QUẢNG NGÃI - Làm nghề ''đưa đò'' ở một trong những điểm trường xa xôi, khó khăn nhất tỉnh, 2 thầy giáo nơi rẻo cao thuộc xã Ba Lế (Ba Tơ) ngày ngày xắn quần, lội sông dẫn học trò đến lớp. Tấm lòng của người thầy đã giúp con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây không còn mù chữ, chắp cánh ước mơ cho tương lai.
Đó là câu chuyện về thầy giáo Thới Chiến, quê ở xã Ba Cung và thầy giáo Phạm Văn Rới, quê ở thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ). Hai thầy giáo đều đã bước sang tuổi 56 và đã cống hiến 27 năm thanh xuân để “cắm bản” tại xã Ba Lế. Trong đó, có hơn 20 năm miệt mài gieo chữ ở điểm trường Làng Tốt.
Thầy Thới Chiến dẫn học sinh về nhà ở xóm Vả Da Ri, thôn Làng Tốt, xã Ba Lế (Ba Tơ)
Lội sông dẫn trò ra lớp
Sáng sớm, sau khi quét dọn sân trường, lớp học sạch sẽ để chuẩn bị đón học sinh (HS), thầy Thới Chiến cầm theo mấy chiếc áo phao, vội vàng vượt sông Liên để sang xóm Vả Da Ri đón học trò.
Xóm Vả Da Ri là một xóm nhỏ với vỏn vẹn 16 nóc nhà, nằm biệt lập giữa sông nước. Ở xóm có 3 HS đang học lớp 1 và lớp 2 tại Trường Tiểu học và THCS Ba Lế, điểm trường thôn Làng Tốt, nơi thầy Chiến đang là giáo viên “cắm bản”.
Cẩn thận cài áo phao cho HS, thầy Chiến nói, ở xóm Vả Da Ri, muốn rời làng, chỉ có cách duy nhất là lội sông. Vào mùa nắng, khi nước sông cạn, HS có thể lội qua sông để đến lớp. Còn vào mùa mưa, chúng tôi phải cột dây thừng nối từ bờ bên này sang bờ bên kia, rồi lấy ruột xe ô tô làm phao, đặt HS ngồi lên đấy để đẩy qua bờ bên này.
Thầy Thới Chiến dẫn học sinh qua sông
“Ngày trước, khi người dân nơi đây còn chưa coi trọng chuyện học hành của con em, hầu như ngày nào, tôi cùng anh Rơi cũng lặn lội vào tận xóm để vận động, thuyết phục và tận tay dẫn HS ra lớp. Còn nay, cứ sáng ra, phụ huynh cõng các cháu qua sông. Chiều về, đến lượt giáo viên dẫn trò vượt sông về nhà để giao tận tay cho gia đình. Ở đây, ba mẹ các cháu phần lớn đều đi làm rẫy trên núi cao, khi trời tối mịt mới trở về nhà, nên chúng tôi đón các cháu về nhà thay cha mẹ", thầy Chiến chia sẻ.
Dòng sông Liên, đoạn từ xóm Vả Da Ri qua bờ nam, có chiều rộng hơn 50m với những tảng đá lởm chởm phủ đầy rêu xanh. Thầy Chiến vừa lội, vừa dặn Phạm Thị Bích, HS lớp 2 đi thật chậm, không được nghịch nước. Cô học trò nhỏ lặng lẽ nắm chặt tay thầy, rồi ngoan ngoãn theo chân thầy từ từ vượt sông. Qua đến bờ bên kia, Bích chạy vù lên lớp học, rồi hòa cùng chúng bạn. Lặng lẽ cầm áo phao của Bích treo lên hàng rào, thầy Chiến vào tiết dạy với chiếc quần vải sờn cũ, bị ướt cả hai ống do lội sông.
Miệt mài “cõng” chữ lên ngàn
Hơn 100 nóc nhà ở Làng Tốt, thầy Thới Chiến và Phạm Văn Rới thuộc làu từng tên chủ hộ. Đã 27 năm dạy học ở Ba Lế, thầy Chiến và thầy Rới lặng lẽ, miệt mài “đi tận ngõ, gõ tận nhà” ở thôn Làng Tốt để vận động từng HS ra lớp.
