Hai dự án hạ tầng giao thông gồm Đường vành đai 3 - TP. HCM và Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá phát triển không chỉ cho Đồng Nai nói riêng mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Tăng kết nối, thúc đẩy phát triển
Trong ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vào ngày 16-6, Quốc hội đã thông qua các nghị quyết về chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông, trong đó có 2 dự án Đường vành đai 3 - TP. HCM và Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Đây là 2 dự án rất được chờ đợi với kỳ vọng tạo ra sự đột phá về kết nối hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển đối với Đồng Nai nói riêng và của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Sơ đồ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Đường vành đai 3 - TP. HCM là một trong những dự án giao thông kết nối vùng quan trọng bậc nhất của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án Đường vành đai 3 - TP. HCM có tổng chiều dài hơn 76km, đi qua địa bàn 4 địa phương gồm: TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Đoạn đi qua địa bàn Đồng Nai có chiều dài hơn 11km. Dự án không chỉ có ý nghĩa tăng cường kết nối giao thông nội vùng Đông Nam Bộ mà còn đảm nhận sứ mệnh kết nối giao thông giữa vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Trong khi đó, việc đầu tư dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có mục tiêu đưa vào khai thác đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải. Từ đó, tạo động lực, không gian phát triển vùng Đông Nam bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Đối với Đồng Nai, cả 2 dự án giao thông nói trên đều là những dự án được địa phương chờ đợi thực hiện và đặt nhiều kỳ vọng tạo ra sự đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Đồng Nai đã có các nghị quyết để bố trí nguồn vốn của địa phương tham gia thực hiện các dự án này.
Áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù
Đối với dự án Đường vành đai 3 - TP. HCM, theo nghị quyết, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư khoảng 76,34km đường, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Về giải phóng mặt bằng toàn tuyến sẽ thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch, trừ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (tỉnh Bình Dương) đã đầu tư.
Đối với dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc có chiều dài khoảng 53,7km, đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu; trong đó, đoạn qua địa bàn Đồng Nai có chiều dài 34km. Dự án được chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án vào năm 2026.
Để đáp ứng yêu cầu về tiến độ, các nghị quyết nhấn mạnh việc triển khai, thực hiện 2 dự án đều được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt.
Cụ thể, về nguồn vốn thực hiện dự án Đường vành đai 3 - TP. HCM, sẽ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã bố trí cho Bộ GT-VT về cho các địa phương. Theo đó, nguồn vốn được điều chỉnh về cho các địa phương là hơn 17 ngàn tỷ đồng. Số vốn này được phân bổ cho TP. HCM hơn 10,6 ngàn tỷ đồng; Đồng Nai 856 tỷ đồng; Bình Dương gần 4,3 ngàn tỷ đồng và Long An gần 1,4 ngàn tỷ đồng. Đồng thời, cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.

Sơ đồ tuyến Vành đai 3 đi qua các tỉnh phía Nam
Chính phủ chỉ đạo Bộ GT-VT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương liên quan xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư dự án (không bao gồm đường song hành - đường đô thị) hoàn trả vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp đầu tư dự án (không bao gồm ngân sách địa phương đầu tư đường song hành - đường đô thị).
Đối với dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, việc triển khai thực hiện sẽ áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt như: Chính phủ chỉ đạo Bộ GT-VT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương liên quan xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư dự án hoàn trả vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp đầu tư dự án. Những điều này được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công...
Duy Khương