Khởi đầu năm 2024 sản xuất công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên tăng trưởng đáng kể, kéo dài đà tăng tích cực từ năm 2023.
Theo Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên, ngay từ những ngày đầu năm mới 2024, khí thế sản xuất tại nhiều doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã nhộn nhịp để sản xuất những đơn hàng đầu tiên của năm. Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, nhiều doanh nghiệp đã xác lập được đơn hàng mới, đơn hàng giá trị lớn, sản xuất công nghiệp của tỉnh trong tháng 1/2024 tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực từ những tháng cuối năm 2023, kỳ vọng đà tăng trưởng bứt phá trong những tháng tới.
So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 ước tính tăng 3,19%, trong đó, ngành khai khoáng giảm 7,28%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,34%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 2,13%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,91%.
Thái Nguyên: Sản xuất công nghiệp khởi sắc đầu năm
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 ước tính tăng 4,52% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 15,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,66%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 3,94%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,29%.
Ngành công nghiệp chế biến biến, chế tạo với vai trò trụ đỡ, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, quyết định chủ yếu tăng trưởng toàn ngành công nghiệp cũng như kinh tế của tỉnh đã có sự tăng trưởng tích cực với mức tăng chỉ số sản xuất ước đạt 4,66%. Trong đó, một số ngành có chỉ số sản xuất tăng 2 con số như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 87,32%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 85,71%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 59,87%; sản xuất đồ uống tăng 32,45%; sản xuất xe có động cơ tăng 22,07%; dệt tăng 14,29%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,12%.
Riêng ngành sản xuất sản phẩm điện tử, do trong tháng 1/2024 Công ty TNHH SamSung Electronics Việt Nam Thái Nguyên ra mắt sản phẩm mới Galaxy S24 nên chỉ số sản xuất nhóm ngành này ước tăng 4,5% so với cùng kỳ.
Về sản phẩm sản xuất, nhóm các sản phẩm có sản lượng sản xuất trong tháng 1/2024 đạt cao hơn cả so với tháng trước và so với cùng kỳ như: Quặng sắt và tinh quặng sắt chưa nung 56,2 nghìn tấn, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 75,7% so với cùng kỳ; máy tính bảng 1 triệu cái, tăng 1% so với tháng trước và tăng 71,2% so với cùng kỳ; camera truyền hình 12,9 triệu cái, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 123,3% so với cùng kỳ; phụ tùng khác của xe có động cơ 0,7 triệu cái, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 64,1% so với cùng kỳ…
Riêng nhóm điện thoại thông minh ước đạt 7,9 triệu cái, tăng 3,4% so với tháng trước và giảm 14,3% so với cùng kỳ.
Với những dự báo tích cực trong sản xuất công nghiệp trong tháng 1/2024 cùng với nhận định tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2024 sẽ tốt hơn quý IV/2023 của 42,4% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ là những tín hiệu tích cực cho sản xuất công nghiệp của tỉnh, góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2024.
Với khởi đầu thuận lợi, ngành Công Thương Thái Nguyên đang nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu năm 2024 đạt tổng giá trị sản xuất công nghiệp 1.055.400 tỷ đồng, tăng 8,5% so với ước thực hiện năm 2023, trong đó, công nghiệp địa phương đạt 48.880 tỷ đồng, tăng 9,5%.
Để đạt mục tiêu trên, ngành Công Thương Thái Nguyên thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh, xây dựng mới các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp; phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, điện nông thôn miền núi; hỗ trợ sản xuất hàng xuất khẩu...
Tiếp tục cải cách hành chính, đảm bảo công khai và giải quyết nhanh gọn các thủ tục liên quan đến cấp phép cho các nhà đầu tư… duy trì và làm tốt công việc ở bộ phận một cửa, một cửa liên thông, Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng, thống nhất vì sự phát triển chung.
Tăng cường đối thoại giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án công trình quan trọng của Ngành; triển khai rà soát tình hình sản xuất của từng ngành, đặc biệt là các ngành như: May mặc, sản xuất kim loại, cơ khí, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ... tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiếp tục phối hợp triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh Thái Nguyên cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Hải Linh /Báo Công Thương