Với 1.800 ha cam đang giai đoạn cho sản phẩm, năng suất bình quân 21 tấn/ha, năm nay, sản lượng cam Vinh cung ứng ra thị trường ước khoảng 37.000 tấn quả.
Các huyện như Anh Sơn, Con Cuông, Yên Thành vẫn còn giữ được những vườn cam Vinh chất lượng cao để cung ứng cho thị trường. Ảnh: Xuân Hoàng
Từ trung tuần tháng 11, các chủ vườn cam vinh trên địa bàn Nghệ An bắt đầu mở trại, thu hoạch cam bán ra thị trường. Theo các chủ trại cam cho biết, năm nay mặc dù cam rụng khá nhiều, nhưng bù lại quả to, đẹp và chất lượng cao hơn, giá bán dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, cao hơn năm trước.
Dự kiến cam sẽ thu hoạch kéo dài trong 2 - 3 tháng, nên cam Vinh sẽ có bán trong dịp Tết Nguyên đán tới.
Các chủ trại cam ở xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn) thu hoạch cam Vinh. Ảnh: Quang An
Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thời điểm cao nhất diện tích cam Vinh có hơn 5.000ha, nhưng hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng hơn 2.000ha, trong đó, khoảng 1.800ha trong giai đoạn cho sản phẩm. Cam Vinh hiện tập trung nhiều ở Thanh Chương, Anh Sơn, Yên Thành…
Năng suất bình quân đối với diện tích cam đang cho sản phẩm đạt 21 tấn/ha. Cá biệt, nhiều vườn cam Vinh ở các huyện Anh Sơn, Yên Thành, Con Cuông được chăm sóc tốt, sai quả, có thể cho năng suất đạt 25 - 30 tấn/ha, chất lượng tốt. Như vậy, năm nay sản lượng cam Vinh của Nghệ An cung ứng ra thị trường ước khoảng 37.000 tấn quả.
Cam Vinh chủ yếu là giống cam Xã Đoài lòng vàng. Ảnh: Xuân Hoàng
Để nâng cao chất lượng cam Vinh, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tăng cường tuyên truyền, phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật đến nông dân, nhất là khuyến khích các hộ trồng mở rộng diện tích cam theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng của sản phẩm.
Cách đây hơn 10 năm, ngày 31/5/2007, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Vinh chỉ có 5 huyện: Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, với diện tích hơn 1.681 ha. Có 3 giống cam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cam Vinh: Xã Đoài, Vân Du, Sông Con. Ngày 16/10/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã có Quyết định số 5004/QĐ-SHTT về việc sửa đổi giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm cam Vinh. Theo đó, có 60 xã của 10 huyện, thị: Yên Thành, Nam Đàn, Nghi Lộc, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Nghi Lộc, Thanh Chương, Con Cuông và thị xã Thái Hòa với tổng diện tích lên đến 5.214 ha. Giống cam được chứng nhận chỉ dẫn địa lý bổ sung là cam V2. Năm 2017, sản phẩm cam Vinh chính thức được dán tem truy xuất điện tử.
Xuân Hoàng /Báo Nghệ An