Thị trấn Rạch Gòi (huyện Châu Thành A) đang từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hóa, đã xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt có hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế cao.
Trồng xen cây bắp nếp trong vườn chanh không hạt giúp ông Trần Văn Làng, ở ấp Xáng Mới B, thu lợi nhuận khá.
Thị trấn Rạch Gòi có nền nông nghiệp phát triển khá đa dạng, với nhiều loại cây trồng khác nhau. Người nông dân nơi đây luôn tìm tòi, nghiên cứu để trồng các loại cây mới, phù hợp với xu thế và nhu cầu thị trường. Trong 918ha đất nông nghiệp của thị trấn, hiện có gần 600ha là đất trồng rau màu, cây ăn trái, còn lại là đất trồng lúa. Diện tích cây ăn trái đang tăng dần với nhiều loại khác nhau như: chanh không hạt, nhãn Ido, cam sành, cam mật, măng cụt, sầu riêng,... Cùng với đó là làng hoa Xáng Mới đang phát triển tốt, cung cấp hoa và cây giống cho thị trường suốt năm.
Để có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng như ngày nay, phải kể đến sự mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm của người dân.
Cách đây hơn 4 năm, khi việc làm ruộng không còn mang lại giá trị kinh tế cao, ông Trương Văn Đức, ở ấp Xáng Mới B, mạnh dạn lên liếp, chuyển đổi 1ha đất lúa sang trồng nhãn Ido. Ông Đức chia sẻ: Ban đầu trồng nhãn tôi cũng có nhiều điều băn khoăn, bỡ ngỡ lắm. Tuy nhiên, thấy những người đi trước trồng có hiệu quả nên tôi quyết tâm trồng theo. Vừa trồng, tôi vừa học hỏi rồi rút kinh nghiệm để nắm vững kỹ thuật, giúp kết quả mùa sau đạt cao hơn mùa trước. Đến nay, vườn nhãn Ido của gia đình ông Đức đã thu hoạch được 2 vụ, tùy vào giá thị trường mà mỗi vụ có thể lãi được từ 5-10 triệu đồng/ha.
Trồng cây ăn trái được xem là một hướng đi bền vững, lâu dài của nhiều hộ nông dân ở thị trấn Rạch Gòi. Tuy nhiên, từ lúc trồng đến khi cây cho thu hoạch lại mất khá nhiều thời gian. Để cải thiện kinh tế, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình, một số nông dân tại đây linh hoạt trồng xen canh các loại rau màu, cây ngắn ngày trên cùng diện tích trồng cây ăn trái. Dù chỉ được trồng xen, thời gian thu hoạch nhanh, nhưng nhiều mô hình cũng đã giúp người nông dân có thêm thu nhập đáng kể, tạo sự phấn khởi trong sản xuất.
Tiêu biểu phải kể đến mô hình trồng bắp xen với chanh không hạt của ông Trần Văn Làng, ở ấp Xáng Mới B. Hơn một năm trước, gia đình ông Làng có trồng 0,3ha chanh không hạt. Trong thời gian chờ chanh phát triển, không nỡ để đất trống, ông Làng liền mua bắp nếp về tỉa hạt. Với mỗi 0,1ha đất, ông Làng tỉa được khoảng 4.800 gốc bắp, với số vốn bỏ ra chưa tới 1 triệu đồng. Việc trồng bắp không mất nhiều thời gian để chăm sóc, chỉ cực khoảng 20 ngày đầu sau khi xuống giống thôi vì phải tưới nước, bón phân kỹ càng. Sau đó là có thể bỏ cho bắp tự phát triển. Đến khi bắp được 2 tháng là có thể thu hoạch được, ông Làng cho biết.
Với mỗi cây bắp, ông Làng chỉ để lại một trái duy nhất, còn lại ông đã tuyển và bán bớt từ khi trái còn non với giá trên 20.000 đồng/kg. Hiện tại, bắp trái đang được thương lái thu mua với giá cao, riêng bán lẻ có thể lên tới 60.000 đồng/chục (14 trái). Ông Làng nhẩm tính, với 0,3ha đất trồng bắp, sau hơn 2 tháng, ông thu lãi được gần 30 triệu đồng. Hiện tại, ông đang tiếp tục gieo hạt chuẩn bị trồng lứa bắp tiếp theo. Song song đó, cây chanh không hạt của ông cũng đang phát triển tốt và có thể cho trái sau khoảng 1 năm nữa.
Cách làm của ông Làng cũng là cách mà nhiều người nông dân ở Rạch Gòi đang làm và đã mang lại hiệu quả. Theo ông Lê Văn Chính, Tổ trưởng Tổ kỹ thuật nông nghiệp thị trấn Rạch Gòi: Từ năm 2016 đến 2020, thị trấn Rạch Gòi đã tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ đất lúa kém hiệu quả, người dân đã chuyển sang trồng các loại cây ăn trái và trồng xen canh nhiều loại cây khác nhau. So với trồng lúa thì các loại cây này có hiệu quả kinh tế cao hơn và góp phần giúp thị trấn đa dạng hóa cây trồng.
Ông Đức, ông Làng chỉ là 2 trong số rất nhiều người nông dân của thị trấn Rạch Gòi năng động, sáng tạo, dám học hỏi và thay đổi để phát triển kinh tế. Qua đó, từng bước giúp bức tranh nông nghiệp của thị trấn thêm đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Bài, ảnh: ĐANG THƯ
Nguồn Báo Hậu Giang