Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp số Việt Nam đã chuyển từ lắp ráp, gia công sang xây dựng, phát triển các sản phẩm mang thương hiệu Việt có giá trị cao, để lại dấu ấn sâu sắc trên bản đồ công nghệ thế giới.
Doanh nghiệp công nghệ số hiện đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tính đến hết năm 2024, cả nước hiện có 73.788 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động, tăng 10,12% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số lao động trong lĩnh vực công nghiệp ICT đạt gần 1,26 triệu người. Theo đánh giá của truyền thông quốc tế, Việt Nam đang là quốc gia có sự vươn lên mạnh mẽ về công nghệ, nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiên phong tiến ra thị trường thế giới và thành công rực rỡ.
Chiến lược Make in Vietnam bước đầu phát huy hiệu quả
Để thúc đẩy kinh tế số, từ năm 2019, Việt Nam đã khai sinh cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số với sứ mệnh “Make in Vietnam”, nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam.
Slogan “Make in Vietnam” kể từ khi ra đời đã truyền tải định hướng của Chính phủ Việt Nam về sự chuyển dịch hướng phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số. Chỉ trong vòng 5 năm, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho thấy, trong năm 2024, giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp thông tin và truyền thông (ICT) đạt khoảng 1,16 triệu tỷ đồng (hơn 45,5 tỷ USD).
Riêng doanh thu công nghệ thông tin (CNTT) đạt 248.000 tỷ đồng. Giá trị Việt Nam tạo ra trong doanh thu của các doanh nghiệp FDI là khoảng 486.000 tỷ đồng (19 tỷ USD). Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa phần cứng công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông trong năm 2024 ước đạt 132.000 tỷ đồng, chiếm 32% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu quốc gia.
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số đã tăng mạnh từ khi phát động chiến lược “Make in Vietnam”. Tỷ trọng này đạt 21,35% năm 2019 và hiện đạt khoảng 31,8%.
Thực hiện chiến lược “Make in Vietnam”, các doanh nghiệp phải sáng tạo nhiều hơn, thiết kế nhiều hơn, phát huy trí tuệ và khả năng giải quyết các bài toán lớn của đất nước, đồng thời vươn ra toàn cầu. Giá trị gia tăng tại Việt Nam vì thế cũng cao hơn so với việc chỉ đơn thuần gia công, lắp ráp. Chiến lược “Make in Vietnam” không chỉ là động lực giúp các doanh nghiệp công nghệ số trong nước phát triển mà còn là kim chỉ nam để vươn mình ra thị trường quốc tế.
Thống kê của Bộ TT&TT cho thấy, hiện có khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài. Khởi nguồn từ gia công phần mềm, các doanh nghiệp Việt Nam đã dần chuyển mình, vươn tới những lĩnh vực sáng tạo và công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn. Những bước tiến này minh chứng rõ rệt cho thế mạnh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên trường quốc tế.
Ở mảng phần mềm và dịch vụ CNTT, các sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” đang góp phần khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Cơ hội chuyển mình trở thành “đầu tàu” cho kinh tế số Việt
Từ lời hiệu triệu Make in Viet Nam, các doanh nghiệp công nghệ số Việt đang từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, làm chủ công nghệ lõi. Doanh nghiệp công nghệ số hiện đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tính đến hết năm 2024, cả nước hiện có 73.788 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động, tăng 10,12% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số lao động trong lĩnh vực công nghiệp ICT đạt gần 1,26 triệu người.
Khép lại năm 2024, lĩnh vực công nghiệp ICT cũng để lại dấu ấn đậm nét với nhiều số liệu đáng chú ý. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử của Việt Nam năm 2024 ước đạt 133,2 tỷ USD, tăng 10,4% so với năm 2023.
Hiện nay, Việt Nam đang có thứ hạng cao ở 5 mặt hàng công nghiệp công nghệ số. Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 8 thế giới về thiết bị, linh kiện điện tử; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm.
Trong năm 2025, Bộ TT&TT đặt mục tiêu thúc đẩy doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT lên mức 169,3 tỷ USD, tăng 11,4% so với năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử đạt mức 148,5 tỷ USD, ước tăng 12,3% so với năm 2024. Để đạt được mục tiêu tham vọng đó, từ nay đến cuối năm 2025, Bộ TT&TT kỳ vọng số lượng doanh nghiệp công nghệ số hoạt động tại Việt Nam sẽ cán mốc 60.000 doanh nghiệp, tăng khoảng 10% so với năm 2024.
Trước đó, tại một hội nghị do Bộ TT&TT tổ chức, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ TT&TT cho biết: Nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; đưa Việt Nam trở thành môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số, hiện Bộ TT&TT đang dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số.
Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; đưa Việt Nam trở thành môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Dự thảo cũng nhằm đẩy mạnh thông minh hóa các ngành công nghiệp qua việc đưa công nghệ số thâm nhập, hội tụ vào các ngành, lĩnh vực thay đổi phương thức làm việc, mang lại các giá trị mới, tạo ra cuộc cách mạng về thông minh hoá.
“Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có những hỗ trợ nhất định đối với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo như tài trợ, vay vốn và hỗ trợ tài chính; đối với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số thì có vườn ươm, trung tâm khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ...; tổ chức các cuộc thi, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số, truyền thông, xúc tiến thương mại... nhằm thúc đẩy hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số”, ông Nguyễn Thanh Tuyên cho biết.
Chính sách hỗ trợ rộng mở
Trong tiến trình hình thành và phát triển nền kinh tế số, nhận thức rõ vai trò then chốt của doanh nghiệp, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều chính sách “mở đường” cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tiếp cận và làm chủ công nghệ số, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Các chính sách này sẽ thổi luồng sinh khí mới, tạo động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp tự tin chuyển mình, nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó có quan điểm làm chủ công nghệ và các nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược. Sự ra đời của Nghị quyết số 57 được xem là “kim chỉ nam”, khai sáng với mọi ngành nghề, không chỉ có tính thúc đẩy và thay đổi về bản chất cách thức hoạt động mà còn tác động sâu sắc đối với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Trong Chương trình hành động của Nghị quyết 57 vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo, nhóm nhiệm vụ số 6 về thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã nhấn mạnh doanh nghiệp chính là “đầu tàu” là lực lượng nòng cốt. Một số nhiệm vụ trọng tâm trong nhóm nhiệm vụ này như xây dựng Đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp công nghệ số vươn ra toàn cầu; xây dựng Đề án hình thành các doanh nghiệp công nghệ chiến lược quy mô lớn trong nước để triển khai hạ tầng số, nhân lực số, dữ liệu số, công nghệ chiến lược và an toàn an ninh mạng. Đáng chú ý, nhiệm vụ số 4 về đẩy mạnh thu hút các dự án FDI cho nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước, đưa Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới.
Ông Vũ Thanh Tùng, Giám đốc kinh doanh và phát triển sản phẩm, GreenNode, VNG Digital Business cho biết: “Việc đặt trung tâm R&D của NVIDIA ở Việt Nam cho thấy nước ta đang được coi là một thung lũng công nghệ mới của khu vực, nhân sự người Việt trong ngành nghiên cứu sâu về AI và dữ liệu được đánh giá ngang tầm với thế giới. Điều này sẽ thúc đẩy nhiều làn sóng công nghệ tự động hóa trong nhiều lĩnh vực như y tế, công nghệ xe tự lái, quản lý năng lượng xanh và mở ra nhiều cơ hội mới trong giáo dục, khởi nghiệp”.
Sự kiện Việt Nam hợp tác với Nvidia thành lập Trung tâm R&D và Trung tâm Dữ liệu AI đối với sự phát triển của AI tại Việt Nam là một bước ngoặt khá lớn và tin vui đối với ngành công nghệ Việt Nam, nhất là so với các nước trong khu vực và lân cận.
Theo ông Tùng, các Trung tâm nghiên cứu AI đặt ở Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển khoa học, công nghệ, AI bản địa; đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ của thế giới nói chung.
Trung tâm R&D của các công ty công nghệ lớn được coi là cái nôi để phát triển nhân tài, sản phẩm, hệ sinh thái và định hướng cho các làn sóng công nghệ tiếp theo.
Minh chứng cho điều này, ông Tùng cho biết, sự trỗi dậy của hạ tầng công nghệ và AI ở Trung Quốc không thể thiếu đi sự đóng góp phần lớn của trung tâm R&D mà Microsoft đã xây dựng cách đây hơn 30 năm. Hay như Israel có hơn 400 trung tâm R&D của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia.
Tiến sĩ Võ Văn Lợi, Trưởng khoa Kinh tế - Chính trị, Học viện Chính trị Khu vực 3 bày tỏ: “Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và các công nghệ số trong quản lý và sản xuất sẽ nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Đầu tư vào hạ tầng công nghệ hiện đại không chỉ là bước đi chiến lược để hội nhập quốc tế mà còn là tiền đề để Việt Nam chuyển đổi thành một quốc gia dẫn đầu trong khu vực về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
Đánh giá Nghị quyết 57, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết: “Đây là nghị quyết trụ cột cho kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Trong mấy chục năm qua, Việt Nam đã đi ra thế giới về phần mềm, chúng ta cần thế giới. Từ nay, vài thập kỷ tới, thế giới sẽ cần Việt Nam vì chúng ta có thể vươn lên số một ở lĩnh vực AI, bán dẫn - những công nghệ lõi, mọi quốc gia đề cần, đó là tương lai của Việt Nam”.
Có thể thấy, Nghị quyết 57 sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn… gắn với chuỗi sản xuất trong nước. Đồng thời, Nghị quyết sẽ dần hình thành các cơ chế, chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước đầu tư cho nghiên cứu và phát triển để đổi mới công nghệ, đẩy mạnh sản xuất thông minh, nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm.
Khánh An /Nhà báo và Công luận