Hướng tới trật tự thế giới mới: Đa phương, đa cực - Trật tự địa chính trị toàn cầu đang trải qua những thay đổi sâu sắc với sự trỗi dậy của các tập hợp lực lượng mới, có khả năng dịch chuyển cán cân quyền lực. Trong bối cảnh đó, chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 sẽ tạo ra những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Mỹ, tác động đến phần còn lại của thế giới.
Phương Tây có thể đối mặt với sự chia rẽ
Nhiều ý kiến cho rằng, Tổng thống Donald Trump sẽ thay đổi mạnh mẽ chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiệm kỳ mới. Ông Trump từng nói rằng sẽ không bảo vệ một quốc gia NATO nếu quốc gia đó không chi đủ tiền cho quốc phòng tập thể.
Thậm chí đã có ý kiến dự đoán rằng ông Trump sẽ thực sự rút khỏi NATO, mặc dù cái giá phải trả cho việc Mỹ từ bỏ đồng minh truyền thống là rất lớn. Trong 80 năm qua, Mỹ đã hành động như một siêu cường toàn cầu để bảo vệ phương Tây và các giá trị chung về tự do chính trị và kinh tế. Các nhà ngoại giao lo ngại rằng, việc rút lui khỏi cách tiếp cận truyền thống có thể tạo “khoảng trống” cho các đối thủ cạnh tranh của Mỹ, như Nga, Trung Quốc, không ngừng mở rộng ảnh hưởng, nhất là tại các địa bàn cạnh tranh địa chính trị chiến lược. Việc ông Trump lựa chọn người đồng hành là Thượng nghị sĩ Ohio J.D. Vance càng làm tăng thêm những lo ngại trên khi ông J.D. Vance là một trong những người chỉ trích gay gắt nhất đối với việc Washington tăng cường viện trợ cho Ukraine.
Liên minh châu Âu cũng nên chuẩn bị cho tình trạng quan hệ thương mại với Mỹ ngày càng xấu đi. Trong cuộc phỏng vấn vào tháng 7, ông Trump một lần nữa cáo buộc người châu Âu đối xử bất công với Mỹ. Những khía cạnh này, cùng với vấn đề đóng góp cho ngân sách quốc của các nước thành viên NATO, sẽ tiếp tục xoáy sâu những bất đồng giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh minh họa: Socialeurope
Thế kiềng ba chân Mỹ - Nga - Trung
Trong quan hệ với Nga, Chính quyền Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ nối lại các kênh liên lạc với Nga, không chỉ trong vấn đề Ukraine, mà còn nhằm giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng giữa hai nước. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Ivan Timofeev, Tổng Giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) cho rằng, mối quan hệ Mỹ - Nga được quyết định bởi các yếu tố cấu trúc chứ không phải bởi vai trò cá nhân Tổng thống Mỹ.
Bởi vậy, sự lạnh nhạt trong quan hệ hai nước diễn ra dưới thời Tổng thống Joe Biden, và nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Ông Trump sẽ tích cực vận động hành lang hơn để Mỹ có thể kiểm soát và chiếm lĩnh thị trường châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) và Nga tiếp tục cuộc chiến cấm vận thì xu hướng này của ông Trump ngày càng thực tế.
Trong nhiệm kỳ của mình 2016 - 2020, ông Donald Trump thể hiện là một người ủng hộ chính sách tăng cường kiềm chế Trung Quốc. Luận điệu chống Trung Quốc của ông Trump được kết hợp với các biện pháp hạn chế rất cụ thể. Trong nhiệm kỳ của ông Joe Biden, chính sách chống Trung Quốc của Mỹ có phần ôn hòa hơn nhưng về cơ bản tình trạng cạnh tranh giữa hai nước tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, sự quay trở lại của ông Trump đồng nghĩa với việc cách tiếp cận của Mỹ đối với Bắc Kinh sẽ quyết liệt và quyết đoán hơn, dẫn đến nguy cơ chiến tranh thương mại gay gắt giữa hai cường quốc này.
