Thị trường ô tô sang châu Âu tại Trung Quốc đang đối mặt khủng hoảng với doanh số giảm hơn 50% của Aston Martin và 29% của Porsche, giữa bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các hãng xe điện nội địa.
Trong những tháng gần đây, các hãng xe sang Đức như BMW và Mercedes-Benz đã gặp không ít thách thức tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới khi phải đối đầu với làn sóng cạnh tranh từ các hãng xe điện Trung Quốc.
Chiếc Yangwang U8 trị giá 150.000 đô la của BYD có các tính năng công nghệ cao bao gồm một máy bay không người lái trên máy bay. Ảnh: Daniel Pier
BMW ghi nhận doanh số bán hàng tại Trung Quốc giảm đến một phần ba trong quý vừa qua, trong khi số xe mới được Mercedes giao tại đây cũng giảm 10% trong chín tháng đầu năm. Đặc biệt, dòng S-Class cao cấp bị ảnh hưởng nặng nề khi người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh kinh tế suy yếu.
Tương tự, thương hiệu xe sang Aston Martin của Anh cũng chứng kiến doanh số tại Trung Quốc giảm hơn 50% trong quý ba. Porsche, thuộc sở hữu của Volkswagen, đã thông báo sẽ thu hẹp mạng lưới đại lý tại Trung Quốc khi lợi nhuận sụt giảm và doanh số giảm đến 29% từ đầu năm đến hết ngày 30 tháng 9.
Rolls-Royce, hãng xe sang nổi tiếng của Anh thuộc BMW, cũng gặp phải tình hình khó khăn tại thị trường Trung Quốc trong năm nay. Giám đốc điều hành Chris Brownridge chia sẻ với Bloomberg rằng thị trường Trung Quốc đang trở nên "thử thách" hơn với hãng.
Vị thế của các thương hiệu châu Âu tại Trung Quốc ngày càng bị lung lay. Volkswagen, nhà sản xuất xe lớn nhất của Đức, đã bị BYD vượt qua, trở thành hãng xe hàng đầu Trung Quốc vào năm ngoái. Tỷ lệ thị phần của các hãng xe Đức tại Trung Quốc cũng giảm từ khoảng một phần tư trước đại dịch xuống còn dưới 15%, theo số liệu từ Bloomberg.
Cạnh tranh công nghệ cao
Các hãng xe sang châu Âu đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn từ các đối thủ Trung Quốc, với những sản phẩm xe tích hợp nhiều tính năng công nghệ tiên tiến. BYD, đối thủ lớn của Tesla tại Trung Quốc, đã ra mắt mẫu SUV Yangwang U8, một chiếc xe hybrid có giá 150.000 USD, được trang bị động cơ ở mỗi bánh giúp xe có thể di chuyển ngang như một con cua và có thể nổi trên mặt nước trong vòng 30 phút.
Xiaomi SU7 mang đến cho người mua Trung Quốc sự sang trọng với mức giá cạnh tranh. Ảnh: Jade Gao
Xiaomi, thương hiệu điện thoại nổi tiếng của Trung Quốc, cũng đã gia nhập thị trường ô tô với mẫu xe điện SU7. Mẫu xe này được tích hợp nhiều tính năng cao cấp, bao gồm màn hình giải trí 16,1 inch và điều khiển giọng nói từ xa, cho phép người lái điều khiển các thiết bị trong gia đình. Dòng SU7 có giá khởi điểm từ 215.900 nhân dân tệ (khoảng 30.300 USD), khiến cho các xe sang châu Âu khó lòng cạnh tranh.
Steve Dyer, giám đốc điều hành tại công ty tư vấn AlixPartners, nhận định rằng các hãng xe Trung Quốc đang từng bước thâm nhập vào phân khúc xe cao cấp, từ những mẫu xe giá thấp đến các dòng xe có giá trị cao hơn.
Ông cũng cho rằng khách hàng Trung Quốc ngày càng chú trọng vào các tiện nghi nội thất sang trọng và công nghệ thông minh, những lĩnh vực mà các hãng xe châu Âu gặp khó khăn trong việc theo kịp.
Thị trường khó từ bỏ
Dù gặp nhiều thách thức, các hãng xe sang phương Tây khó lòng rời bỏ thị trường Trung Quốc, nơi vẫn là thị trường lớn thứ hai toàn cầu của Volkswagen và đóng góp khoảng một phần ba doanh số của Mercedes trong năm ngoái. Dù vậy, các hãng này được dự báo sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn trên con đường phục hồi doanh số.
Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu cũng tạo ra rào cản đáng kể. Tim Urquhart, chuyên gia phân tích tại S&P Global Mobility, nhận định rằng nếu Liên minh châu Âu áp đặt thuế đối với xe hơi Trung Quốc, Bắc Kinh có thể đáp trả bằng cách đánh thuế xe hơi nhập khẩu từ châu Âu, tạo ra "cơn bão hoàn hảo" cho các hãng xe phương Tây.
Dù có khó khăn, thị trường Trung Quốc quá lớn để các hãng xe châu Âu hoàn toàn rút lui, nhất là khi họ đã đầu tư rất nhiều vào đây.
Dũng Phan (Business Insider)
Nhà báo và Công luận