Tổng thống Trump chính thức chia sẻ kế hoạch dự trữ Bitcoin chiến lược quốc gia, giữa bối cảnh Nga cũng đang phát triển tham vọng tiền số với tiềm năng thay đổi trật tự tài chính toàn cầu.
Tổng thống Donald Trump mới đây đã chính thức xác nhận kế hoạch xây dựng kho dự trữ chiến lược Bitcoin cho Mỹ, một động thái ông đã từng ám chỉ trong những tháng cuối của chiến dịch tái tranh cử.
Bitcoin vật lý trên một chồng tiền kim loại. Ảnh: Invezz
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh giá Bitcoin tăng vọt vượt ngưỡng 100.000 USD, nhờ tâm lý lạc quan của thị trường sau chiến thắng của Tổng thống Donald Trump.
Trong khi đó, Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin cũng đang cân nhắc kế hoạch dự trữ Bitcoin của riêng mình, làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra một “chiến tranh lạnh tiền điện tử”. Cuộc đua này không chỉ ảnh hưởng đến sự thống trị kinh tế toàn cầu mà còn định hình tương lai của tiền tệ.
Mỹ chính thức gia nhập đường đua
Phát biểu tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York tuần qua, Tổng thống Trump tuyên bố: “Chúng ta sẽ làm điều gì đó vĩ đại với tiền điện tử vì chúng ta không muốn Trung Quốc, hay bất kỳ ai khác, vượt mặt. Những nước khác đã bắt đầu, và chúng ta cần đi trước”.
Khi được hỏi liệu điều này có đồng nghĩa với việc xây dựng kho dự trữ Bitcoin tương tự kho dầu chiến lược của Mỹ, ông Trump khẳng định: “Đúng, tôi nghĩ vậy. Đây là điều tôi vẫn đang cân nhắc”.
Nga tăng tốc với tham vọng tiền điện tử
Nga cũng không chậm trễ trong việc thể hiện tham vọng của mình trong cuộc đua dự trữ Bitcoin. Sau khi chịu các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây và chứng kiến dự trữ ngoại hối bị đóng băng, Tổng thống Putin đã công khai ca ngợi Bitcoin như một giải pháp thay thế mạnh mẽ cho các hệ thống tài chính truyền thống.
Lý do Nga hướng đến Bitcoin khá rõ ràng: loại tài sản này mang đến khả năng né tránh hệ thống tài chính toàn cầu do đồng USD chi phối. Nếu Nga thành công, trật tự kinh tế hiện tại có thể bị đảo lộn, đặt ra những thách thức mới cho Mỹ và các đồng minh.
Đề xuất đầy tham vọng từ Quốc hội Mỹ
Tại Mỹ, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Cynthia Lummis đã trình Quốc hội dự luật có tên "Tăng cường đổi mới, công nghệ và cạnh tranh thông qua đầu tư tối ưu trên toàn quốc" (BITCOIN Act). Dự luật đề xuất chính phủ Mỹ mua 1 triệu Bitcoin trong vòng 5 năm tới để đối phó với khoản nợ công khổng lồ hiện đã lên tới 35 nghìn tỷ USD.
Hiện tại, Mỹ đang nắm giữ khoảng 200.000 Bitcoin bị tịch thu trong các vụ án hình sự, tương đương khoảng 20 tỷ USD. Số Bitcoin này có thể là nền tảng ban đầu cho kho dự trữ. Tuy nhiên, dự luật của bà Lummis đưa ra yêu cầu táo bạo hơn: chính phủ phải mua và giữ Bitcoin trong ít nhất 20 năm.
Rủi ro và tranh cãi
Việc hiện thực hóa kế hoạch này sẽ không hề rẻ. Với giá Bitcoin vượt 100.000 USD, chi phí mua 1 triệu Bitcoin ước tính lên tới 100 tỷ USD ở mức giá hiện tại. Các nhà phê bình cho rằng đây là một canh bạc mạo hiểm đối với loại tài sản mang tính đầu cơ, không có giá trị công nghiệp hay lợi tức bảo đảm.
Dẫu vậy, những người ủng hộ ông Trump tin rằng Bitcoin là lựa chọn hoàn hảo. Với nguồn cung cố định và tính chất phi tập trung, Bitcoin được coi là biện pháp phòng ngừa lạm phát và sự quản lý kém của chính phủ - những yếu tố ngày càng thu hút khi đồng USD đối mặt áp lực từ khoản nợ công và sự hoài nghi của quốc tế.
Quan ngại từ giới chuyên gia
Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ. Một số nhà phân tích cảnh báo rằng việc sử dụng tiền thuế để mua Bitcoin là hành động thiếu trách nhiệm. Họ cho rằng Bitcoin không tạo ra thu nhập và hoàn toàn dựa trên giá trị đầu cơ.
“Mua Bitcoin chẳng khác gì chơi trò chơi tìm kẻ ngốc hơn”, một nhà phân tích nhận xét. Việc tạo ra kho dự trữ có thể tiêu tốn hàng trăm tỷ USD, thông qua vay mượn hoặc in thêm tiền. Cả hai phương án đều có nguy cơ làm trầm trọng thêm lạm phát và suy yếu giá trị đồng USD.
Không chỉ vậy, kho dự trữ Bitcoin còn có thể khiến loại tài sản này hấp dẫn hơn đối với các ngân hàng, mở đường cho việc sử dụng Bitcoin làm tài sản thế chấp. Nếu giá Bitcoin lao dốc, hệ thống tài chính có thể rơi vào khủng hoảng, dẫn đến một đợt cứu trợ khác - lần này là dành cho tiền điện tử.
Tương lai của tiền tệ và quyền lực toàn cầu
Trong khi cuộc tranh luận tại Mỹ tiếp tục, động thái của Nga và các quốc gia khác cho thấy cuộc đua dự trữ Bitcoin đã vượt ra ngoài lĩnh vực tài chính. Nó hiện là một phần của cuộc cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Những quyết định trong vài năm tới sẽ không chỉ định hình tương lai của Bitcoin mà còn ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ trên thế giới.
Dũng Phan (Invezz) /Nhà báo và Công luận