Nói tóm lại, trong “kỷ nguyên Trump 2.0”, cách tiếp cận của Mỹ đối với Nga và trong vấn đề Ukraine có thể sẽ được điều chỉnh so với chính quyền tiền nhiệm; bởi ở góc độ quan điểm cá nhân, ông Trump không coi Nga là đối thủ. Hơn nữa, ông Trump cũng không mong muốn kịch bản Nga - Trung xích lại gần nhau, tạo ra đối trọng lớn hơn cho Mỹ và các đồng minh. Do đó, nhiều khả năng chủ trương của ông Trump sẽ gây ra những cản trở nhất định trong quan hệ Nga - Trung, tạo ra thế chân vạc “vừa hợp tác, vừa đề phòng” giữa ba cường quốc.
Thế chân vạc Mỹ - Trung - Nga. Ảnh minh họa: Reuters
Trung Đông vẫn là điểm nóng
Giới phân tích cho rằng, sự hỗ trợ dành cho Israel của chính quyền ông Trump trong 4 năm tới sẽ khó có quy mô tương tự như trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Có một số yếu tố khiến tình hình hiện tại ở Trung Đông trở nên phức tạp hơn nhiều và buộc Washington phải có sự tính toán kỹ lưỡng hơn so với trước đây trong việc tiếp cận các mục tiêu chính sách của mình tại khu vực.
Trong vấn đề hạt nhân Iran, chiến thắng của Donald Trump có thể sẽ dẫn đến áp lực gia tăng bởi lập trường cứng rắn hơn của Đảng Cộng hòa trong quan hệ với nước Cộng hòa Hồi giáo. Đối với Tehran, chiến thắng của ứng viên Đảng Cộng hòa có thể kéo theo làn sóng trừng phạt mới. Có thể các sắc lệnh hành pháp mới sẽ xuất hiện, thắt chặt các chế độ trừng phạt và thông qua các luật mới về các biện pháp hạn chế chống lại Iran, khiến cho Trung Đông vẫn sẽ là một điểm nóng của thế giới.
Chiến lược trọng tâm ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Giới phân tích cho rằng, thời gian tới, Mỹ sẽ đẩy mạnh hoạt động chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó tập trung cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc trong các vấn đề thương mại, công nghệ và các vấn đề địa chính trị, như vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên hay căng thẳng ở eo biển Đài Loan; đồng thời tăng cường hợp tác với các đồng minh, đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Ấn Độ, Úc…
Trong đó, ASEAN sẽ tiếp tục đóng vai trò lớn trong chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền ông Trump. Thực tế, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, hợp tác giữa Mỹ và ASEAN đã có bước phát triển mạnh mẽ. Về kinh tế, Mỹ hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào ASEAN, với tổng giá trị thương mại giữa hai bên đạt tới 500 tỷ USD vào năm 2023. Kể từ năm 2002, Mỹ đã cung cấp hơn 14,7 tỷ USD viện trợ kinh tế, y tế và an ninh cho các quốc gia trong khu vực, khẳng định vai trò không thể thiếu trong sự phát triển toàn diện của ASEAN. Mối quan hệ hợp tác an ninh - quốc phòng giữa Mỹ và các nước khu vực cũng được tăng cường trong thời gian qua.
Tuy nhiên, kịch bản ông Trump thắng cử cũng gây ra có thể khiến các nước ASEAN có nhiều sự thay đổi về cách tiếp cận. Vấn đề hiện hữu nhất là nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump đã được khẳng định sẽ đi kèm với mức tăng thuế quan lớn (thậm chí tạo ra một sự căng thẳng thương mại toàn cầu), qua đó sẽ tác động lớn đến các mạng lưới sản xuất trên khắp châu Á, đặc biệt ở Đông Nam Á. Điều này đặt ra yêu cầu các quốc gia trong khu vực phải có những điều chỉnh chiến lược phù hợp để bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong bối cảnh mới.
Hà Anh /Nhà báo và Công luận