Làng nghề sản xuất muối Tuyết Diêm thị xã Sông Cầu (Phú Yên) có lịch sử hình thành từ thế kỷ XVIII, gắn liền với cuộc sống của người dân ven biển và quá trình hình thành phát triển của tỉnh Phú Yên. Từ thời vua Gia Long có tên gọi là Hoa Diêm, sang thời vua Minh Mạng đổi thành Tuyết Diêm khi người dân bắt đầu khai thác nước mặn từ đầm Cù Mông vào để sản xuất muối.

Đến thăm làng nghề sản xuất muối Tuyết Diêm, du khách sẽ được trải nghiệm quy trình làm muối truyền thống. Ảnh: ĐỨC THẮNG
Tên Tuyết Diêm, với ý nghĩa muối trắng như tuyết, không chỉ miêu tả vẻ đẹp tinh khôi của muối mà còn ngầm khẳng định chất lượng vượt trội của loại muối đặc sản của thị xã Sông Cầu này. Muối Tuyết Diêm còn có tên gọi khác là muối Cù Mông. Các vị lão diêm dân kể lại, thời Pháp thuộc, muối ở Tuyết Diêm quý giá như vàng.
Làng nghề muối Tuyết Diêm có diện tích sản xuất khoảng 120 ha, nằm yên bình dưới chân đèo Cù Mông huyền thoại. Làng muối này thuộc xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu, cách trung tâm TP Tuy Hòa khoảng hơn 60 km về phía Bắc, nằm cạnh quốc lộ 1A, thuận tiện cho du khách ghé thăm, trải nghiệm cùng với hành trình khám phá nhiều nét đặc sắc của vùng đất “hoa vàng cỏ xanh”.
Tháng 11.2024, UBND tỉnh Phú Yên ban hành quyết định Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch nông thôn và phát triển sản phẩm OCOP trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2024-2025, trong đó du lịch cộng đồng trong sản xuất muối thôn Tuyết Diêm là một trong 9 mô hình được tỉnh Phú Yên chọn để xây dựng.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết, đến thăm làng nghề sản xuất muối Tuyết Diêm, du khách sẽ được trải nghiệm hành trình thú vị khám phá quy trình làm muối truyền thống, tìm hiểu về nghề làm muối vất vả mà đầy tự hào của diêm dân nơi đây. Muối sau khi được thu hoạch sẽ được nhân công cẩn thận xếp vào lò và đun liên tục trong 24 giờ.
Trong suốt quá trình này, những người thợ lành nghề sẽ khéo léo dùng xẻng xúc than lửa từ cửa phủ lên bề mặt lò nhiều lần nhằm đảm bảo nhiệt lượng được phân bổ đồng đều. Khi muối đã “chín” người thợ sẽ để nguội rồi mới bưng ra cho những nữ nhân công dùng tay sàng lọc, lấy phần bột muối thơm, mịn nhất. Chính quy trình công phu, độc đáo này đã tạo nên sự khác biệt cho muối Tuyết Diêm.
Phan Hiếu /Báo Văn Hóa