Trong 4 ngày Tết (từ 29 đến hết ngày mùng 3), chùa Hương đã đón hơn 2 vạn lượt khách thập phương về tham quan, vãn cảnh. Theo kế hoạch vào mùng 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ sẽ chính thức khai hội Chùa Hương 2025.
Với chủ đề: “Chùa Hương điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt”, Lễ hội Chùa Hương chính thức khai hội vào mồng 6 Tết như thông lệ và kéo dài đến ngày 1/5/2025, (tức mùng 4/4 năm Ất Tỵ). Lễ hội có nhiều nét mới đem đến cho du khách những ấn tượng, từ Lễ khai hội đến các sự kiện đặc biệt.
Sáng mùng 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội sẽ tổ chức công bố Quyết định công nhận Khu di tích, Danh thắng Chùa Hương là Khu Du lịch cấp thành phố và chính thức khai hội Chùa Hương 2025. Ảnh: VT
Theo ông Bùi Văn Triều, Trưởng Ban Quản lý khu Di tích và Thắng cảnh Hương Sơn, tuy mùng 6 tháng Giêng mới khai hội, nhưng từ chiều 29 Tết đến mùng 4 Tết Ất Tỵ, Ban Quản lý khu Di tích đã đón trên 2 vạn lượt khách thập phương về tham quan, lễ Phật. Hiện công tác chuẩn bị đã sẵn sàng cho ngày khai hội Lễ hội chùa Hương 2025, đón nhận quyết định công nhận khu di tích, danh thắng Chùa Hương là Khu Du lịch cấp thành phố.
“Công tác vận chuyển du khách trên dòng suối Yến đã được giao cho HTX dịch vụ du lịch Chùa Hương xây dựng kế hoạch, kịch bản cũng như phân luồng, tuyến; Sắp xếp cho lái đò đi đúng theo lượt và áp dụng công nghệ vào điều hành, hạn chế tối đa việc chèo kéo và những tồn tại làm ảnh hưởng đến văn minh trong văn hoá du lịch”, ông Triều cho hay.
Một trong những điểm mới năm nay là Ban Tổ chức đã tích hợp vé tham quan thắng cảnh và vé xuồng đò, tạo sự tiện lợi và minh bạch trong dịch vụ. Các bến, bãi đỗ xe được quy hoạch chặt chẽ, đảm bảo chất lượng dịch vụ và giữ giá cả hợp lý.
Tuần lễ văn hóa - du lịch diễn ra từ ngày 11/3-18/3 (tức ngày 12/2-19/2 âm lịch - Lễ Khánh đản năm 2025 cũng được chuẩn bị chu đáo. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ và hội chợ thương mại du lịch với các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện và các tỉnh, huyện bạn lân cận, cùng các sản phẩm du lịch Chùa Hương, như rau sắng, củ mài, rượu mơ Hương tích… nhằm quảng bá các sản phẩm nông sản địa phương thu hút du khách về tham quan.
Quần thể danh thắng Hương Sơn với nhiều chùa và đền khác nhau. Ảnh: BQL
Phối hợp với nhà chùa Tùng Lâm Hương tích tổ chức các chương trình, triển lãm các tác phẩm nghệ thuật ảnh về Chùa Hương xưa và nay; đêm thơ nguyên tiêu; đua thuyền; múa rồng, rước kiệu ngày xuân, lễ khánh đản, lễ ngũ bách danh, chương trình văn nghệ truyền thống đặc sắc; trò chơi dân gian; mua rối cạn; cồng chiêng An Phú, Chèo Đông Bình, Chèo Hồng Sơn…biểu diễn văn hóa, nghệ thuật truyền thống địa phương gồm: Rối cạn Tế Tiêu – Thị trấn Đại Nghĩa, cồng chiêng người Mường – xã An Phú, hát Chèo…
Một điểm mới nổi bật của Lễ hội Chùa Hương năm 2025 là tuyến cáp treo Hương Bình kết nối giữa khu vực Chùa Hương (Hà Nội) và Chùa Tiên xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đã hoạt động, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển và tạo thuận lợi cho người dân, du khách hành hương giữa hai vùng lễ hội, giúp giảm ách tắc giao thông, góp phần thúc đẩy kết nối về văn hóa, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch của Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam và vùng lân cận.
Ngày khai hội chính thức Lễ hội chùa Hương là ngày mùng 6 tháng Giêng, tức ngày 3/2/2025, hứa hẹn sẽ là sự kiện văn hóa lớn không chỉ của huyện Mỹ Đức mà còn mang tầm vóc quốc gia, thu hút đông đảo du khách thập phương về tham quan, chiêm bái.
Thủy Tiên /Nhà báo và Công luận