Mỗi khi nước sông Liên dâng cao, các em học sinh ở xóm Vả Da Ri phải ở lại trường cùng thầy
Nói về 2 thầy giáo miệt mài bám trường, bám lớp, bám làng, già làng Phạm Văn Lê, ở thôn Làng Tốt xúc động bảo, làng tôi biết đến 2 thầy từ những năm 1998, 1999, khi con em Làng Tốt còn xuống học ở điểm trường chính ngay tại trung tâm xã, chứ chưa có điểm trường lẻ này. Các thầy dạy ở điểm trường chính, nhưng Chủ nhật lại đi bộ lên đây, cùng làm, cùng ở với dân làng để đến đầu tuần lại thuyết phục, dẫn các cháu trở lại trường. "Nếu không có các thầy chịu khó nắm tay dẫn các cháu băng rừng đến lớp, thì trẻ em Làng Tốt không đọc thông, viết thạo được đâu", ông Lê nói.
Trường Tiểu học và THCS Ba Lế, điểm trường thôn Làng Tốt, xã Ba Lế (Ba Tơ)
Dẫn chúng tôi đi trên con đường làng đang được bê tông, thầy Rới hóm hỉnh bảo, tên là Làng Tốt, nhưng đường giao thông vào làng không tốt chút nào. Đến tận bây giờ, đường vào làng mới được làm bê tông. Ngay cả đường vào trung tâm xã Ba Lế, cũng phải sau những năm 2000, mới được đầu tư xây dựng. "Những ngày đầu gian khó, tôi cùng anh Chiến chỉ có thể đi xe đạp đến trung tâm xã Ba Bích. Chúng tôi gửi xe ở đấy, đi bộ theo đường mòn mất chừng 6 tiếng đồng hồ thì vào tới trung tâm xã Ba Lế. Từ trung tâm xã lên Làng Tốt chừng 12km, nhưng chúng tôi phải mất thêm khoảng 8 tiếng đồng hồ băng rừng, lội sông, mới đến nơi”, thầy Rới bảo.
Niềm vui của thầy Phạm Văn Rới là được nhìn thấy các em đến lớp đều đặn
Hơn 20 năm “cõng chữ" lên Làng Tốt, thầy Chiến, thầy Rới còn mang theo bút, vở, bánh, kẹo... làm quà khích lệ tinh thần học tập của HS. Vào những ngày mưa bão, đường về nhà của nhiều HS, đặc biệt là các em ở xóm Vả Da Ri, bị chia cắt bởi nước sông dâng cao, Trường Tiểu học và THCS Ba Lế, điểm trường thôn Làng Tốt lại trở thành nhà, còn thầy Chiến, thầy Rới giống như bậc làm cha, làm mẹ, cùng nhau chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho các em.
"Mãi ghi nhớ công lao của thầy"
Bí thư Đảng ủy xã Ba Lế Phạm Thị Lăng tâm sự như thế khi nói về 2 thầy giáo Thới Chiến và Phạm Văn Rới. Từng là HS của 2 thầy ở bậc tiểu học, chị Lăng nhớ mãi hình ảnh 2 thầy lặn lội đến từng nóc nhà, ngõ xóm để vận động HS đến lớp. "Nếu không có thầy Chiến, thầy Rơi, tôi cũng như nhiều đứa trẻ khác trong làng không có ngày hôm nay", chị Phạm Thị Lăng xúc động nói. Chứng kiến thầy giáo cũ vừa dạy học, vừa đảm đương chuyện nấu ăn cho HS, cách đây 5 năm, chị Lăng đã mua tặng thầy và HS nơi đây một chiếc tủ lạnh để thuận tiện hơn trong việc bảo quản thức ăn. Tấm lòng của HS cũ đã để lại cho 2 người thầy cắm bản niềm xúc động sâu sắc.
Có bữa lũ sông lên đột ngột, phụ huynh không đón con được, đành nhờ cậy cả vào các thầy. Các cháu học ở trường, ngủ tại trường, ăn cơm, canh các thầy nấu cho đến khi nào nước rút mới trở về nhà", phụ huynh Phạm Văn Muốn xúc động kể.
Trong những dịp đầu năm học mới, khi đến tận nhà để vận động HS ra lớp, thầy Chiến, thầy Rới luôn bảo rằng, chỉ cần phụ huynh quyết tâm để con em mình theo đuổi việc học, thầy cô và nhà trường sẽ luôn bên cạnh. Các con hãy xem các thầy như người cha trong nhà. Các thầy luôn sẵn sàng đưa các con đi học, nấu cơm, giặt đồ cho các con. Miễn là các con chịu đến trường...
Bài, ảnh: Ý THU
Nguồn Báo Quảng Ngãi