Trong bối cảnh cả nước đang tiến hành tinh gọn bộ máy, AI có thể trở thành ''trợ thủ đắc lực'' giúp tối ưu hóa hiệu suất làm việc, tiết kiệm nguồn lực và thúc đẩy sự đổi mới.
Trong bối cảnh toàn cầu đang chạy đua ứng dụng AI, Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy đó, với những dấu ấn quan trọng trong hợp tác quốc tế và phát triển công nghệ. Điều này không chỉ giúp tăng cường vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới mà còn mang lại những cơ hội lớn để cải tiến và hiện đại hóa bộ máy quản lý, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Cụ thể, thời gian qua, Việt Nam đã nổi lên như một điểm đến hấp dẫn, ghi dấu ấn đậm nét với những thành tựu hợp tác chiến lược cùng các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Điển hình là việc hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA – một trong những "người khổng lồ" trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và công nghiệp bán dẫn để thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển AI tại Việt Nam.
Động thái này không chỉ đánh dấu bước tiến lớn trong việc gia tăng sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam mà còn khẳng định vị thế ngày càng quan trọng của nước ta trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việc có một trung tâm AI và dữ liệu đặt tại Việt Nam mở ra cơ hội tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất, đồng thời thúc đẩy chuyển giao tri thức và kỹ năng cho nguồn nhân lực trong nước. Đây cũng là nền tảng vững chắc để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng ngành bán dẫn – lĩnh vực được xem là "trái tim" của cách mạng công nghệ 4.0.
Với sự hậu thuẫn của những đối tác chiến lược như NVIDIA, Việt Nam đang từng bước khẳng định khả năng đón đầu xu thế công nghệ, góp phần định hình tương lai ngành công nghệ cao trong khu vực và trên thế giới.
Ảnh minh họa
Cần nhấn mạnh, không chỉ dừng ở việc thu hút đầu tư hay phát triển công nghệ, câu chuyện AI tại Việt Nam còn mở ra hướng đi quan trọng: nâng tầm nguồn nhân lực và cải tổ bộ máy hành chính. Trong bối cảnh cả nước đang tiến hành tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy hành chính, AI có thể trở thành "trợ thủ đắc lực" giúp tối ưu hóa hiệu suất làm việc, tiết kiệm nguồn lực và thúc đẩy sự đổi mới. Các công nghệ AI, từ tự động hóa quy trình, phân tích dữ liệu đến hỗ trợ ra quyết định đều có tiềm năng nâng cao năng suất, đồng thời giảm tải công việc thủ công cho cán bộ, công chức.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, việc ứng dụng AI cần được triển khai một cách có kế hoạch, đồng bộ và phù hợp với điều kiện thực tế. Những bài học từ các chương trình trước đây về nâng cao trình độ công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cơ quan chức năng là cơ sở quý giá để Việt Nam xây dựng các chương trình đào tạo AI cho đội ngũ nhân sự.
Nếu biết tận dụng sức mạnh của AI, không chỉ bộ máy hành chính được cải tổ mà nền kinh tế số của Việt Nam cũng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, đưa đất nước tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu trong khu vực.
Liên quan đến các nội dung về trí tuệ nhân tạo, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao Trần Anh Tú cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những năm trở lại đây, nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu ghi nhận xu thế phát triển tất yếu và tác động chuyển đổi to lớn của AI trong mọi mặt đời sống xã hội. Việt Nam cũng không đứng ngoài xu hướng phát triển này.
Nhận thức được tầm quan trọng của AI, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, nhằm tạo ra "cú hích" cho ngành AI của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng về AI.
Cũng theo ông Trần Anh Tú, thời gian qua, các bộ, ngành đã vào cuộc trong việc xây dựng văn bản hành lang, từng bước tạo điều kiện trong phát triển trí tuệ nhân tạo, nhất là vấn đề dữ liệu. Ngày 2/2/2024 vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược về dữ liệu quốc gia. Đây là cơ sở, dữ liệu phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ với vai trò hỗ trợ nghiên cứu, phát triển đã có một số chương trình nghiên cứu khoa học như Chương trình KC01 “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ số và đô thị thông minh”.
Thanh Hiền (t/h) /Chất lượng Việt Nam