩm và phối hợp với các đại lý, hệ thống phân phối thường xuyên chạy chương trình ưu đãi, giảm giá… Cùng đó, đẩy mạnh truyền thông, xây dựng thêm kênh bán hàng Online để tìm kiếm khách hàng, thị trường mới".
Theo ông Cường, để các DN phục hồi, ổn định SXKD, trong thời gian tới, Chính phủ, tỉnh cần tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ về thuế, lãi suất ngân hàng và tiếp tục đồng hành, hỗ trợ DN tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm, nhất là các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa, giúp DN sản xuất và bán lẻ ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sở ngành, cùng với những chính sách ưu đãi, khuyến mãi của các DN, hệ thống phân phối, kênh bán lẻ đã tạo ra cú hích, kích cầu tiêu dùng tăng mạnh.
Minh chứng rõ nét là 6 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt hơn 27.300 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ 2021. Kết quả trên cũng cho thấy, kích cầu tiêu dùng hàng hóa là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ DN đứng vững trong khó khăn bởi dịch Covid - 19 và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bài, ảnh: Trần Tỉnh
Nguồn Báo Vĩnh Phúc