Đồng Nai là một trong 3 tỉnh, thành đầu tiên tại Việt Nam được Bộ KH-ĐT chọn xây dựng thí điểm khu công nghiệp (KCN) sinh thái. Dự tính sau khi hoàn thành sẽ tiến hành nhân rộng ra các KCN khác trên cả nước. Thế nhưng, thực tế việc thực hiện các tiêu chí của KCN sinh thái không dễ.
KCN sinh thái là một “cộng đồng” các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ có mối liên hệ mật thiết trên cùng một lợi ích, hướng tới hoạt động mang tính xã hội, kinh tế, môi trường chất lượng cao, thông qua sự hợp tác trong việc quản lý các vấn đề môi trường và nguồn tài nguyên.
Hiện nay, các KCN: Amata (Đồng Nai), Hiệp Phước (TP.HCM) và Deep C (Hải Phòng) đang trong quá trình xây dựng thí điểm mô hình KCN sinh thái. Đây là mô hình phát triển công nghiệp bền vững mà Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đang hướng đến để trở thành nền kinh tế xanh.
Cần chính sách cụ thể, rõ ràng
Theo Bộ KH-ĐT, Việt Nam hiện đã thành lập gần 400 KCN, trong đó có gần 300 KCN đã đi vào hoạt động và tỷ lệ lấp đầy của các KCN đang hoạt động đạt gần 70%.
Các KCN của Việt Nam đã thu hút được hơn 20 ngàn dự án của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước và DN vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó, có hơn 10 ngàn dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 230 tỷ USD và 10 ngàn dự án vốn đầu tư trong nước với vốn đăng ký gần 92 tỷ USD, chiếm 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Một trong những chiến lược phát triển KCN sinh thái được đưa ra
Các KCN đóng góp rất lớn cho xuất khẩu, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục triệu người lao động. Tuy nhiên, việc hoàn thành và nhân rộng KCN sinh thái không dễ vì phải đạt được các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, môi trường, DN áp dụng quy trình sản xuất sạch, liên kết cộng sinh công nghiệp, xây dựng các công trình xã hội cho người lao động...
Phó trưởng phòng Quản lý TN-MT, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai Nguyễn Thành Trung cho biết: “Đồng Nai hướng đến xây dựng các KCN sinh thái để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, nhưng việc thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định, chính sách về môi trường. Do đó, muốn nhân rộng được KCN sinh thái tại Đồng Nai cũng như cả nước, Chính phủ cần có những chính sách cụ thể, rõ ràng hơn nữa để khuyến khích các DN tham gia”.

Hiện nay, người tiêu dùng trên thế giới đòi hỏi ngày một cao và khắt khe hơn về các sản phẩm. Ngoài đảm bảo về nguồn gốc, chất lượng thì sản phẩm thân thiện với môi trường, sản xuất theo quy trình sạch được đón nhận nhiều hơn. Do đó, các nhãn hàng quốc tế cũng đòi hỏi các nhà sản xuất phải có lộ trình chuyển sang sản xuất sạch, tiết kiệm tài nguyên, tái sử dụng các chất thải trong sản xuất công nghiệp để hạn chế thải ra môi trường. Tại Đồng Nai, nhiều DN FDI đi đầu trong ứng dụng công nghệ hiện đại để thực hiện quy trình sản xuất sạch hơn.
Nhiều DN hưởng ứng
Nhiều DN trong các KCN của Đồng Nai ủng hộ việc triển khai thực hiện KCN sinh thái vì đem lại nhiều lợi ích cho DN và cả cộng đồng. DN nằm trong KCN sinh thái đảm bảo các tiêu chí về nhà xưởng, sản xuất, môi trường, lao động theo quy chuẩn chung của thế giới.
Hiện các tập đoàn lớn trên thế giới đang có tính toán và phân bổ lại chuỗi cung ứng để tránh lệ thuộc quá lớn vào một vài quốc gia nên nhiều đơn hàng sẽ được dịch chuyển qua những nước khác. Việt Nam là một trong những quốc gia được các nhãn hàng quốc tế quan tâm vì nền chính trị ổn định, chính sách được cải cách thường xuyên theo hướng tạo thuận lợi cho DN và có những cam kết, đưa ra lộ trình trong phát triển bền vững.
Ông Kim Byunggi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hansol Electronics Vietnam Hochiminhcity ở KCN Amata cho hay: “Các nhà máy sản xuất của công ty đều được ứng dụng công nghệ hiện đại để sản xuất linh kiện điện tử cung cấp cho Tập đoàn Samsung và xuất khẩu. Công ty sẵn sàng tham gia thực hiện các yêu cầu của tỉnh, Chính phủ về sản xuất xanh để bảo vệ môi trường, xây dựng KCN sinh thái để phát triển bền vững. Mới đây, công ty đã xây dựng xong và đưa vào hoạt động nhà máy mới ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường tại KCN Hố Nai”.
Duy Khương