Theo chuyên gia, quản lý tồn kho sẽ giúp cân đối giữa chi phí tồn kho với mức độ phục vụ sản xuất, bảo đảm ổn định trong quá trình sản xuất để việc sản xuất được diễn ra liên tục, không bị đình trệ.
Doanh nghiệp cần chủ động nguồn nguyên liệu và đầu vào khi giá cả, nguồn cung trên thị trường không ổn định. Từ đó, tạo thế cạnh tranh với doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, tồn kho giúp doanh nghiệp hưởng tiện ích giảm giá khi mua số lượng nhiều nhưng tồn kho còn được gọi là nguồn nhàn rỗi, vì tồn kho càng cao thì càng gây ra lãng phí.
Ảnh minh hoạ
Như vậy, nguyên nhân nào khiến doanh nghiệp phải tồn kho? Theo chuyên gia, doanh nghiệp cần tích trữ một lượng hàng nhất định để đảm bảo nguồn nguyên vật liệu cho sản xuất hoặc đảm bảo có sản phẩm cung ứng cho khách hàng. Nếu lượng tồn kho không đủ sẽ làm giảm doanh số bán hàng (đối với hàng tồn kho là thành phẩm) và có thể dẫn đến tình trạng khách hàng chuyển sang mua hàng của đối thủ cạnh tranh khi nhu cầu của họ không được đáp ứng.
Việc thông tin liên lạc và quan hệ giữa các công đoạn, bộ phận trong doanh nghiệp cũng như quản lý, thống kê thông tin chưa phù hợp, chưa tốt dẫn đến thông tin chưa đúng về lượng tồn trữ, xuất chưa đúng. Hoặc hệ thống lưu trữ chưa đảm bảo dẫn đến hư hỏng trong quá trình lưu kho.
Trong một số trường hợp, để luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của khách hàng, một số doanh nghiệp chủ động để các bộ phận sản xuất tiến hành sản xuất truớc khi có bản vẽ kỹ thuật hay thiết kế chi tiết. Đến khi có thông tin chính xác từ khách hàng thì những sản phẩm trước đó có thể là tồn kho.
Trong một số trường hợp, ban lãnh đạo doanh nghiệp muốn có thời gian vận hành sản xuất dài để sử dụng hiệu quả máy móc thiết bị, lao động. Họ tin rằng hiệu quả sản xuất, đặt hàng quy mô lớn có thể bù đắp những lãng phí mà tồn kho cao gây ra. Ðiều này dẫn đến tồn kho cao. Một số doanh nghiệp chưa đảm bảo yêu cầu về máy móc, thiết bị và lao động hoặc quá trình thiết kế công nghệ, thiết kế sản phẩm không đạt yêu cầu nên những sản phẩm sản xuất ra không đạt yêu cầu về tiêu chuẩn, hoặc số lượng sản xuất ra không đủ lô hàng phải giao.
Nếu không có tồn kho, doanh nghiệp sẽ cần tăng cường hoạt động giao nhận, vận chuyển để nhận hay giao hàng. Điều này khiến cho chi phí vận chuyển tăng lên. Vì thế, doanh nghiệp có thể muốn trữ hàng đợi đến lượng nhất định thì mới giao hàng nhằm giảm chi phí vận chuyển.
Việc quản lý tồn kho là kiểm soát lượng hàng tồn kho sao cho vừa đủ tại mỗi thời điểm nào đó. Nếu lượng tồn kho không đủ thì doanh nghiệp có thể gặp những khó khăn nhất định nhưng nếu lượng tồn kho nhiều quá doanh nghiệp sẽ tốn chi phí để lưu hàng và chậm thu hồi vốn.
Trong quá trình sản xuất, nguyên nhân gây ra việc tồn kho có thể là do: Bố trí thiết bị không hợp lý; thời gian chuyển đổi thiết bị, cỡ gá kéo dài; chờ đợi sản xuất hay do sản xuất hàng loạt, gộp lô hàng lớn quá mức; nghẽn dòng chảy sản phẩm, thắt cổ chai, mất cân bằng trong quá trình sản xuất; sản xuất trước khi có yêu cầu của công đoạn, bộ phận sau; sản xuất theo hệ thống đẩy; phụ tùng, nguyên vật liệu,... bị khuyết tật gây ra những chờ đợi.
Phương Nam /Chất lượng Việt Nam